Vòng luẩn quẩn và “cái khó bó cái khôn” Từng có dịp đến làng nghề bánh kẹo Đồng Hà và Xuân Bắc (Diễn Vạn, Diễn Châu), chúng tôi nhận thấy mặc dù các hộ làm nghề ở đây đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư trang thiết bị, lựa chọn nguyên liệu để cho ra lò chất lượng sản phẩm tốt. Thế nhưng, chỉ có một vài hộ mạnh dạn làm được nhãn hiệu kèm tên tuổi, địa chỉ khi đóng gói, còn lại thì đều làm rất thô sơ. Vì thế, làng nghề đã tồn tại hàng chục năm nhưng doanh số sản không tăng lên được, sản phẩm chỉ bán loanh quanh khu vực Diễn Châu và một vài huyện. Chủ một cơ sở sản xuất kẹo ở làng Đông Hà cho biết: với hàng chục năm trong nghề, chất lượng kẹo lạc của làng không thua kém bất cứ cơ sở nào nhưng vì chưa có một nhãn hiệu đủ mạnh và quy mô nhỏ hạp nên chưa thể làm hồ sơ quản lý chất lượng để đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ. Tương tự, tại làng nghề nấu rượu xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), mặc dù được công nhận từ cuối năm 2018 nhưng đến nay làng vẫn chưa xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm. Vì lý do này nên người tiêu dùng có yêu mến sản phẩm rượu truyền thống của làng và đến mua thì cũng chỉ dùng các loại chai và can thông thường. Lãnh đạo UBND xã Hưng Tân cho hay: làng nghề có trên 30 hộ nấu rượu nhưng do chưa có HTX hay doanh nghiệp lớn đứng ra bảo trợ nên cho đến nay nhãn hiệu sản phẩm và hồ sơ chất lượng vẫn chưa hoàn thành. Trước đó, nhờ xã có gắng làm hồ sơ thì làng nghề mới được UBND tỉnh công nhận và được quỹ khuyến công hỗ trợ 3 máy lọc. Theo thống kê Sở Khoa học công nghệ, từ trước đến nay, trên cơ sở đơn yêu cầu của các doanh nghiệp, ngành đã làm thủ tục công nhận sở hữu trí tuệ và kiểu dáng công nghiệp cho trên 1.000 sản phẩm hàng hóa Nghệ An. Cùng với đó, sau hơn 17 năm, UBND tỉnh công nhận 161 làng nghề, trong đó 38 làng nghề liên quan đến sản xuất, chế biến nông và hải sản. Về bún bánh có miến, bánh đa, cốm, bánh lá, bánh gai…; rượu nếp, tinh dầu lạc, tinh dầu sở, thủy hải có mực, cá khô, nước mắm, cá, mực một nắng… Tuy nhiên, không phải các sản phẩm nào của các làng nghề trên đều có hồ sơ đăng ký chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định. Trên lĩnh vực rau củ quả, toàn tỉnh hiện có gần 1.500 ha rau củ quả chất lượng cao sản xuất theo quy trình VietGap và Gap nhưng chỉ có khoảng 40 cơ sở được công nhận VietGap; số cò lại, dù sản xuất, bảo quản theo quy trình trên nhưng do chưa có chứng nhận nên không vào được nhà hàng, siêu thị, trường học; ngược lại, chợ truyền thống cũng khó cạnh tranh với các loại rau củ quả thông thường vì nếu bán cao hơn thì ít người mua và không lấy gì đảm bảo là hàng sạch, an toàn. Đại diện Chi cục Phát triển Nông thôn cho biết: sở dĩ có tình trạng bất cập trên là do trước đây Chính phủ quy định, một Làng nghề, kể cả làng nghề chế biến nông lâm thủy sản được công nhận chỉ cần có từ 20% số hộ trở lên trong làng tham gia và 2 năm liên tiếp sản xuất, kinh doanh có lãi, đảm bảo cơ bản về điều môi trường. Vì quy định này nên nhiều làng nghề chế biến nông, thủy sản ở tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung được công nhận trong giai đoạn này đều không phải làm hồ sơ đăng ký chất lượng. Vì thể, khi kiểm tra về an toàn thực phẩm, nếu làm đúng thì hầu hết các sản phẩm chế biến của các làng nghề nông – thủy sản đều có thể bị tịch thu và kiểm tra chất lượng để xử phạt và tiêu hủy. Mặc dù chưa có hậu quả đáng tiếc nào xảy ra nhưng thực trạng trên khiến các sản phẩm làng nghề nông lâm, thủy sản rơi vào vòng luẩn quẩn, khó tiêu thụ và không phát triển bứt phá được. Do không có tổ chức đứng ra làm nhãn hiệu, hồ sơ đăng ký chất lượng nên sản phẩm không thể giới thiệu vào các hội chợ triển lãm hay vào chuỗi phân phối uy tín được; ngược lại, do sản xuất ra không bán được nên không có kinh phí đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, làm thương hiệu… Cần những “mạnh thường quân” đồng hành Trao đổi với chúng tôi, đại diện các làng nghề cho biết: biết rõ hạn chế trên nhưng để xây dựng được hồ sơ quản lý chất lượng sản phẩm hiện nay là không hề đơn giản. Ngoài việc phải có một tổ chức đứng ra đại diện cho làng hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan chức năng rồi sau đó lấy mẫu kiểm nghiệm, phân tích với đăng ký rồi mới chứng nhận; sau khi có nhãn hiệu phải đầu tư quảng bá, giới thiệu, tham gia các hội chợ nên các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đều ngán ngại. Trên thực tế một số làng nghề sau khi được công nhận đã vươn lên thành lập được HTX hoặc ủy quyền cho một hộ đứng ra thành lập doanh nghiệp để làm hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, các hộ còn lại sẽ là vệ tinh. Cách làm này của các làng nghề chế biến hải sản ở Cửa Hội và Nghi Hải (Tx Cửa Lò); làng nghề sản xuất nước mắm tại Phú Lợi, Quỳnh Dị (Tx Hoàng Mai); làng nghề chế biến nông sản Vĩnh Hòa (Yên Thành), làng nghề chế biến hải sản Tân An, An Hòa (Quỳnh Lưu), làng nghề nấu rượu ở Nghi Đức (TP Vinh), nghề sản xuất tương ở Nam Đàn đã mang lại hiệu quả. Ngoài việc thúc đẩy để làng nghề có một nhãn hiệu đại diện thì HTX hay doanh nghiệp cũng đứng ra làm truyền thông, làm hồ sơ để hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh, bao tiêu sản phẩm để góp phần đưa làng nghề đi lên. Trong số 48 sản phẩm nông, lâm hải sản thuộc chương trình Occop của tỉnh được gắn 3 sao và 4 sao, thực chất một do một số sản phẩm của các làng nghề được doanh nghiệp, HTX đứng ra xây dựng để tỉnh kiểm tra, công nhận. Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chánh Thanh tra Sở Khoa học công nghệ cho biết: theo quy định hiện nay, sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa sau khi được cơ quan chức năng kiểm tra chứng nhận đạt chuẩn để gắn sao là đã có hồ sơ đăng ký chất lượng. Hiện nay, hồ sơ chất lượng sản phẩm do doanh nghiệp, HTX tự công bố và tự chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng quản lý bằng lấy mẫu định kỳ hoặc đột xuất sản phẩm trên thị trường. Ông Trần Đức Đạt – Trưởng phòng Dạy nghề TN, Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: nhận rõ bất cập trên, từ năm 2020, căn cứ vào Thông tư số 108 của Bộ Nông nghiệp &PTNT, các làng nghề chế biến, sản xuất nông hải sản trên địa bàn khi làm hồ sơ công nhận làng nghề phải có Chứng nhận về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới được trình UBND tỉnh công nhận. Mặc dù các làng nghề chế biến nông, thủy sản mới được công nhận buộc phải có chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm nhưng các làng nghề đã công nhận trước đây thì quản lý ra sao tiếp tục là câu hỏi. Ông Nguyễn Văn Hà – Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nghệ An cho biết: hiện nay, mỗi năm Chi cục làm thủ tục cấp chứng nhận cho khoảng 200 sản phẩm, thời hạn 3 năm/lần và toàn tỉnh hiện có 700 sản phẩm của 504 cơ sở (DN, HTX) đủ điều kiện được Chi cục cấp giấy chứng nhận. Theo quy định, tất cả các sản phẩm chế biến của các làng nghề nông, hải sản, nếu đóng gói đều phải đăng ký chất lượng, nhãn hiệu phải ghi rõ các thông tin cơ bản như thành phần, hạn sử dụng, điện thoại, địa chỉ cơ sở sản xuất để Chi cục niêm yết công khai trên trang web để giám sát. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, có một bất cập và “tréo ngoe” là các nhà hàng, siêu thị, thậm chí trường học thường yêu cầu các cơ sở cung cấp chứng nhận chất lượng. Tuy nhiên, theo Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thì không phải sản phẩm nông sản, thực phẩm nào cũng cấp chứng nhận này. Các sản phẩm sơ chế thông thường, đơn giản và không phải đóng gói thì chủ cơ sở chỉ cần cam kết với chính quyền địa phương và hàng năm, các địa điểm nhạy cảm như chợ hải sản, lò mổ, sản xuất bún bánh… Chi cục tiến hành lấy mẫu test kiểm tra định kỳ… Trong thời gian tới. để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, xây dựng các hồ sơ quản lý chất lượng, theo chúng tôi một mặt tỉnh cần có cơ chế khuyến khích hỗ trợ các làng nghề trước đây chuyển đổi, làm hồ sơ đăng ký chất lượng; mặt khác, tỉnh nên mạnh dạn phân cấp cho cấp huyện để kiểm tra, công nhận và quản lý chất lượng loại sản phẩm nông, thủy sản phù hợp.
Nguyễn Hải Báo Nghệ An