Thứ sáu, 22/11/2024, 23:49

Giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường  trong sản xuất nông nghiệp

Chủ nhật - 15/05/2022 22:07 2.627 0
Tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng là vấn đề không mới và khá nhức nhối. Tuy vậy, vài năm lại đây, với sự hỗ trợ nhà nước và các giải pháp sắp xếp lại quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp trong xây dựng Nông thôn mới nên đã tạo được chuyển biến tích cực và sản xuất đỡ gây ô nhiễm hơn.
Giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường  trong sản xuất nông nghiệp
        Những chuyển biến, hiệu quả trên đồng ruộng
          Từ thực tế khảo sát và tìm hiểu cho thấy ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp hiện khá rộng, từ chất thải, nước thải trong quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa xử lý ra môi trường cho đến tùy tiện sử dụng các các loại vật tư, hóa chất, thuốc bảo vệ thực phẩm sau khi sử dụng vứt bao vỏ tùy tiện và nếu không được thu gom, xử lý đều dẫn đến nguy ô nhiễm môi trường sản xuất.
          Để xử lý tình trạng trên, Nghệ An đã từng bước bố tró sắp xếp lại khu vực chăn nuôi xa khu dân cư, từng bước thu gom xử lý bao vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, cùng với chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình đã giảm thì tình trạng các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm mùi hôi thối đã được giảm thiểu. Chỉ còn một vài địa phương có người dân phản ánh về tình trạng này.
Từng có nhiều chuyến thực tế tại các vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh như Quỳnh Bá, Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu), Diễn Liên, Diễn Trung (Diễn Châu), Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) hay các vùng ngoại thành Hưng Lộc, Nghi Đức (TP Vinh) hay Quang Tiến (Tx Thái Hòa)… chúng tôi nhận thấy hiện tượng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp đã giảm nhiều. Các địa phương trên trong quá trình xây dựng NTM đã quy hoạch đưa các gia trại, trang trại sản xuất chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Để giảm thiểu ô nhiễm, nhà nước cũng có các dự án hỗ trợ vốn để các hộ chăn nuôi quy mô lớn lắp hầm biogas để tái sử dụng năng lượng.
 Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ môi trường đã phối hộ với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển dự án thu gom bao vỏ thuốc bảo vệ thực vật nên 3 năm lại đây, các bao vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại 12 huyện đồng bằng đã được thu gom, mỗi năm từ 1-2 lần đưa đi cơ sở chuyên dụng xử lý. Từ dự án này, các địa phương cũng vận động Hội nông dân và HTX dịch vụ nông nghiệp đầu tư đặt thêm các thùng thu gom bao vỏ bảo vệ thực vật tại các đồng ruộng; tuyên truyền cho các hội viên nông dân sử dụng các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục. Ông Lê Văn Nghĩa- Chủ tịch Hội Nông dân Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) chia sẻ: so với trước đây, nông dân sử dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật khá tùy hứng, sau khi sử dụng thì vứt bao bỏ khá tùy tiện thì nay chủ yếu sử dụng thuốc do cơ sở đại lý của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cung cấp; các bao vỏ thuốc sau khi sử dụng đều bỏ vào thùng thu gom riêng, không lẫn lộn với rác tiêu dùng như trước đây; thậm chí rơm rạ sau khi thu hoạch xong, trước đây thường đốt gây ô nhiễm khói thì nay cũng đưa về cất trữ hoặc hoặc dùng máy lật ủ tại chỗ cho ngấu để làm phân.
Tương tự, sau một số mô hình trình diễn nuôi tôm công nghệ cao, sử dụng ven vi sinh và dung dịch hữu cơ để xử lý ao đầm của Trung tâm khuyến nông tỉnh, ngày càng có nhiều chủ đầm đầu tư cải tạo lại ao đầm để nuôi theo quy trình công nghệ cao, ứng dụng chế phẩm sinh học để nuôi semi- biofloc nên tình trạng tồn dư kháng sinh trong môi trường nuôi cũng như nguồn nước thải ra sau nuôi cũng giảm bớt. Tỉnh cũng đang có kế hoạch cải tạo lại hạ tầng các vùng nuôi tôm thâm canh theo hướng VietGap, an toàn với môi trường nên cũng giảm nguy cơ ô nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Hà – Chi cục trưởng Chi cục chế biến Nông, lâm, thủy hải sản tỉnh cho biết: định kỳ hàng năm hoặc khi có phản ánh, Chi cục đều lấy mẫu nước và nước tại các vùng nuôi trồng, chăn nuôi và các làng nghề. Kết quả cho thấy, các vùng đều đạt yêu cầu và trong ngưỡng cho phép, trên địa bàn không có các vi khuẩn lạ, độc hại như vi khuẩn tả, vi rus Witmore ăn thịt người như một số địa phương.  
          Giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm và sản xuất an toàn
Mặc dù các cấp chính quyền và ngành chức năng liên tục truyền thông tuyên truyền và hướng dẫn các biện pháp thu gom, xử lý các chất gây ô nhiễm trên lĩnh vực nông nghiệp nhưng do số lượng, tần suất sử dụng hóa chất để xử lý, sản xuất ngày càng nhiều nên nguy cơ gây ô nhiễm vẫn còn. Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thừa nhận: mỗi năm, bà con nông dân tỉnh ta sử dụng xấp xỉ 700 tấn thuốc thú y, bảo vệ thực vật trong danh mục và nếu tính cả lượng thuốc ngoài danh mục thì con số có thể lên 800 tấn nên số lượng bao vỏ xả thải ra môi trường khá lớn.
Trên thực tế, 2 năm lại đây, mặc dù tỉnh đã tổ chức thu gom bao vỏ thuốc BVTV nhưng chỉ đột xuất và thu gom bao vỏ ở vùng sản xuất lúa và cây màu tập trung tại 12 huyện, thị đồng bằng; chưa tổ chức thu gom bao vỏ tại các vùng chuyên canh cây công nghiệp, các huyện miền núi…
 Bên cạnh đó, do lợi ích kinh tế nên người dân một số huyện, thị bất chấp khuyến cáo của cơ quan quản lý đã tự ý đắp ao đầm ngoài bờ sông hoặc tự ý cải tạo ao đầm ven các vùng sản xuất lúa kém hiệu để nuôi tôm khiến môi trường sản xuất bị suy thoái nghiêm trọng, khi xảy ra mưa lớn thì ngập lụt… Điển hình là các chủ đầm tại vùng An Hòa, Sơn Hải, Quỳnh Diện hay Quỳnh Hưng, Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), Quỳnh Lập, Quỳnh Phương (Tx Hoàng Mai) đã tự ý cải tạo đầm, đua nước biển vào nuôi sau đó chưa xử lý nhưng thải ra môi trường gây ô nhiễm nặng.
Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư trên lĩnh vực chăn nuôi gia súc tập trung quy mô lớn không thực hiện tốt các cam kết bảo vệ môi trường theo phương án báo cáo đánh giá tác động môi trường đã gây ra ô nhiễm nguồn nước và mùi hôi thối. Sau vụ việc ô nhiễm của Trại lợn Thái Dương ở xã Đại Sơn (Đô Lương), đến lượt dự án chăn nuôi của Công ty Đại Thành Lộc tại Nam Hưng (Nam Đàn) xả nước thải ra hồ Tràng Đen gây khiến dư luận nổi sóng. Mới đây Dự án chăn nuôi lợn của Công ty Đại Thành Lộc tại Hạ Sơn (Quỳ Hợp) của Tập đoàn Massan vừa mới đi vào hoạt động gây ra mùi hôi thối khiến người dân rất bức xúc kiến nghị.
 Ông Đinh Sỹ Khánh Vinh – Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT cho biết: các dự án chăn nuôi lớn đều có đánh giá tác động môi trường ĐTM. Tuy nhiên khi đi vào vào vận hành, nếu chấp hành không đúng công suất thiết kế thì rất dễ gây ô nhiễm. Trong số các chỉ số gây ô nhiễm môi trường thì chỉ số ô nhiễm về mùi (hôi thối) rất khó để quan trắc, lấy mẫu để xử phạt.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2020, tỉnh đã có Đề án hỗ trợ đầu tư để vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGap, Global Gap… Theo đó Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 nâng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên gấp đôi hiện nay, tương ứng với 40-45 vùng và diện tích khoảng 18-20.000 ha. Hiện tại, cùng với khảo sát đầu tư hạ tầng các vùng nuôi tôm thâm canh theo hướng bền vững; Trung tâm khuyến nông tỉnh đang tiến hành đào tạo, tập huấn về năng lực để tham gia đánh giá, công nhận chứng chỉ VietGap thay vì mời các Trung tâm từ Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng ra.
Ngoài ra, để việc thu gom, xử lý bao vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung được ổn định, theo chúng tôi tỉnh cần một mặt đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức sử dụng các bao thuốc thú y, BVTV trong danh mục, hạn chế, xử lý nghiêm tình trạng sử dụng thuốc ngoài danh mục và thuốc diệt cỏ trái phép, tỉnh cần bổ trí ngân sách để tiến hành thu gom, huy động nguồn lực từ các địa phương, HTX dịch vụ nông nghiệp hay trang trại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tiến hành thu gom, hợp đồng với các đơn vị chức năng xử lý bao vỏ thuốc bảo vệ thực vật, các phụ phẩm thải gây ô nhiễm từ quá trình sản xuất, chế biến.
Giải pháp cuối cùng là cùng với vận động nông dân và các chủ gia trại, trang trại, doanh nghiệp đầu tư nâng cấp hạ tầng, công nghệ thì phải coi sản xuất sạch, sản xuất an toàn, không ô nhiễm, không tồn dư kháng sinh hay thuốc BVTV trên sản phẩm là tiêu chí sống còn của nông nghiệp trong giai đoạn mới. Hiện nay, khi năng lực sản xuất nông nghiệp đã được nâng lên 1 bước và để nông sản tìm được đàu ra thì phải hướng tới tiêu chuẩn, lấy sức khỏe cộng đồng làm thước đo sản xuất. Mỗi nông dân, chủ gia trại thông qua mã vạch sản phẩm hay mã QR được công bố, cần ứng dụng công nghệ để công khai, minh bạch quy trình sản xuất để cam kết về chất lượng và người tiêu dùng giám sát. Có như thế thì môi trường sản xuất nông nghiệp mới an toàn, bền vững và sản phẩm làm ra mới có đầu ra vững chắc./.

 
     
                                                                   Nguyễn Hải
                                                      Báo Nghệ An - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây