Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, vụ Xuân năm 2021 rét đậm, rét hại sẽ xảy ra sớm và kéo dài, các đợt được dự báo sẽ tập trung từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 02/2021 và mỗi đợt kéo dài từ 7 – 10 ngày. Do đó, để đảm bảo sản xuất vụ Xuân 2021 an toàn, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thời tiết và sâu bệnh hại gây ra Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo nông dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đối với sản xuất lúa vụ Xuân 2021 - Tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 47/CT-UBND ngày 02/12/2020 của UBND Tỉnh về việc tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ Xuân 2021. - Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm lịch thời vụ gieo cấy đã được khuyến cáo cho từng nhóm giống, tuân thủ kỹ thuật ngâm ủ giống, kỹ thuật làm mạ, xử lý hạt giống,... để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng mạ cho gieo cấy. Thực hiện che phủ nilon cho 100% diện tích mạ Xuân để phòng tránh rét đồng thời ngăn chặn chuột, rầy xâm nhập gây hại và truyền bệnh trên mạ. - Hạn chế tối đa việc bón đạm trên mạ, tăng cường bón phân chuồng hoai mục, lân, kali hoặc tro bếp nguội để chống rét cho mạ. Tuyệt đối không cấy, gieo sạ khi nhiệt độ trung bình ngày dưới 150C, trường hợp giống đã ngâm ủ phải tiến hành các biện pháp hãm mộng chờ thời tiết ấm mới tiến hành gieo. - Khi nhiệt độ cao trên 150C cần mở nilong cho mạ, thực hiện mở ở 2 đầu luống trước, không mở hoàn toàn ngay để tránh mạ bị sốc nhiệt. - Thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, bón vôi, làm đất kỹ, bón phân đầy đủ theo quy trình cho từng loại giống trước khi gieo cấy. Gieo cấy với mật độ vừa phải (theo SRI) đồng thời theo dõi và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại trên mạ và lúa sau gieo cấy. Dự phòng đủ hạt giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn và cực ngắn để gieo cấy bổ sung trong trường hợp mạ, lúa mới gieo cấy bị chết rét. 2. Đối với sản xuất rau màu vụ Đông 2020 và vụ Xuân 2021 Đặc biệt lưu ý thời vụ gieo cấy cụ thể theo Đề án vụ Xuân 2021 đã được Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành, cụ thể: Vụ Xuân năm 2021 được dự báo có nền nhiệt độ thấp hơn so với TBNN, rét đậm rét hại tập trung trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 02/2021; Lập Xuân vào ngày 04/02/2021 (tức ngày 23/12/2020 âm lịch). Do đó để đảm bảo an toàn, tránh lúa trỗ gặp rét, các trà được bố trí gieo cấy để trỗ tập trung từ 20/4 - 5/5. Khung thời vụ bố trí 03 nhóm giống cơ bản của vụ Xuân chính vụ như sau: - Nhóm 1 (các giống có thời gian sinh trưởng từ 135-145 ngày): Gieo mạ từ 05-10 tháng 01; cấy từ 26/01-01/02 (cấy từ 15-20/12 ÂL). - Nhóm 2 (các giống có thời gian sinh trưởng từ 130-135 ngày): Gieo mạ từ 10-15 tháng 01; cấy từ 01-05/02 (cấy từ 20-24/12 ÂL). - Nhóm 3 (các giống có thời gian sinh trưởng 125-130 ngày): Gieo mạ từ 16-20 tháng 01; cấy từ 06-10/02 (cấy từ 25-29/12 ÂL). Các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để bố trí thời vụ hợp lý, đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả. Đối với vùng Hè Thu chạy lụt, ra mạ sớm hơn từ 05 - 07 ngày. - Trong cùng một nhóm giống phải xem xét thời gian sinh trưởng cụ thể của từng giống để bố trí gieo cấy hợp lý, giống có thời gian sinh trưởng dài hơn bố trí đầu, giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn bố trí cuối khung thời vụ. - Trong điều kiện đặc thù của một số địa phương như Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, TP Vinh,... có diện tích đất lúa vùng sâu trũng, người dân vẫn có tập quán sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dài ngày như Xi23, Xi33, IR1820, IR17984,... thì chỉ đạo nông dân bố trí gieo cấy trong vụ Xuân sớm và căn cứ thời gian sinh trưởng của các giống đó, tính toán thời gian ra mạ để lúa vẫn làm đòng, trỗ vào khung thời vụ an toàn từ 20/4 - 5/5 - Tăng cường kiểm tra đồng ruộng và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại trên rau màu vụ Đông. Thực hiện các biện pháp trồng, chăm sóc, bảo vệ các cây rau màu vụ Đông theo đúng quy trình hướng dẫn để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm; vệ sinh đồng ruộng và trồng quay vòng nhanh các loại cây rau ngắn ngày trên diện tích đã thu hoạch. - Tiếp tục tìm kiếm các đối tác, doanh nghiệp để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau màu cho nông dân. - Hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ rau màu trong trường hợp xảy ra rét đậm, rét hại và sương giá như: Che phủ nilon, tăng cường lân, kali, tưới nước vào buối sáng để làm tan sương giá, ... 3. Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả - Thực hiện các biện pháp chống rét cho cây khi xảy ra sương giá như: Tủ gốc, che chắn, tưới rửa sương giá, ... - Đối với cây ăn quả có múi: Cần tiến hành biện pháp đốn tỉa, tạo tán cho vườn cây thông thoáng hạn chế sâu bệnh hại, bón phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh và các phân bón khác kịp thời, đúng kỹ thuật để cây sinh trưởng ra lộc, hoa tốt ở vụ tiếp theo. 4. Tăng cường phân công cán bộ, chỉ đạo cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp xuống cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo nông dân thực hiện tốt các nội dung trên, kịp thời phát hiện các tồn tại, vướng mắc trong quá trình sản xuất để báo cáo và có biện pháp khắc phục hiệu quả. 5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, ngăn chặn không để vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu hành, làm ảnh hưởng đến sản xuất, gây thiệt hại cho nông dân.
10 nguyên nhân chủ yếu gây tái phát dịch tả lợn châu Phi
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi Thú y, tính đến nay toàn tỉnh đã và đang có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái bùng phát trở lại ở 37 xã thuộc 12 huyện, thành, thị với tổng số lợn bị bệnh lên đến 1244 con phải tiêu hủy để ngăn ngừa bệnh lây lan ra diện rộng. Câu hỏi đặt ra là tại sao bệnh DTLCP cứ liên tục tái phát hết đợt này qua đợt khác?Vậy bằng cách nào để ngăn chặn dịch bệnh tái phát được không? Bệnh DTLCP có ở Nghệ An từ đầu năm 2019 lại nay và đã trải qua 2 năm nay bệnh dịch này cứ tạm dừng rồi lại tiếp tục tái phát trở lại đã gây hoang mang và thất thiệt cho cả người chăn nuôi và cả người tiêu dùng hiện nay. Một trong những địa phương bị DTLCP nặng nhất hiện nay ở tỉnh ta là xã Châu Thôn thuộc huyện Quế Phong. Theo ông Nông Văn Huấn – Chủ tịch UBND xã cho biết: Bệnh DTLCP tái bùng phát trên địa bàn xã từ ngày 7/9, đến nay dịch đã lây lan ra cả xã, số lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy trên 100 con lợn thịt với tổng trọng lượng gần 5000kg. Châu Thôn là xã có tổng đàn lợn lên đến 2.072 con, nhiều nhất huyện. Nếu không có biện pháp chỉ đạo tích cực và triệt để về việc phòng chống bệnh DTLCP hiện nay thì nguy cơ cả đàn lợn sẽ khó tồn tại và thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Theo BS Thú y Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Nghệ An và một số chuyên gia trong ngành Thú y cho biết: Sở dĩ bệnh DTLCP ở Nghệ An cứ liên tục tái phát chưa có hồi kết, có mấy nguyên nhân chủ yếu sau: Một: Tình trạng giết mổ lợn tự do, tự phát trong dân đang phổ biến dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn bùng tái phát DTLCP là tất yếu. Trong khi đó, từ năm 2003 lại nay với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã xây dựng hàng loạt lò giết mổ tập trung ở các huyện, thành, thị. Nhưng hoạt động của các lò giết mổ tập trung rất èo uột, thậm chí đóng cửa. Điển hình như lò giết mổ tập trung ở xã Hưng Xá (cũ) nay là xã Long Xá huyện Hưng Nguyên được đầu tư 1,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng. Nhưng từ tháng 4/2019 lại nay, lò ngừng hoạt động do vắng khách hàng. Không riêng gì lò giết mổ Long Xá và các lò giết mổ khác ở các huyện, thành, thị cũng tương tự như vậy. Hai: Công tác tiêm phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm chưa được tiến hành triệt để. Tính đến hôm nay, toàn tỉnh mới tiêm phòng gia súc, gia cầm đạt từ 15 – 60% tổng đàn tùy địa phương, giảm từ 10 – 35% so với năm 2019 cùng kỳ. Trong đó có 84 phường, xã không tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh cho gia súc và 237 phường, xã không tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia cầm. Ba: Tình trạng buôn, bán thịt lợn trên thị trường diễn ra khá phức tạp, khó kiểm soát. Thịt lợn được bày bán tràn lan, trong chợ, ngoài chợ, dọc đường, thị tam, thị tứ, thậm chí trong các ngõ ngách của các khu chung cư, v.v… Bốn: Không ít người dân khi lợn đã bị nhiễm bệnh vẫn không khai báo với cán bộ thú y và chính quyền địa phương biết để tiêu hủy và có biện pháp cách ly phòng chống nhằm ngăn ngừa dịch bệnh không lây lan ra diện rộng. Thậm chí còn giết lợn để bán với hy vọng thu lại phần chi phí đã đầu tư vào chăn nuôi. Năm: Vệ sinh chuồng trại trước và sau bệnh dịch thực hiện chưa triệt để. Điều đặc biệt lưu ý là vi rút bệnh DTLCP có khả năng tồn tại khắp mọi nơi từ dưới nền đất, vách tường chuồng trại, bám vào bụi bặm, trong nước , v.v… Nếu không vệ sinh chuồng trại tốt, không thường xuyên rải vôi khử trùng, không phun hóa chất tiêu độc khử trùng… thì mầm mống dịch bệnh có cơ hội tái phát lại dịch. Sáu: Chưa khắc phục được tình trạng chăn nuôi lợn thả rông, nhất là ở các huyện miền núi, tập quán chăn nuôi lợn thả rông vẫn đang duy trì. Càng thả rông lợn thì không bao giờ ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng DTLCP bùng tái phát nhiều ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn… hiện nay. Bảy: Thời tiết từ nắng nóng của mùa hè chuyển sang thời tiết mát mẻ của mùa thu và sắp tới là mùa đông giá lạnh. Sự thay đổi thời tiết làm giảm khả năng đề kháng bệnh của vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán rộng dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tái phát như hiện nay. Tám: Trách nhiệm của các chính quyền địa phương trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnhDTLCP vừa qua và cả hiện nay thực sự chưa tốt, chưa triệt để, không liên tục, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc để chống dịch có hiệu quả hơn. Chín: Hiện tại ở các xóm, bản, làng, xã đang thiếu nhân lực cán bộ chuyên môn về thú y để giám sát dịch bệnh. Vì vậy cả người chăn nuôi và lãnh đạo địa phương rất lúng túng xác định bệnh dịch gì khi con gia súc bị ốm để có biện pháp phòng chống, chữa trị . Mười: Không ít địa phương, người dân nóng vội tự ý tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học về dịch bệnh và dịch bệnh chưa qua 21 ngày không tái phát trở lại. Do vội vã tái đàn nên con giống lợn mua về nuôi rất tùy tiện không biết rõ nguồn gốc, không biết có an toàn bệnh dịch hay không và cuối cùng lại mắc phải dịch bệnh. Trước mắt khi dịch bệnh đang tái bùng phát ở nhiều nơi như hiện nay, các địa phương và bà con nông dân có chăn nuôi lợn hãy làm tốt các biện pháp phòng chống bệnh DTLCP như hướng dẫn của ngành Chăn nuôi – Thú y. Đối với những địa phương chưa có dịch bệnh phát sinh phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Trên cơ sở từ những nguyên nhân gây ra tình trạng bùng phát bệnh DTLCP nói trên, các địa phương và bà con chăn nuôi lợn rà soát, đối chiếu lại, cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được thì tiếp tục áp dụng thực hiện thật tốt, thật triệt để, để phòng tránh dịch bệnh tốt nhất.