Nuôi chồn hương: Hướng phát triển mới trong chăn nuôi
Thứ tư - 16/07/2025 09:27140
Trong xu hướng đa dạng hóa ngành nông nghiệp hiện nay, việc tìm kiếm những mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao luôn là mối quan tâm hàng đầu của nông dân. Tại xóm Đồng Tâm xã Bồi Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), mô hình nuôi chồn hương của anh Phan Văn Hoàng đã mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi tại địa phương.
Từ ý tưởng đến hiện thực: Anh Phan Văn Hoàng, sinh năm 1990, sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Séc, đã quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp. Qua tìm hiểu mô hình nuôi chồn hương tại tỉnh Hà Tĩnh và nhận thấy tiềm năng kinh tế từ loài vật này, anh Hoàng mạnh dạn đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại hiện đại và nhập về 240 con chồn giống sinh sản. Chồn hương là loài động vật hoang dã thuộc nhóm IIB - động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được phép gây nuôi thương mại - nên việc chăn nuôi loài này không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà còn cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Vì thế, ngay từ khi bắt đầu xây dựng mô hình, anh đã chủ động làm việc với cơ quan chức năng để thực hiện các thủ tục đăng ký gây nuôi động vật hoang dã theo quy định. Đến năm 2024, mô hình chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu bước khởi đầu cho hướng phát triển mới tại địa phương.
Chuồng được thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn
Nuôi chồn hương - không khó nhưng cần kỹ thuật: Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi, anh Hoàng nhấn mạnh: "Nuôi chồn hương không quá phức tạp, nhưng để đạt hiệu quả cao thì cần đầu tư bài bản và có kiến thức vững vàng. Tôi luôn đặt trọng tâm vào ba yếu tố: con giống, chuồng trại và quy trình chăm sóc." Trước hết, con giống phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không có dấu hiệu bệnh tật và nên được mua từ các trại uy tín. Chất lượng giống quyết định đến 50% thành công của cả quá trình chăn nuôi. Chồn hương dễ nuôi nếu đảm bảo môi trường yên tĩnh, sạch sẽ và chế độ ăn hợp lý. Thức ăn chủ yếu là cơm, cháo, chuối, trứng, thịt băm, cá... được thay đổi luân phiên hai bữa mỗi ngày. Đặc biệt, thức ăn phải tươi, sạch để tránh tiêu chảy và sụt cân. Mỗi con được nuôi riêng biệt để dễ theo dõi, mỗi ô rộng khoảng 1m². Chuồng luôn khô ráo, thông thoáng và đảm bảo thoát nước tốt. Chồn mẹ sắp sinh cần không gian yên tĩnh để tránh stress. Ngoài ra, việc vệ sinh máng ăn và chuồng trại hằng ngày, phun khử khuẩn định kỳ và tẩy giun cũng là những yếu tố quan trọng giúp đảm bảo sức khỏe đàn chồn.
Thức ăn của chồn chủ yếu là cơm, cháo, chuối, trứng, thịt băm, cá...
Anh Hoàng cho biết thêm: Chồn hương thường bắt đầu động dục vào mùa xuân và mùa thu. Khi chồn cái đến kỳ động dục (thường có biểu hiện đi lại nhiều, cọ sát vào thành chuồng, kêu nhẹ...), người nuôi tiến hành ghép đôi với chồn đực khỏe mạnh, không cùng huyết thống, có độ tuổi sinh sản phù hợp (từ 10 tháng tuổi trở lên). Việc ghép đôi nên được thực hiện vào chiều mát để giảm căng thẳng cho chồn. Trước khi ghép, chuồng phải được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo yên tĩnh. Chồn hương sinh sản khoảng 2 lứa mỗi năm, mỗi lứa từ 2 đến 6 con. Sau 3 tháng nuôi, chồn giống có thể bán với giá khoảng 10 triệu đồng/cặp, còn chồn thương phẩm (2,5-4 kg/con) có giá khoảng 1,5 triệu đồng/kg. Hiện nay, trại của anh Hoàng có quy mô 700 ô chuồng với 500 cá thể, trong đó có 240 con giống sinh sản và chồn đực giống còn lại là chồn thương phẩm. Từ việc bán chồn giống và chồn thương phẩm trừ chi phí gia đình anh Hoàng mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Ngoài cơ sở ở xã Bồi Sơn, anh Hoàng còn đầu tư mở thêm một trang trại nuôi chồn hương tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) với quy mô 250 con. Ngoài sản xuất, anh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh, góp phần hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu thụ chồn hương ổn định. Nhận thấy tiềm năng lớn từ mô hình này, anh Hoàng đang tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, kết hợp với các hộ chăn nuôi khác để xây dựng thương hiệu chồn hương chất lượng cao. Bên cạnh việc bán trực tiếp tại trại, anh Hoàng còn chủ động kết nối với các đầu mối tiêu thụ ở các tỉnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... và xây dựng mạng lưới khách hàng qua các kênh online như Zalo, Facebook. Anh cũng nhận bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ chăn nuôi khác trong và ngoài tỉnh, hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, giảm áp lực về đầu ra cho người nuôi.
Mỗi con được nuôi riêng biệt để dễ chăm sóc theo dõi.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bồi Sơn cho biết: "Mô hình nuôi chồn hương là một trong những điển hình tiêu biểu về phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương. Không chỉ giúp anh Hoàng có nguồn thu nhập ổn định, mô hình này còn tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế xã nhà. Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình nuôi chồn hương vì phù hợp với điều kiện của địa phương, ít rủi ro, đầu ra ổn định. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông để hỗ trợ kỹ thuật, kết nối thị trường, tạo điều kiện để các hộ dân mở rộng quy mô, góp phần nâng cao thu nhập”. Chính quyền địa phương luôn khuyến khích và hỗ trợ các hộ dân có ý tưởng khởi nghiệp như anh Hoàng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các mô hình chăn nuôi hiệu quả được nhân rộng. Với sự đầu tư bài bản, tuân thủ đúng quy định pháp luật và chú trọng chia sẻ kinh nghiệm, mô hình này đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đây là hướng đi tiềm năng, cần được nhân rộng trong thời gian tới để góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.