Sau khi tham khảo qua các kênh thông tin đài, báo, internet… về cách nuôi thỏ, cùng với xem xét điều kiện đất đai, khí hậu tại quê nhà, ông nhận thấy ở địa phương đất đai rộng rãi, nguồn thức ăn phong phú thuận lợi, phù hợp để nuôi thỏ trong khi nuôi thỏ chi phí đầu tư thấp, quay vòng vốn nhanh. Nghĩ là làm, năm 2022 ông quyết định đầu tư hơn 200 triệu xây dựng khu chuồng trại khoảng 100m2 gồm 4 dãy chuồng lồng để nuôi thỏ sinh sản. Lồng nuôi làm bằng sắt, nền lồng đặt cách mặt đất 50 cm2, phía dưới có lắp hệ thống thu gom phân tự động; phía trên mái lắp dàn phun làm mát đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Hệ thống nước uống tự động lắp ngay tại từng lồng nuôi để thỏ dễ dàng uống nước sạch. Ông nuôi kết hợp thỏ sinh sản và thỏ thịt. Phần lớn thỏ con sinh ra được nuôi thành thỏ thịt, một phần bán giống cho người dân có nhu cầu. Từ 20 con thỏ ban đầu, đến nay ông mở rộng quy mô 30 con thỏ sinh sản và 500-700 con thỏ thịt/năm.
Nhớ lại thời kỳ đầu nuôi thỏ, ông Báo cho biết: Thỏ là vật nuôi ưa sạch sẽ, nếu chăm sóc vệ sinh kém dẫn đến hay bị bệnh. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên nuôi thỏ hay bị mắc các bệnh đường ruột, ghẻ, nấm dẫn đến chậm lớn, tỷ lệ hao hụt cao. Không nản chí, vừa nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm mày mò học hỏi thêm qua nhiều kênh thông tin và kết nối với đến các chủ trang trại khác qua các hội nhóm để học hỏi kinh nghiệm. Dần dần với hệ thống chuồng trại và thức ăn đảm bảo hợp vệ sinh cộng với việc áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đàn thỏ phát triển khá tốt, sinh sản đều.
Mô hình nuôi thỏ hộ ông Trương Công Báo- xã Giai Xuân -Tân Kỳ
Theo kinh nghiệm nuôi của ông thì thỏ ăn tạp, dễ nuôi, có thể tận dụng được nguồn phụ phế phẩm tại chổ làm thức ăn như cỏ voi, lá cây, các loại củ, khoai sắn… Để tiết kiệm chi phí, ông nuôi hình thức bán công nghiệp. Thức ăn của thỏ là cỏ, rau khoai, ngô xay, cám công nghiệp. Tận dụng đất trong vườn của gia đình để trồng rau khoai, cỏ voi để bổ sung thêm thức ăn chăn nuôi thỏ, ông còn mua máy băm cắt cỏ cho đàn thỏ vừa giảm nhân công vừa tiết kiệm chi phí.
Chia sẻ bí quyết để thành công trong nuôi thỏ ông Báo cho biết: Trong quá trình nuôi thỏ cần chọn con giống tốt. Giống thỏ được nuôi chủ yếu là thỏ Pháp và thỏ New Zealand. Đây là giống có nhiều ưu điểm như: phát triển nhanh, vóc dáng lớn, sinh sản đều, thịt thơm ngon thị trường ưa chuộng. Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ. Bên cạnh đó thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin để phòng bệnh, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Ngoài ra ông còn sử dụng chế phẩm sinh học rắc lên rãnh, nền chuồng giúp hạn chế mầm bệnh, mùi hôi chuồng trại góp phần bảo vệ môi trường. Để thỏ sinh sản tốt người chăn nuôi cần chú ý khẩu phần ăn đầy đủ chất và lượng, bổ sung vitamin ADE, theo dõi biểu hiện động dục để phối giống kịp thời và có bảng theo dõi từng lồng nuôi. Thỏ là loài mắn đẻ, đẻ nhiều con nhưng để giữ cho thỏ mẹ khoẻ mạnh, kéo dài thời gian sinh sản, theo tính toán của ông thì mỗi năm chỉ để thỏ mẹ sinh sản khoảng 5 lứa, mỗi lứa 6 - 8 con. Thỏ con chỉ sau 3- 3,5 tháng nuôi đạt cân nặng trung bình 2,5 kg/con là có thể xuất chuồng. Trong quá trình nuôi cần thường xuyên quan sát, loại thải những con thỏ sinh sản kém tránh ảnh hưởng năng suất của đàn.
Sau gần 3 năm, việc chăn nuôi thỏ của ông đã dần đi vào ổn định và bước đầu cho hiệu quả khả quan, thỏ sinh trưởng phát triển tốt, đầu ra cũng khá ổn định. Hiện tại ông vừa bán thỏ giống và thỏ thương phẩm; thị trường tiêu thụ chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách quen trong tỉnh và bán giống cho người dân có nhu cầu. Mỗi năm ông cung cấp ra thị trường 10-12 tạ thỏ thương phẩm với giá bán bình quân 11-12 triệu đồng/tạ, cộng với nguồn thu từ bán thỏ giống mang lại cho gia đình ông từ 130-160 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 60-80 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi thỏ ông còn trồng khoảng 1 ha mía nguyên liệu, mỗi năm bán được hơn 70 triệu, góp phần tăng thêm thu nhập.
Trao đổi với chúng tôi về mô hình chăn nuôi thỏ, ông Hà Văn Biên- Công chức nông nghiệp xã Giai Xuân cho biết: ông Trương Công Báo là một trong những hộ mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế làm giàu chính đáng. Ông còn là người hiền lành, chăm chỉ, luôn sẵn lòng chia sẻ trao đổi kinh nghiệm của bản thân cho những ai muốn và đam mê với nghề nuôi thỏ.
Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Trương Công Báo ở xóm Long Thọ- xã Giai Xuân- huyện Tân Kỳ đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi thỏ và cho thu nhập khá ổn định. Thời gian tới anh dự định sẽ đầu tư nâng cấp chuồng trại, mở rộng quy mô nhằm đảm bảo nguồn cung tốt hơn cho thị trường và phát triển kinh tế. Đây là một mô hình nhiều triển vọng, phát huy lợi thế địa phương, đa dạng hoá vật nuôi và mở ra hướng đi mới cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Kim Dung- Trung tâm Khuyến nông Nghệ An - nguồn TSKN