Chủ động phòng chống đói, rét trên đàn vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025
Thứ sáu - 20/12/2024 02:00330
Nghệ An là tỉnh có đàn gia súc gia cầm khá lớn, trong những năm qua, với nhiều chủ trương chính sách được triển khai đã góp phần tăng trưởng đàn vật nuôi và nâng cao được sản lượng, chất lượng sản phẩm chăn nuôi hàng năm. Theo số liệu Cục thống kê, tính đến tháng 8/2024 tổng đàn trâu, bò 795.593 con, đàn lợn 1.012.360 con, đàn gia cầm 36.252.000 con, đàn dê 283.742 con, đàn hươu 13.681 con, đàn chó 364.403 con, đàn ong 63.819 đàn, …
Hình thức chăn nuôi hiện nay chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm 70-80% tổng đàn gia súc, gia cầm. Hình thức này cơ bản phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống và đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân, nhưng lại bất cập, khó khăn trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT mới, công nghệ cao, công tác quản lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là ứng phó với những khó khăn bất lợi về thời tiết, biến đổi khí hậu gây nên. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vụ Đông Xuân năm nay từ tháng 12 năm 2024 đến tháng 2 năm 2025, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và trên phạm vi cả nước tăng cao và gây ra hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, lốc, sét và gió giật mạnh; đặc biệt, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh và gây ra các đợt rét đậm, rét hại, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này, có thể tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe của đàn vật nuôi. Để chủ động triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét giảm thiểu thiệt hại cho đàn vật nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 458/QĐ-CN-MTCN, ngày 08/12/2022 về việc ban hành hướng dẫn phòng, chống đói rét cho vật nuôi. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn 5243/SNN-CNTY ngày 26/11/2024 về việc chủ động phòng chống đói rét trên đàn vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025. Trong đó, chúng ta cần lưu ý và tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau: 1. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo. - UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo UBND cấp xã, các phòng ban, đơn vị liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng chống đói rét,dịch bệnh trên địa bàn. Thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói rét, chú trọng các khu vực vùng núi, núi cao, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét. Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại để tăng cường tuyên truyền cho chính quyền địa phương, người dân, nhất là nông dân vùng cao biết, chủ động ứng phó. Đồng thời sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để triển khai kịp thời công tác phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi,… Lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách,... để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi. - Các đoàn công tác của Sở nông nghiệp và PTNT: Chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn phòng, chống đói, rét gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân năm2024-2025. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật về phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi.Tổng hợp tình hình thiệt hại do đói, rét đối với vật nuôi vụ Đông Xuânnăm 2024-2025 để tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND tỉnh. 2. Về biện pháp kỹ thuật - Chuồng trại chăn nuôi: Cần gia cố, đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếpvào chuồng. Nền chuồng phải đảm bảo luôn khô ráo, sạch sẽ và có chất độn chuồng bằngcác nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như rơm, rạ, mùn cưa hoặc trấu khô.Những ngày rét có kèm theo mưa cần bổsung thêm chất độn chuồng, đối với lợn hạn chế rửa chuồng để gia súc tăng khả năng chống rét. Có thể sử dụng bóng điện công suất lớn để sưởi ấm chuồng nuôi hoặc đốt sưởi cho gia súc trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi,... - Chăm sóc và nuôi dưỡng: Thức ăn có vai trò quan trọng cho sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Do đó cần chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh (phụ phẩm nông nghiệp hoặc ủ chua thức ăn xanh), cũng như thức ăn tinh cho gia súc để đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc trong vụ Đông-Xuân. Việc cung cấp đủ thức ăn những ngày giá, rét cho vật nuôi giúp chúng sinh nhiều năng lượng để chống rét tốt hơn. + Đối với trâu, bò: Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp đối với trâu, bò già, yếu, gia súc non để tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh.Sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn (cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê…) và cung cấp với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể; đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo... (khoảng 0.5-1 kg/con/ngày). Khi nuôi nhốt trong chuồng những ngày rét đậm, rét hại cần cung cấp đủ nước uống cho trâu bò hàng ngày;có thể bổ sung cho trâu bò uống nước ấm có hoà muối với lượng khoảng 5g/100 kg khối lượng cơ thể để tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, có thể cung cấp thức ăn xanh ủ chua cho trâu, bò (thân cây ngô, cỏ, rơm ủ…) với lượng 7-10 kg/ngày nhằm nâng cao tỷ lệ tiêu hóa. + Đối với lợn: Khẩu phần ăn phải đảm bảo, đầy đủ chất dinh dưỡng. Bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa cho lợn. Cần sử dụng bóng úm, chuồng úm cho lợn con theo mẹ; cho lợn con tập ăn sớm để tăng khả năng tiêu hóa. + Đối với gia cầm: Trong những ngày rét đậm, rét hại, chủ động tăng lượng thức ăn, uống nước ấm và bổ sung một số loại vitamin, men tiêu hóa, chất điện giải nâng cao sức đề kháng cho gia cầm, đặc biệt là gà; Có mật độ nuôi hợp lý đối với gà đẻ: 6-8 con/m2; gà thịt: 8-10 con/m2giúp cho gà điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tốt hơn. Thực hiện tốt quy trình úm cho gà con; những ngày giá rét không thả gia cầm ra vườn, đồi; thực hiện che chắn để tránh gió lùa trong chuồng. - Chế độ chăn thả và làm việc: Thường xuyên theo dõi dự báo diễn biến thời tiết để có kế hoạch cụ thể cho đàn gia súc. Đối với những hộ chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện việc di chuyển đàn vật nuôi về nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió, có đủ điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét. Người chăn nuôi trâu, bò ở miền núi có thể di chuyển đàn vật nuôi từ vùng cao xuống vùng thấp để tránh rét cho vật nuôi. Không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống ≤ 12oC); áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Khi rét đậm, rét hại phải nhốt gia súc tại chuồng để tiện chăm sóc, quản lý và không tắm cho gia súc. - Phòng bệnh cho vật nuôi: Áp dụng quy trình chăn nuôi phù hợp với phương thức và quy mô; đẩy mạnh công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; hàng ngày cần theo dõi tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi có những biểu hiện bất thường do đói, rét hoặc bệnh dịch. Thực hiệntẩy giun sán cho gia súc và các quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phòng, chống dịch bệnh động vật trêncạn như: đối với gia cầm (cúm gia cầm, niu cát xơn…); lợn (lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn, dịch tả lợn Châu Phi…); dê, cừu (lở mồm long móng, nhiệt thán); trâu, bò (lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục…). Ngoài các bệnh tiêm phòng bắt buộc theo quy định, có thể khuyến cáo người chăn nuôi tiêm bổ sung các bệnh như Lép tô, Suyễn, E.coli, Viêm phổi màng phổi, Tai xanh,... Khi phát hiện bệnh trên vật nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. 3. Một số vấn đề cần lưu ý thêm: - Những ngày rét đậm, rét hại có thể dùng các loại chăn, áo cũ; bao tải gai hoặc các vật liệu khác tương tự may áo cho trâu, bò, đặc biệt là bê, nghé nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Những ngày quá rét, trâu bò thường hay xảy ra bệnh cước chân, nên cần: Tăng cường giữ ấm cho trâu bò, giữ nền chuồng khô ráo, cho ăn uống đầy đủ thức ăn thô xanh, bổ sung thức ăn tinh muối khoáng, vitamin. Có thể dùng gừng giã nhỏ hoà với rượu để xoa bóp hàng ngày; đồng thời khi thời tiết ấm hơn cho trâu bò vận động để tăng cường tuần hoàn máu tại chân, tránh hiện tượng sưng phù, nếu bệnh nặng cần điều trị bằng kháng sinh. Khi trâu bò bị đói rét do rét đậm, rét hại kéo dài trên 10 ngày liên tục thì sức khỏe và sức đề kháng bị giảm nên dễ mắc bệnh, do đó cần cho trâu bò ăn cháo gạo hoặc cháo cám nóng, bổ sung khoáng chất và các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng. - Xử lý chất thải: Hàng ngày thu gom phân vào hố ủ, dẫn chất thải lỏng trựctiếp từ chuồng đến hố đựng bằng rãnh thoát và xử lý chất thải bằng hóa chất hoặc chế phẩm sinh học. Như vậy để giảm thiểu thiệt hại do đói rét, dịch bệnh gây nên, người chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn phòng, chống đói rét cho vật nuôi của Bộ Nông nghiệp và PTNT; văn bản chỉ đạo của chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp để thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, giúp đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển, tăng sức đề kháng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi./. Cao Xuân Tuấn - nguồn TSKN