Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT Nghệ An kiểm tra mô hình khuyến nông tại huyện Con Cuông
Thứ sáu - 29/04/2022 05:459830
Chiều ngày 26 tháng 4 năm 2022, đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Nghệ An, Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông, UBND huyện Con Cuông, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Con Cuông... đã đi kiểm tra một số mô hình Khuyến nông trên địa bàn huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Kiểm tra mô hình “Áp dụng các giải pháp kỹ thuật cải tạo vườn cam thoái hóa”tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An
Trước tình trạng nhiều diện tích cam bị thoái hóa có nguy cơ phải chặt bỏ, để giảm thiểu thiệt hại cho người dân, đồng thời tăng giá trị của cây cam trên địa bàn, việc triển khai thực hiện mô hình áp dụng các giải pháp kỹ thuậtnhằm phục hồi một số vườn cam trên địa bàn bước đầu cho kết quả rất khả quan. Dù chỉ mới sang năm thứ 2 thực hiện chăm sóc nghiêm ngặt theo quy trình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, vườn cam không những đã phục hồi tốt, mà năng suất cũng bắt đầu tăng lên 20% so với những năm trước.
Kiểm tra mô hình “Trồng cây giổi ghép lấy hạt” tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An
Mô hình thuộc chương trình khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông Nghệ An phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Con Cuông triển khaithực hiện năm 2022. Giổi là loài cây bản địa, phân bố rải rác từ các tỉnh Miền Bắc tới Tây Nguyên, là loài cây ưa đất sâu ẩm, tốt, thoát nước, đất còn tính chất đất rừng. Hạt giổi có giá trị dinh dưỡng cũng như có giá trị cao trong y học, là cây có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên nếu gieo giổi hạt thì 10 năm mới bắt đầu cho thu hoạch quả, vì vậy mô hình sử dụng giống giổi ghép để rút ngắn thời gian thu hoạch quả từ 10 năm xuống 3 năm sau khi trồng giúp cho người dân có thu nhập sớm hơn. Cây giổi ghép còn có ưu thế tán thấp, phân cành sớm nên thuận tiện trong công tác chăm sóc và thu hoạch. Việc lựa chọn triển khai thực hiện mô hình nhằm đưa giống cây trồng mới có hiệu quả, giá trị kinh tế cao vào thay thế cây cam trên các vùng trồng cam đã bị thoái hóa góp phầncải tạo đất, nâng cao thu nhập cho người dân đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái. Thăm mô hình “Trồng dây thìa canh theo chuỗi giá trị” tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An
Cùng ngày, đoàn cũng đã đến thăm mô hình trồng cây thìa canh theo chuỗi giá trị thực hiện năm 2020 tại xã Chi Khê huyện Con Cuông. Qua đánh giá cho thấy, cây sinh trưởng, phát triển tốt phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương chonăng suất, chất lượng cao. Đặc biệt quá trình triển khai mô hình đãliên kết với Công ty Cổ phần dược liệu Pù Mát thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân để chế biến thành các sản phẩm có giá trị dùng trong y học đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng như: Trà túi lọc dây thìa canh, Trà hòa tan dây thìa canh, Cao dây thìa canh... nâng cao giá trị sản xuất. Từ thành công của mô hình đến nay đã được nhân rộng ra nhiều vùng trên địa bàn huyện Con Cuông, mở ra một hướng mới trong phát triển cây dược liệu, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, tạo việc làm cho người dân.