Thứ bảy, 23/11/2024, 12:04

Nghĩa Đàn: Làm giàu từ mô hình nuôi lươn không bùn

Thứ ba - 10/11/2020 19:51 1.706 0
Anh Lê Văn Hưng ở xóm Màn Thịnh, xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền núi cao đất đỏ, quanh năm chỉ trồng được mía và chăn nuôi gà thả vườn cho thu nhập không cao, Anh quyết tâm đi vào Nam lập nghiệp nhưng sau nhiều năm lăn lộn vất vả trong Nam kinh tế gia đình vẫn không khấm khá hơn.
Nghĩa Đàn: Làm giàu từ mô hình nuôi lươn không bùn
Năm 2017, anh Hưng trở về địa phương với mong muốn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Nhận thấy các quán ăn nhà hàng đặc sản lươn trên địa bàn khá nhiều nhưng nguồn cung cấp lươn còn hạn chế, anh đã mạnh dạn đầu tư xây bể nuôi lươn không bùn.
Ban đầu anh mua hơn 1 tạ lươn giống về thả nuôi nhưng do chưa có kinh nghiệm nên lứa đầu tiên bị chết hết sau hơn 1 tháng. Không nản chí anh Hưng vẫn quyết tâm đầu tư nuôi tiếp, lần này anh vào tận Vĩnh Long học tập kinh nghiệm và kết hợp với nghiên cứu tìm tòi trên mạng, báo chí và thông tin trên nhiều trang viết như tài liệu khuyến nông, khoa học công nghệ...và lần này anh đã chọn con giống tận Vĩnh Long đưa về nuôi… Sau 5 tháng nuôi mô hình nuôi lươn không bùn của anh Hưng đã thành công. Với 13.000 con giống ban đầu, sau 10 tháng chăm sóc anh thu được 2,5 tấn lươn thương phẩm, với giá bán 200.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí cũng lãi hơn 200 triệu đồng.
Tâm sự với chúng tôi Anh Hưng cho biết, nuôi lươn trong bể không cần bùn khá đơn giản, bể nuôi chỉ cần diện tích từ 6 - 10 m2 để tiện cho việc chăm sóc và quản lý, dưới đáy bể có ống thoát nước, trên có gắn đường nước vào để thuận lợi cho việc thay nước. Để lươn có chỗ trú ẩn, trong bể treo các búi ni lông đã được khử trùng và phơi khô. Hàng ngày, vào mỗi buổi sáng thay toàn bộ nước để lươn có môi trường sống sạch. Muốn lươn nhanh lớn và có tỷ lệ sống cao, khâu quan trọng nhất là vấn đề con giống. Con giống phải bảo đảm nguồn con giống có xuất xứ rõ ràng, không xây xát, mất nhớt, kích cỡ giống đồng đều, tốt nhất là nên mua con giống từ các cơ sở sản xuất giống nhân tạo. Tiếp đến là nguồn nước nuôi phải sạch, nếu nước bẩn lươn dễ bị mắc bệnh và chết nhất là bệnh nhiễm khuẩn nên cần phải tạo môi trường nuôi nhân tạo bằng cách bơm và thay nước thường xuyên, giữ mực nước vừa phải, bổ sung thêm visinh đường ruột, vitaminC trộn vào thức ăn cho lươn ăn. Bên cạnh đó phải thường xuyên dùng muối hoặc thuốc diệt khuẩn để diệt khuẩn nước nuôi. Khi cho lươn ăn, cần chú ý nhất là tuần đầu tiên nuôi, chỉ nên cho lươn ăn trùn chỉ và chỉ ăn vào buổi tối. Sau này, khi lươn đã quen với điều kiện nuôi nhốt thì có thể cho lươn ăn ngày 2 bữa và có thể ăn các loại thức ăn khác nhau như cá, ốc, cua…. được xay nhỏ. Không được cho lươn ăn thức ăn ôi, với thức ăn thừa nên vớt ra không để làm ô nhiễm nguồn nước. Sau đó tập cho lươn ăn dần sang thức ăn công nghiệp với hàm lượng từ 2 - 5% trọng lượng thân.
Anh Hưng cho biết thêm: Ban đầu tôi nuôi thử nghiệm bằng bể xi măng có lót bạt nhưng sau khi tìm hiểu một số mô hình thành công bằng bể xi măng lát gạch men lươn nuôi khỏe hơn, ít bị bệnh hơn nên tôi đang chuyển dần sang bể lát gạch men. Nuôi lươn vốn đầu tư không cao, có thể tận dụng tối ưu diện tích quanh vườn nhà, nên thời gian tới gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô lên 50 bể nuôi. Các hộ nuôi trong và ngoài xã có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn, tôi sẵn sàng hỗ trợ.
Thành công từ mô hình nuôi lươn không bùn không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, khích lệ tinh thần ham học hỏi đối với nhiều nông dân trong xã; góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như mở rộng quy mô nuôi, mở rộng thị trường trong nước và có điều kiện xuất khẩu ra nước ngoài. Với điều kiện hiện nay của các hộ nuôi trong vùng, thì việc thành lập Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản là hết sức cần thiết. Tháng 6 năm 2020 Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản Phúc Hưng được thành lập với vốn điều lệ là 75 triệu đồng, bao gồm 7 xã viên tham gia chủ yếu là những hộ dân nuôi lươn ở trong vùng. Hoạt động kinh doanh chủ yếu của Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản là nuôi lươn thương phẩm và tư vấn kỹ thuật cho các hộ có nhu cầu nuôi lươn trong tỉnh.
Mô hình nuôi lươn không bùn tại hộ Anh Lê Văn Hưng ở xóm Màn Thịnh
Nghĩa Thọ, Nghĩa Đàn
Vũ Xuân Nam – Trung tâm dịch vụ TP.Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây