Hiệu quả mô hình nuôi lợn thịt an toàn sinh học tại xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn
Chủ nhật - 16/02/2025 20:33530
Những năm qua, ngành chăn nuôi đã chịu tác động nặng nề từ ảnh hưởng của dịch bệnh như Dịch tả lợn Châu phi, dịch tai xanh… và giá nguyên liệu đầu vào sản xuất như con giống, thức ăn chăn nuôi tăng cao, đã gây khó khăn cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến khả năng tái đàn trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện nay chăn nuôi an toàn sinh học đang là hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi và đó cũng là định hướng phát triển chăn nuôi của ngành nông nghiệp, đặc biệt đối với chăn nuôi an toàn sinh học được hiểu là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong của cơ sở chăn nuôi đó, không để mầm bệnh lây lan giữa các khu vực chăn nuôi trong trại, không để vật nuôi trong trại phát bệnh, phòng ngừa lây lan mầm bệnh từ trong trại (nếu có) ra ngoài trại. Tuy nhiên, không phải người chăn nuôi nào cũng biết về chăn nuôi an toàn sinh học và các biện pháp thực hành để giúp đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển giảm thiểu tối đa dịch bệnh gây nên. Xuất phát từ những thực tế đó năm 2024, từ nguồn kinh phí khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An thực hiện mô hình "Chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học” tại xóm Cường Kỵ, xã Hùng Tiến huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mô hình quy mô 30 con lợn lai F2 được thực hiện trong thời gian 5 tháng(từ tháng 8 đến tháng 12). Trước khi triển khai thực hiện mô hình Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nam Đàn, UBND xã Hùng Tiến trực tiếp tổ chức khảo sát họp chọn điểm, họp dân chọn hộ, thông qua nội dung kế hoạch triển khai mô hình. Kết quả đã chọn được hộ bà Hồ Thị Xuyến tại xóm Cường Kỵ, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, đủ điều kiện thực hiện mô hình. Hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống, vật tư (thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, dung dịch hóa chất sát trùng, vắc xin, chế phẩm sinh học) và được cán bộ kỹ thuật, kinh nghiệm hỗ trợ trong suốt quá trình nuôi. Trước khi đưa lợn về nuôi, hộ dân được tập huấn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học, thực hiện nghiêm nghặt các nguyên tắc về chăn nuôi an toàn: Trước dãy chuồng nuôi có hố sát trùng và được thay định kỳ 2 - 3lần/tháng, trong quá trình nuôi định kỳ phun tiêu độc 3 - 4 lần/tháng, kiểm soát được con người, vật nuôi, phương tiện vào ra trại... nhằm hạn chế tối đa mầm mống dịch bệnh. Giống lợn được cấp đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật; khỏe mạnh, không dịch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, có giấy kiểm dịch chất lượng con giống.Lợn lai F2 là giống thích nghi với điều kiện khí hậu nhiều vùng miền, chịu kham khổ, dễ nuôi, có sức đề kháng, chống chịu dịch bệnh tốt. Giai đoạn đầu mới đưa về nuôi do gặp mưa và bão số 3, số 4 kéo dài nên có một số con trong đàn có biểu hiệnbệnh về chân, móng với tỷ lệ nhiễm bệnh 10 - 12 %. Nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ chỉ đạo kỹ thuật Trung tâm cùng hộ dân đã điều trị, chăm sóc kịp thời nên đàn lợn sinh trưởng phát triển bình thường, tình hình nhiễm bệnh cũng giảm thiểu ở mức tối đa so với phương pháp nuôi truyền thống. Đồng thời hộ dân đã biết thực hiện tốt quy trình kỹ thuật như: thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ, phun dung dịch hóa chất sát trùng theo định kỳ 2- 3 lần/tháng, … Công tác phòng bệnh luôn được chú trọng và tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng vắc xin cho lợn.Đặc biệt của mô hình đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đó là sử dụng chế phẩm immunevets trộn vào thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh với 0,4 - 0,5 kg/1 tấn thức ăn hoặc hoà vào nước 9 - 12mg/kg trọng lượng để sử dụng, trong suốt quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc đàn lợn, đây là chất bổ trợ sinh học nhằm cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hóa, tăng tốc độ sinh trưởng của đàn lợn, giảm chi phí thức ăn, thuốc thú y, giảm mùi hôi thối của chuồng nuôi, giúp hộ chăn nuôi hạn chế rủi ro về dịch bệnh để tạo ra sản phẩm thịt lợn an toàn, năng suất cao, chất lượng tốt. Kết quảsau 4 tháng nuôi, tỷ lệ nuôi sống đạt 100 %, trọng lượng xuất chuồng đạt trung bình 105 kg/con, giá bán 70.000đ/kg, tổng thu 220.170.000đồng, lãi thu được 36.840.000 đồng/30 con. Bà Hồ Thị Xuyến, hộ tham gia mô hình, rất vui mừng chia sẻ: “Trước đây khi chưa áp dụng quy trình nuôi lợn an toàn sinh học, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý dịch bệnh và chưa biết ứng dụng chế phẩm sinh học vào thực tiễn chăn nuôi lợn nên đàn lợn chậm lớn, hay xẩy ra dịch bệnh. Nhưng sau khi áp dụng quy trình này, đã giúp gia đình tôi biết quản lý dịch bệnh tốt hơn, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất giúp đàn vật nuôi tăng trọng nhanh hơn, trọng lượng xuất chuồng cao hơn, bán được giá, đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho gia đình.
Chăm sóc đàn lợn thịt
Từ kết quả mô hình đã giúp các hộ trong và ngoài xã có kiến thức chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Mô hình sẽ tạo tác động làm thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống sang chăn nuôi quy mô lớn theo qui trình chăn nuôi an toàn sinh học, từ đó hạn chế tối đa dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi dưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Đồng thời, cũng là cơ sở để địa phương tổng kết, đánh giá, định hướng phát triển chăn nuôi lợn theo qui trình an toàn sinh học, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường một cách bền vững trên địa bàn./.