Thứ ba, 12/11/2024, 19:44

Phòng trị hội chứng lợn còi sau cai sữa

Thứ tư - 19/08/2020 20:49 1.610 0
Hiện nay, Trong chăn nuôi lợn sinh sản hội chứng còi cọc của lợn con sau cai sữa có xu hướng tăng, đặc biệt là trong các trang trại chăn nuôi tập trung gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.
Phòng trị hội chứng lợn còi sau cai sữa
Các nhà khoa học đã tính toán rằng hiện tượng còi cọc ở lợn sau cai sữa đã làm giảm tổng khối lượng lợn xuất chuồng khoảng 10- 15%. Tuy nhiên, hiện nay người chăn nuôi vẫn chưa quan tâm nhiều đến căn bệnh này và chưa có các biện pháp phòng bệnh một cách có hiệu quả. Để giúp các hộ chăn nuôi chủ động nắm bắt và xử lý tốt hội chứng còi cọc của lợn sau cai sữa, chúng tôi xin nêu cụ thể về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng và điều trị bệnh này như sau:

*Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh do virus  gây ra, gồm 2 chủng được ký hiệu là PCV-1 và PCV- 2, trong đó chủ yếu do typ 2 (PCV-2). Bệnh xảy ra quanh năm không phụ thuộc vào mùa vụ. Thông thường những đàn nái ngoại cao sản, lợn được chăn nuôi tập trung thì mức độ bệnh xảy ra phổ biến hơn, tỷ lệ lợn con bị còi cọc nhiều hơn so với các giống lợn địa phương được chăn nuôi theo hướng phân tán, nhỏ lẻ. Bệnh thường xuất hiện ở lợn con từ 6 – 9 tuần tuổi. Bệnh tiến triển chậm nhưng lợn bệnh thường có tỷ lệ chết cao.
*Triệu chứng: Triệu chứng điển hình là lợn con cai sữa uể oải, không lanh lợi, vận động kém, kém ăn,  giảm cân và dần dần trở nên hốc hác, lông của chúng trở nên thô ráp, da trở nên nhăn nheo nhợt nhạt và đôi khi có màu xanh vàng. Các hạch lâm ba sưng to, nhất là hạch bẹn ở giữa hai chân sau, khi mắc bệnh này hạch có thể sưng to bằng kích thước của quả bóng bàn. Lợn bị mắc bệnh này cũng thường bị tiêu chảy (khoảng 30% trường hợp) và viêm phổi, suy hô hấp. Nếu dùng kháng sinh điều trị không thấy hiệu quả. Đôi khi chúng ta cũng có thể quan sát thấy rìa tai của lợn bệnh bị viêm loét, hoại tử. Ngoài ra, chúng ta có thể quan sát thấy hiện tượng này ở vùng da bẹn, chân sau. Tỷ lệ lợn sau cai sữa bị mắc bệnh và chết trong đàn có thể lên tới 6- 10%, thỉnh thoảng có đàn lên tới 20%. Ở lợn lớn tỷ lệ này có thể lên đến 10%.
*Bệnh tích: Xác chết gầy, khi mổ ra thấy thịt, da vàng. Trong xoang ngực, xoang bụng tích nhiều dịch rỉ viêm màu đỏ. Các hạch bạch huyết (lâm ba) sưng to, đặc biệt là hạch bẹn. Thận thường sưng to với những đốm màu trắng nhìn thấy được từ bề mặt. Phổi bị viêm sưng, phù nề.
*Xử lý đàn lợn đang bệnh: Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên người chăn nuôi có thể dùng kháng sinh: Linco Spec,  Ampicillin; Tiamutin kết hợp với dexamethasone và trợ sức trợ lực nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn bằng Multivitamin, VTM C, Beta-Glucan, Catosal… để giảm thiệt hại do bệnh gây ra.
*Phòng bệnh: Đối với bệnh này việc phòng bệnh được xem là then chốt để hạn chế lợn mắc bệnh. Người chăn nuôi cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi An toàn sinh học, chú trọng làm tốt công tác vệ sinh, làm sạch và khử trùng chuồng nuôi bằng các hóa chất sát trùng như: Vikon S, BenKocid, Omnicide, Han Iodine, Povi dine định kỳ và thường xuyên theo hướng dẫn của Nhà sản xuất. Nên thực hiện chế độ chăn nuôi “tất cả cùng vào” và “tất cả cùng ra”. Trong chăn nuôi chuồng trại phải thông thoáng và sạch sẽ. Đối với lợn con sơ sinh phải được cho bú sữa đầu càng sớm càng tốt. Tránh thả lợn với mật độ cao và giảm thiểu thả nhiều giống, nhiều đàn trong cùng một ô chuồng, hạn chế thấp nhất các stress. Khi lợn có dấu hiệu bệnh phải sớm cách ly để xử lý. Chỉ mua lợn giống từ những cơ sở giống an toàn dịch bệnh. Trong chăn nuôi lợn sinh sản nên áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo để hạn chế sự lây lan mầm bệnh.
Dùng vắc xin: Tốt nhất là dùng vắc xin để phòng bệnh, nhất là khi số lượng lọn nái nuôi từ 10 con trở lên. Hiện có nhiều loại vắc xin để dùng như: Circovac của Pháp: Tiêm 2ml/nái lúc 2 – 3 tuần trước khi đẻ nhằm tạo miễn dịch thụ động cho đàn con.   Nếu nái chửa lần đầu thì tiêm 2 lần, lần 1 vào lúc nái chửa 80 – 84 ngày, lần 2  nhắc lại lúc nái chửa 100 ngày. Hoặc PRO-VACCIRCOMASTER của Hàn Quốc : Nái chửa lần đầu tiêm 2 lần, mỗi lần 2ml vào lúc 4 – 5 tuần và 2 – 3 tuần trước khi sinh, lứa kế tiếp trở đi tiêm 1 lần 2ml vào lúc 2 – 3 tuần trước khi sinh. Lợn con sinh ra từ mẹ đã tiêm phòng: Tiêm bắp 1 lần 2ml, lúc 4 – 5 tuần tuổi; nếu lợn mẹ chưa tiêm phòng thì tiêm  2 lần, mỗi lần 1 ml vào lúc 3 – 4 tuần và 5 – 6 tuần tuổi. Hoặc Cicumvent.VM.PVC của Hà Lan: Tiêm cho lợn con lúc 3 tuần tuổi; tiêm nhắc lại lần 2 sau 3 tuần.
Có thể nói hội chứng còi cọc ở đàn lợn con sau cai sữa là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng con giống; gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi. Chính vì vậy, việc nhận biết được nguyên nhân và cách khắc phục là rất quan trọng, nhằm giúp cho đàn lợn con sau cai sữa sinh trưởng và phát triển tốt nhất; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi./.

 
Văn Thắng - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây