Hiệu quả bước đầu từ một số mô hình khuyến ngư trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2018
Thứ tư - 24/04/2019 21:067230
Năm 2018 khắc phục những khó khăn về điều kiện khí hậu, thiên tai và dịch bệnh trên tôm nuôi giai đoạn đầu vụ 1, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã chỉ đạo xây dựng thành công 10 mô hình, có 17 hộ tham gia trình diễn.
Trong đó, từ nguồn vốn Trung tâm khuyến nông Quốc gia hỗ trợ (gần 500 triệu đồng) với 03 hộ tham gia; 01 mô hình phối hợp với Phân viện nghiên cứu NTTS Bắc Trung Bộ với 02 hộ tham gia. Cùng với đó Trung tâm cũng đã chỉ đạo thành công 08 mô hình khuyến ngư từ nguồn ngân sách tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ mô hình là gần 900 triệu đồng với 12 hộ tham gia.
Cụ thể là mô hình Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa (03 điểm) tại các huyện Thành Chương, Nghĩa Đàn và TP Vinh; mô hình nuôi cá trắm giòn, chép giòn (02 điểm) TX Thái Hòa và huyện Yên Thành; Mô hình nuôi cá chép giòn theo VietGAP (01 điểm) huyện Đô Lương; nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp (01 điểm) tại huyện Hưng Nguyên; nuôi cá vược, cá mú trong ao nuôi tôm kém hiệu quả (01 điểm) tại TX Hoàng Mai; Mô hình nuôi cá Leo trong lồng (01 điểm) tại huyện Quỳ Châu; Mô hình nuôi chạch quế gắn với bao tiêu sản phẩm (01 điểm) huyện Đô Lương; Mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh bằng công nghệ BIOFLOC (02 điểm) tại huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu. Đến thời điểm này các mô hình đã được nghiệm thu và cho hiệu quả kinh tế.
Nổi bật nhất là mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 3 ha triển khai trên 03 hộ tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu. Năm 2018 được coi là một năm tương đối thuận lợi cho việc nuôi cá rô phi. Tình trạng dịch bệnh mới do Tilapia lake virus (TiLV) gây ra trên cá rô phi của năm 2017 không quay lại mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, nắng nóng đầu vụ nuôi. Sau gần 6 tháng nuôi, 03 hộ đều có thu hoạch với tổng thu sản lượng 61,2 tấn, năng suất đạt trên 20 tấn/ha tăng so với dự toán đề ra 145%. Các hộ thu về trên 1,7 tỷ đồng sau khi trừ chi phí mô hình cho thu nhập lãi thuần trên 176 triệu đồng/3ha, một khoản thu nhập gấp từ 3 - 4 lần so với trồng lúa trước đây. Qua đánh giá dựa trên 104 tiêu chí theo Quyết định 1233/QĐ-BNN-TCTS, ngày 11/4/2016 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn áp dụng VietGAP cho cá rô phi thương phẩm thì có 03/03 điểm xây dựng đạt chứng nhận VietGAP, bước đầu đã tạo cho nông dân tiếp cận với (VietGAP) làm thay đổi lối tư duy tự cung tự tiêu, tạo đà xây dựng vùng nguyên liệu sạch cung cấp cho thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu trong tương lai.
Mô hình thứ hai phải kể đến là nuôi tôm thẻ thâm canh bằng công nghệ BIOFLOC (02 điểm) tại hộ gồm Ông Hồ Sỹ Tài, xóm 12, Diễn Trung, Diễn Châu với diện tích 2.000 m2 , thả 240.000 con, cỡ giống thả P12. Sau 92 ngày nuôi tỷ lệ sống đạt 80%, cỡ tôm đạt kích cỡ 60 con/kg, cho năng suất 16 tấn/ha/vụ, sản lượng tôm thương phẩm là 3,2 tấn, giá bán 130 ngàn đồng/1kg, thu về 416 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí lãi ròng 146 triệu đồng. Hộ thứ 2 là ông Nguyễn Văn Khánh, xóm 6, Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu với diện tích là 1.500 m2. Thả giống 180.000 con, cỡ giống thả P12. Sau gần 4 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ 50 con/kg, tỷ lệ số 90%, sản lượng thu được 3.240 kg, năng suất: 21,6 tấn/ha, giá bán bình quân 143.000/kg chủ hộ thu về 463 triệu. Sau khi trừ các khoản chi phí (giống, thức ăn, điện sục khí, thuốc phòng bệnh, khấu hao ao, thuê nhân công …khoảng 313 triệu). Lãi ròng 150 triệu.
Việc áp dụng công nghệ nuôi này sử dụng 100% các chế phẩm sinh học để tạo Biopfloc trong suốt quá trình nuôi và góp phần phòng bệnh đã giúp cho 02 hộ nuôi chi phí thức ăn giảm FCR dưới 1.1, hạn chế được bệnh từ đó giảm chi phí đầu vào của sản xuất và cho hiệu quả kinh tế tương đối cao và ổn định và đặc biệt tôm thương phẩm đảm bảo sạch được thị trường ưa chuộng.
Tiếp đó là mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa (Triển khai 3 điểm). Ngoại trừ TP Vinh thiệt hại do mưa lụt, 02 điểm còn lại cho hiệu quả kinh tế cao. Tại hộ Ông Nguyễn Văn Triều Xóm 4, Nghĩa Đức, Nghĩa Đàn. Thả 50.000con, cỡ giống PL 12 (≥ 2cm/con), cỡ tôm tôm đạt 30 con/kg, năng suất đạt 0,5 tấn/ha, tỷ lệ sống 54%, với giá bán 180.000đ/kg. Sau khi trừ chi phí lãi thuần trên 40 triệu đồng/ha và điểm thứ 2 tại hộ Ông Ngô Xuân Số, xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương. Thả thả 50.000 con, cỡ giống PL 12 (≥ 2cm/con). Tỷ lệ sống đạt 60%, cỡ tôm thương phẩm đạt bình quân 30 con/kg, sản lượng đạt 1,0 tấn, năng suất đạt 500 kg/ha ruộng với gía bán bình quân 200.000 đ/kg, sau khi trừ các khoản chi phí lãi ròng gần 60 triệu đồng.
Ngoài ra, còn phải kể đến mô hình Sản xuất giống Nghêu (Meretrix lyrata) ở quy mô hàng hóa: Đây là mô hình sản xuất giống Nghêu đầu tiên trên địa bàn Tỉnh đã góp phần trong việc chủ động được nguồn nghêu giống tại chỗ có chất lượng, giá rẻ (bình quân 3,9 đ/con giống cấp II cỡ 1-2mm) thay cho việc người nuôi nghêu thương phẩm phải đi lấy nghêu giống từ các tỉnh xa và không rõ nguồn gốc với giá cao. Mặt khác với việc sản xuất giống tại chỗ sẽ chủ động được cả về số lượng và chất lượng, giúp nghêu thích nghi tốt với điều kiện môi trường vùng nuôi, ít chết trong quá trình nuôi nên tỷ lệ sống trong quá trình nuôi nghêu thương phẩm cao, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Từ những thành công các mô hình khuyến ngư trong năm 2018 có thể thấy: Các mô hình phải được xây dựng từ yêu cầu của thực tiễn sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới hiệu quả, người dân được chọn tham gia phải có sự say mê, cầu thị và có đủ nguồn kinh phí đối ứng. Sau khi kết thúc mô hình cần được các nhà quản lý, các nhà chuyên môn và bà con ngư dân tổng kết, đánh giá đầy đủ để có tham mưu, điều chỉnh trong triển khai mô hình của năm tiếp theo và nhân ra diện rộng. Trần Trung Thành - nguồn TSKN