Người nuôi tôm cần thay đổi để thành công 

Thứ hai - 12/08/2024 21:23 192 0
Trước thực trạng nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đang đứng trước nhiều khó khăn như: Giá cả dịch vụ đầu vào (thức ăn, con giống tăng cao, giá tôm thương phẩm giảm...). Điều kiện khắc nghiệt của môi trường do biến đổi khí hậu, hạ tầng một số vùng nuôi ngày một xuống cấp, gần đây việc nuôi tôm luôn gặp rủi ro vì dịch bệnh thì trong “cái khó ló cái khôn”, một số hộ nuôi đã có nhiều đổi mới trong đầu tư và quy trình công nghệ nuôi để thành công.
Người nuôi tôm cần thay đổi để thành công 
Nhằm thích ứng với những khó khăn nêu trên mà đặc biệt là sự biến đổi ngày càng khắc nghiệt của thời tiết và sự biến động của thị trường các hộ nuôi đã tiếp cận ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số vào nuôi trồng ngày càng quan tâm và có những bước phát triển tốt cụ thể như: Ứng dụng hệ thống lọc nước bằng UV, Công nghệ sinh học, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi tuần hoàn,.. kết hợp với đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cả vùng nuôi và từng cơ sở nuôi (xây dựng hệ thống nhà kín, lồng nổi có mái che nhằm ổn định nhiệt, hạn chế sự lây lan mầm bệnh và những tác động khác gây ảnh hưởng đến sinh trưởng tôm nuôi, lắp thiết bị Camera, cập nhật dữ liệu trên hệ thống máy tính nhằm thuận lợi trong công tác quản lý giám sát quá trình sản xuất ...).
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 81 cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn với diện tích 136,75  ha (trong đó có 21 cơ sở nuôi tôm trong lồng nổi với 35,4 ha), có 03 Fam nuôi lắp đặt hệ thống lọc nước đầu vào bằng thiết bị diệt khuẩn công nghệ tia cực tím (UV-C) bước sóng ngắn với công suất 300 m3/1 giờ. Sự thay đổi này là hết sức cần thiết nhằm phát triển bền vững. Để có những phương pháp, kỹ thuật nuôi mới người nuôi tôm phải tìm hiểu những mô hình trong và ngoài tỉnh, thông qua cán bộ Khuyến nông, thậm chí có hộ còn thăm quan học tập mô hình nước ngoài . Tuy nhiên, không phải ai, doanh nghiệp nào cũng có khả năng ra nước ngoài để học hỏi và tiếp thu kỹ thuật mới. Những kỹ thuật hiện nay người nuôi tôm chủ yếu tự học hỏi, tham gia các lớp tập huấn khuyến ngư hoặc do đơn vị cung cấp dịch vụ thức ăn, thuốc thú y hướng dẫn.
Tìm hiểu một số hộ nuôi thành công, trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Cảnh Toán chủ doanh nghiệp Toàn Phát có địa chỉ nuôi tại phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, và ông Nguyễn Văn Khánh Fam nuôi xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh lưu có cùng một quan điểm là kỹ thuật nuôi tôm cơ bản giống nhau, nhưng người nuôi cần áp dụng “uyển chuyển” linh hoạt thay đổi cho phù hợp thực tế vùng nuôi, ao nuôi của mình. Chẳng hạn như việc bón vôi cải tạo ao nuôi, mỗi vùng đất có độ pH khác nhau thì bón với lượng vôi khác nhau, không thể dùng một định mức chung…, và có một điểm chung ở các hộ, doanh nghiệp nuôi tôm thành công đều rất quan tâm đến công tác phòng bệnh: Tuyệt đối không thả tôm giống mang mầm bệnh, chọn con giống đạt chuẩn Post 12, đồng thời thử chất lượng tôm giống bằng cảm quan với các tiêu chí như kích cỡ đồng đều, đường ruột to, tỉ lệ ruột/cơ đạt chuẩn 1/4, bơi lội linh hoạt. Kế tiếp tiến hành gây sốc bằng cách hạ đột ngột độ mặn chỉ còn 50% (ví dụ từ 20‰ xuống 10‰), hoặc sốc Formol với liều lượng 2 lít/10 lít nước trong 1 giờ, nếu tỉ lệ sống tôm trên 90% là đạt yêu cầu. Sau đó tiến hành kiểm dịch tôm giống bằng phương pháp PCR tại các cơ quan kiểm dịch giống thủy sản của các tỉnh/thành để chắc chắn tôm giống khỏe mạnh, không mang mầm bệnh; tôm giống trong đàn có độ đồng đều cao. Tôm không nhiễm bệnh virus đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng(YHV), bệnh MBV (nếu có nhiễm MBV, tỷ lệ < 20%); Tôm không có sinh vật bám. Chủ động cập nhật thông tin về một số bệnh mới phát sinh trên tôm để có các biện pháp kịp thời như sau khi thu hoạch cần thu gom bùn đáy ao, chất thải trong quá trình nuôi đưa ra ngoài khu vực nuôi để phơi khô, xử lý đúng quy định trước khi tiếp tục thả nuôi vụ mới; đối với ao phủ bạt rửa sạch bằng nước ngọt, phơi khô và khử trùng bằng nước vôi hoặc hóa chất; lấy nước qua hệ thống túi lọc để loại bỏ một số loài vật chủ trung gian truyền bệnh cũng như ngăn chặn các loài thủy sản khác xâm nhập vào cơ sở.
Tuân thủ khuyến cáo theo lịch muà vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An đã ban hành (mật độ nuôi, thời vụ thả...). Nước trước khi cấp vào ao nuôi được diệt các mầm bệnh, cá tạp, cá dữ, giáp xác, nhuyễn thể sau đó cấp vào ao chứa và đi thiết bị diệt khuẩn công nghệ tia cực tím (UV-C) bước sóng ngắn vào thẳng ao nuôi, sử dụng một số chế phẩm sinh học có các chủng vi sinh vật có lợi như: Bacylus, lactobacylus, Sacharomyces... Lựa chọn những chế phẩm sinh học, men vi sinh, thức ăn có chất lượng, cho tôm ăn đủ số lượng và phối trộn thêm một số vitamin, khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng cho tôm./.
 Mô hình nuôi tôm thẻ 3 giai đoạn trong nhà của anh Nguyễn Văn Khánh xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu
Trần Trung Thành - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
h2-6.jpg h8-12.jpg h7-1.jpg h3-13.jpg h1-5.jpg h4-9.jpg h2 h3-6.jpg h4-2.jpg h1 h1.jpg h4.jpg h16.jpg h6.jpg h17-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây