Cách nào để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An
Thứ ba - 01/09/2020 04:321.1830
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS). Mưa, gió, bão lũ thường xuyên xảy ra đã làm thay đổi mùa vụ, hình thức nuôi và suy giảm hệ sinh thái, làm hư hỏng, xuống cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng.
Là tỉnh có tiếp giáp với biển và ở vùng khí hậu khắc nghiệt, Nghệ An chịu ảnh hưởng tương đối lớn của quá trình biến đổi khí hậu, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nghề nuôi trồng thủy sản. Nghệ An phải hứng chịu các đợt thiên tai, bão lụt, rét đậm, rét hại nghiêm trọng làm đầm phá, ao hồ, diện tích NTTS các loại, hàng chục lồng ven biển bị cuốn trôi, gây thiệt hại lớn. Không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng NTTS mà trong những năm qua, bão lớn còn tàn phá hệ thống đê bao của các ao nuôi, hệ thống nhà xưởng, các trạm, trại sản xuất giống; tác động xấu, làm mất cân bằng hệ sinh thái của vùng nuôi… Bên cạnh đó, hiện tượng nắng nóng kéo dài đã làm cho nhiệt độ nước tăng lên quá mức chịu đựng của nhiều loài sinh vật, trong đó có các đối tượng thủy sản nuôi. Thực tế, do nắng làm nhiệt độ nước nóng lên làm cho tôm, cá chết hàng loạt, nhất là đối với các ao, đầm tôm cạn (độ sâu trung bình của các ao, đầm nuôi thâm canh tối thiểu từ 1,2 m). Hiện tượng nước biển dâng cao và ngập mặn gia tăng dẫn đến nước mặn lấn sâu vào nội địa, làm mất nơi sinh sống thích hợp của một số loài thủy sản nước ngọt. Rừng ngập mặn hiện có bị thu hẹp, ảnh hưởng đến nơi cư trú của một số loại thủy sản; khả năng cố định chất hữu cơ của hệ sinh thái rong biển giảm, dẫn đến giảm nguồn cung cấp sản phẩm quang hợp và chất dinh dưỡng cho sinh vật đáy, làm chất lượng môi trường sống của nhiều loại thủy sản xấu đi. Do vậy, có thể nói biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính trực tiếp hoặc gián tiếp gây dịch bệnh và hiện tượng chết hàng loạt trên đối tượng NTTS, trong đó chủ yếu là tôm nuôi, gây thiệt hại lớn cho người dân. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh ta đã xây dựng “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Nghệ An; đánh giá tác động của Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao ảnh hưởng tới diện tích, năng suất, sản lượng cũng như hoạt động NTTS, xây dựng quy hoạch hợp lý các vùng nuôi, diện tích nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi và mùa vụ nuôi phù hợp với diễn biến thời tiết, khí hậu và thực tế của địa phương. -Tỉnh đang tập trung chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức nuôi như: Nuôi thâm canh năng suất cao, tăng vụ, xen vụ trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, sạch để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích ở tất cả các loài nuôi gắn với bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh. Phát triển nuôi cá lồng, bè trên sông hồ đập, nuôi cá trong ruộng lúa vừa hạn chế phân bón, hạn chế sâu bệnh hại lúa và hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu; lựa chọn đối tượng, công nghệ để phát triển nuôi biển, thử nghiệm công nghệ lồng biển mới, đưa vào nuôi một số đồi tượng nuôi mới để nuôi trong ao đất, bể xi măng, lồng trên sông. Song song với biện pháp trên, tỉnh cũng tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ NTTS đồng bộ, khép kín như: Tôn cao bờ vùng, bờ hồ ao bảo vệ vật nuôi phòng khi có mưa lớn, ngập lụt; nâng cấp hệ thống điện phục vụ sản xuất, trạm bơm điện cấp nước, hệ thống kênh cấp nước và kênh thoát nước, ao lắng, ao xử lý nước thải, hệ thống giao thông phục vụ sản xuất; đầu tư và nâng cấp hệ thống giao thông, hạ tầng vùng nuôi để chủ động trong việc sơ tán khi có nước lớn; tiếp tục coi khâu giống là mũi đột phá trong quá trình phát triển; xây dựng cơ sở sản xuất và dịch vụ con giống nhằm chủ động nguồn giống tốt để đảm bảo mùa vụ sản xuất theo chỉ đạo, đảm bảo chất lượng con giống, phòng tránh dịch bệnh. Kết hợp chặt chẽ với các viện, trường để thu hút ứng dụng KHCN, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sinh sản các loại thủy sản có giá trị kinh tế; chọn tạo những giống nuôi mới, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa có khả năng kháng bệnh và thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung như nhiệt độ cao, độ mặn cao,… Thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thông tin, nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu và hành động giảm thiểu, thích ứng cho cộng đồng ngư dân và các cán bộ quản lý thủy sản các cấp tỉnh, huyện, xã và cán bộ các chi Hội nghề cá cơ sở; nghiên cứu chính sách hỗ trợ, phát triển và bảo hiểm ngành nghề thủy sản trong điều kiện biến đổi khí hậu; đẩy mạnh áp dụng GAP trong nuôi trồng thủy sản… Nhóm biện pháp cuối cùng là đẩy mạnh áp dụng đồng quản lý trên cơ sở cộng đồng trong nghề cá thông qua củng cố hoạt động của các chi hội nghề cá cấp cộng đồng để tiến tới áp dụng quản lý dựa trên hệ sinh thái và quản lý thích ứng; xây dựng hệ thống chính sách, lồng ghép biến đổi khí hậu với các chương trình, dự án, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của nghề cá của tỉnh; phát triển và tăng cường năng lực quản lý nhà nước về NTTS ở cấp địa phương. Tóm lại, ứng phó với biến đổi khí hậu là một kế hoạch lâu dài vì vậy đòi hỏi các cấp, các ngành phải có sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát tới tận các địa phương và sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các ngành thì mới có hiệu quả và bền vững./.
Ảnh: Diện tích Rừng ngập mặn huyện Quỳnh lưu - ngày một thu hẹp Trần Bảo