Thái Hòa: Hiệu quả từ mô hình nuôi cá trắm giòn, chép giòn
Thứ tư - 24/04/2019 20:581.1440
Thị xã Thái Hòa với tổng diện tích nuôi cá nước ngọt là 243 ha chủ yếu là nuôi cá truyền thống hiệu quả kinh tế không cao, sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ tại gia.
Với mục tiêu hướng tới cho bà con nông dân tiếp cận với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người nuôi thủy sản nước ngọt, cung cấp cho thị trường loại sản phẩm sạch, có chất lượng cao, đồng thời chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đến cho bà con nông dân để làm cơ sở mở rộng nuôi các loại giống thủy sản có giá trị kinh tế cao. Năm 2018 được hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông Nghệ An, Trạm khuyến nông Thị xã Thái Hòa đã triển khai mô hình nuôi cá trắm giòn và cá chép giòn tại hộ Ông Trần Thanh Mai, xóm 16, xã Nghĩa Thuận, đây là bước đi mới, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế xã hội của Thị xã nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi những đối tượng nuôi hiệu quả thấp sang các đối tượng nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần tìm ra đối tượng thủy sản nuôi phù hợp, hợp lý trên địa bàn để phát triển bền vững, tạo niềm tin cho ngư¬ời nông dân áp dụng vào sản xuất thực tế tại địa phương.
Mặc dù trong quá trình thực hiện mô hình gặp không ít những khó khăn như: thời tiết có nhiều thay đổi thất thường, ảnh hưởng của cơn bão số 4…nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông và có chăm sóc quản lý chặt chẽ của chủ hộ, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi cá mà cán bộ kỹ thuật hướng dẫn từ khâu cải tạo ao, chăm sóc quản lý cho đến các biện pháp phòng bệnh cho cá nên kết quả đạt được khá cao, tỷ lệ sống đạt 98%, cỡ cá trắm đạt 3,3kg/con, cá chép đạt 2,1 kg/con năng suất thu hoạch đạt trên 14 tấn/ha.
Kết quả sau 5 tháng nuôi, trên diện tích 1.000 m2 với số lượng giống thả là 500 con cá, trong đó cá trắm thả 350 con, cá chép 150 con. Kết quả thu được là 1.400kg, với giá bán bình quân cho cả vụ nuôi là 150.000 đồng/kg, số tiền thu về là hơn 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí mua cá giống, thức ăn, thuốc chế phẩm sinh học, công chăm sóc… và chi khác lãi ròng trên 70 triệu đồng/mô hình.
Để đạt được hiệu quả cao như vậy ông Mai cho biết: Trước hết phải cải tạo ao đầm theo đúng quy trình kỹ thuật, chọn con giống phải có kích cỡ đồng đều đảm bảo có chất lượng tốt, cá phải khỏe mạnh không mang mầm bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để đạt được tỷ lệ sống cao tránh hao hụt, cỡ cá giống thả ban đầu: Đối với cá trắm phải >1kg/con, cá chép > 0,5 kg/con, mật độ thả phù hợp nhất là 0,5 con/m2, phải tuân thủ lịch mùa vụ theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An. Bên cạnh đó thức ăn cũng không kém phần quan trọng, thời gian đầu phải tập cho cá làm quen dần với thức ăn là đậu tằm là để tạo độ giòn, dai của thịt cá. Trước khi cho cá trắm ăn, cần ngâm hạt đậu tằm với nước và pha ít muối ( nồng độ 1-2% ). Ngâm trong vòng 12 - 24 h. Sau đó vớt đậu tằm ra, rửa qua nước ngọt, bỏ vào bì ủ cho đến khi nứt mầm thì mới cho cá ăn. Trong giai đoạn đầu, không được tranh thủ cho cá ăn cỏ mà phải cho ăn bằng 100% đậu tằm. Cho cá ăn sau 3 tiếng thì ta quan sát xem cá có ăn hết hay không. Để từ đó cân đối, điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp. Khi cho ăn, hạt đậu rất dễ bị chìm do đó nên thả đậu cho cá ăn từng ít một để tránh dư thừa thức ăn. Hàng ngày cho cá ăn với lượng 3 – 4% tổng trọng lượng cá nuôi trong ao, cho cá ăn theo nguyên tắc 4 đinh: Định chất, định lượng, định vị trí và định thời gian, sau 2 giờ cho cá ăn phải vớt hết thức ăn dư thừa .
Thành công từ mô hình đã đem lại cho người dân một loại sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có hàm lượng dinh dưỡng cao, cung cấp cho thị trường Thị xã Thái Hòa và các địa phương khác trong tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. đã tạo hướng đi mới cho nghề chăn nuôi thủy sản nước ngọt trên địa Thị Xã và là sản phẩm mới cho người tiêu dùng. Trong những năm tiếp theo mô hình srx được nhân rộng trên địa bàn Thị Xã