Nghệ An chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản
Thứ ba - 21/07/2020 04:069540
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất là hướng đi hiệu quả, an toàn và bền vững của nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tại Nghệ An, nhờ được chính sách hỗ trợ tiếp sức của tỉnh và sự đồng hành của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, ngày càng có nhiều bà con tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao góp phần mang lại hiệu quả cho NTTS mặn lợ.
Những mô hình mở đường đầy táo bạo Mô hình đầu tiên là của ông Hoàng Xuân Tin ở xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu. Nhắc đến ông Tin không chỉ là một trong những người đầu tiên đưa con tôm sú vào nuôi trồng ở Nghệ An mà còn là một cách tay nối dài của khuyến nông trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào NTTS. Từ những ngày đầu nuôi tôm sú cho đến nay là nuôi tôm thẻ chân trắng ngoài ao đầm, bể bằng bê tông cho đến ứng dụng chế phẩm sinh học bio –floc vào nuôi tôm an toàn, sạch bệnh. Đến thăm mô hình của ông, với 20 ha ao đầm, ông thiết kế thành nhiều khu vực nuôi rất tuần tự, khép kín trong một hệ thống. Cụ thể, hiện nay, mới vào đầu vụ 1, ngoài hệ thống ao ương dèo trong nhà, khi tôm đủ lớn mới đưa ra ao ngoài trời thì ông chia 1.000 m2 ao bê tông thành 22 bể nuôi tôm trong nhà lưới, mùa hè thì dùng lưới đen, tối màu che mát, mùa đông thì phủ ni lông trắng. Với mô hình này, mặc dù chi phí tốn hơn nhưng ông hoàn toàn chủ động về kỹ thuật nuôi và mùa vụ. Lứa tôm nuôi trong bể xi măng, dù mới 2 tháng nuôi mà tôm phát triển khá ổn và dự kiến hơn 1 tháng nữa sẽ thu hoạch. Ông Hoàng Xuân Tin cho biết: với cách làm này, vụ trước ông đã đạt năng suất 12-13 tấn tôm/ha và hy vọng vụ này sẽ tốt hơn. Cũng theo ông Tin, hiện nhu cầu giống tôm thẻ hiện đang cao mà các trại ở Quỳnh Lưu chủ yếu sản xuất tôm sú giống cho các tỉnh và mới chỉ mới có 1 trại ở Hoàng Mai đưa tôm mẹ về đẻ được nên nhu cầu tôm giống khá bị động. Vì vậy ông đang tính đầu tư thêm cơ sở vật chất, kỹ thuật làm Trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng để cung cấp cho bà con. Ông Hồ Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng đánh giá: bên cạnh tiên phong trong thử nghiệm các mô hình kỹ thuật nuôi tôm, cách đây 3 năm, khi hệ thống cấp nước chung vào ao đầm có dấu hiệu ô nhiễm, ông Tin đầu tư trên 4 tỷ đồng đề lắp đường ống bơm hút đưa trực tiếp nước từ biển cách hơn 2 km vào bể lắng. Điểm khác là hay vì nuôi ao lớn, ông chia ao đầm hay bể bê tông nuôi trong nhà lưới thành khu vực nhỏ để lỡ tôm bị bệnh cũng giảm rủi ro. Nhờ cách làm này nên ông Tin nuôi tôm quanh năm, không phụ thuộc thời tiết và dù tôm có bệnh thì mô hình của ông nhưng vẫn an toàn và có thu hoạch. Học tập cách làm của ông Tin, hiện trên địa bàn Quỳnh Lưu và Hoàng Mai đã có hàng chục mô hình đầu tư hàng tỷ đồng để đưa nước từ biển, thậm chí lấy nước ngầm dưới biển vào thẳng ao lắng lọc sau đó nuôi tôm. Điển hình là mô hình của ông Lê Duy Khánh ở xóm Đông Hồi, Quỳnh Lập, Tx Hoàng Mai dùng máy hút nước biển, đưa vào hàng chục ao sát dưới chân đồi để nuôi tôm. 2 vụ nuôi đầu tiên năng suất đạt tối đa 20 tấn/ha và với 5 ha, mô hình cho sản lượng 100 tấn tôm/vụ. Mô hình thứ hai nhưng đi đầu trong nuôi tôm theo hướng VietGap là của ông Ngô Xuân Đại ở xã Diễn Trung, Diễn Châu. Khác với nhiều người, đầm của ông nằm phía ngoài biển nên được công phu và sự bài bản. Với 5 ha ao đầm, ông thiết kế thành nhiều khu ao nuôi theo chuẩn VietGap. Nhờ vậy, từ năm 2015, mô hình của ông được khuyến nông chọn hỗ trợ trình diễn theo hướng VietGap. Tuy nhiên, do chưa chủ động phòng ngừa được dịch bệnh nên kết quả vẫn bấp bênh. Chính vì vậy, từ năm 2019, được sự hỗ trợ của tỉnh, ông Đại cải tạo 1 ha ao đầm để nuôi theo hướng công nghệ cao, dùng chế phẩm sinh học bio –floc vào sản xuất. Vụ nuôi đầu tiên năng suất đạt xấp xỉ 13- 15 tấn/ha nên từ 2020 ông chuyển 3 ha còn lại sang nuôi công nghệ cao. Từ mô hình của ông Đại hiện đã có hàng chục hộ nuôi tôm Diễn Trung chuyển đổi nuôi tôm công nghệ cao và theo hướng VietGap. Mô hình tiếp theo là mô hình nuôi ngao của anh Trần Ngọc Hoàng ở xóm 1, xã Quỳnh Thuận. Với 20 năm lăn lộn với con ngao biển, anh Hoàng được ví là “Vua ngao” ở Quỳnh Lưu. Chỉ với khoảng 30 ha đầm ở cửa biển, mỗi năm sản lượng ngao thu hoạch hàng trăm tấn, lợi nhuận trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm. Bí quyết của ông nằm ở chỗ thay vì nuôi lớn thì ông chia diện tích nuôi thành 5- 6 khu vực nuôi gối vụ, lần lượt từ nhỏ đến lớn, theo kích cỡ giống và mật độ để bố trí thức ăn cho phù hợp. Khác với trước đây, mỗi vụ ông chỉ thu hoạch khoảng 5 ha nhưng hiệu quả tối đa. 2 năm lại đây, nhờ học hỏi từ mô hình ở Nam Định, anh Hoàng đã đưa máy vào thu hoạch ngao và tuyển lựa ngao bằng sàng nên giảm nhiều chi phí thuê nhân công. Anh Trần Ngọc Hoàng chia sẻ: với máy móc cơ giới, điều kiện có nước vẫn thu hoạch được ngao và giảm hao hụt do sót. Các vùng khác, bà con chỉ nuôi từ 6-8 tháng/vụ nhưng gia đình anh nuôi ngao từ 20-25 tháng mới thu hoạch. Nuôi thời vụ dài đối mặt với rủi ro, bão gió nhưng bù lại, năng suất và hiệu quả cao, bình quân từ 20-30 tấn, thậm chí 40 tấn/ha và giá bán tăng gấp rưỡi đến gấp đôi. Thạc sỹ Lê Văn Hướng – Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Nghệ An cho hay: bên cạnh các mô hình tiên phong được tỉnh đồng hành, hỗ trợ để bà con học hỏi, một hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật khác trong nuôi trồng thủy sản mà tỉnh đang khuyến khích bà con nông dân và chỉ đạo ngành khuyến nông cơ sở tích cực hỗ trợ bà con là chuyển sang nuôi các con vật đặc sản có giá trị như ốc bươu đen, nuôi cá chép dòn, nuôi lơn và cá da trơn trong bể bê tông hoặc trên lồng bè vùng lòng hồ thủy điện…. Kết quả bước đầu rất khả quan khi giá trị tăng gấp đôi so với trước. Tăng cường hướng dẫn, cảnh báo để NTTS an toàn, bền vững Bên cạnh dấu hiệu tích cực trên, một trong những hạn chế, tồn tại của nuôi trồng thủy sản Nghệ An là bà con thường không tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, khi thấy lợi thì nuôi thả giống quá dày. Ví dụ, thông thường ngao chỉ nuôi bình quân 200 ngao giống/m2 nhưng khi mua, bên cung cấp giống thường “khuyến mại” thêm một ít con giống nên bà con thường “thả gắng” thêm khiến mật độ gấp đôi, từ 500 đến 600 con/m2 và khi ngao càng lớn thì nguy cơ bệnh càng lớn và thiếu an toàn. Thạc sỹ Lê Văn Hướng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: nuôi ngao tưởng là dễ và chi phí ít nhưng thực tế không dễ chút nào. Nguyên nhân chỉ vì bà con thường thả giống với mật độ quá cao, khi ngao càng lớn, mật độ dày nhưng thức ăn thiếu. Nếu gặp điều kiện thời tiết biển không thuận lợi như thủy triều đỏ hay nước mặt bị ô nhiễm thì ngao rất dễ nhiễm bệnh, chỉ cần 1 số ngao chết thì sẽ lây lan, dẫn đến ngao chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng cho bà con. Tình trạng ngao chết hàng loạt ở Nghi Thiết (Nghi Lộc) và một số vùng vừa qua là một ví dụ. Tình hình cũng tương tự với nuôi tôm khi bà con một số vùng lấy giống thường được các trại giống cho thêm nên khi đưa về, bà con cũng thả luôn khiến mật độ con giống quá dày. Khi tôm nhỏ chưa phát sinh phức tạp nhưng khi lớn, thả thức ăn xuống đầm quá nhiều, thừa mà không có dung dịch và cách xử lý khiến nước bị ô nhiễm và tôm dễ phát sinh bệnh khiến bà con trở tay không kịp. Bên cạnh đó, còn một hiện tượng cần cảnh báo trong nuôi trồng thủy sản là phá vỡ quy hoạch, làm mặn hóa đồng ruộng. Mặc dù các vùng nuôi thủy sản đã được tỉnh và huyện quy hoạch nhưng bà con thấy hộ nào nuôi có hiệu quả thường đua nhau cải tạo ao đầm làm dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Đây là hiện tượng đã và đang xảy ra vài năm nay tại các vùng nuôi tôm xã An Hòa, Sơn Hải (Quỳnh Lưu) và mới đây nhất là ở xã Quỳnh Lập (Tx Hoàng Mai), hàng chục ha ao nuôi hình thành một cách tự phát và trái phép hình thành trên đất muối, đất đồi nông nghiệp. Mặc dù chính quyền các xã phải lập biên bản đình chỉ, tịch thu trang thiết bị thi công nhưng vẫn không ngăn được người dân lén lút mở rộng ao đầm nuôi trái phép. Điều này trước mắt không chỉ làm nhiễm mặn đất nông nghiệp mà lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, nguồn nước vì nuôi thâm canh đồng nghĩa với sử dụng các thuốc và hóa chất tẩy rửa khá nhiều; sử dụng giếng khoan, nước ngầm tùy tiện; làm yếu điện vì quy hoạch hạ tầng đường điện cho NTTS chưa có. Hiện nay diện tích nuôi thủy sản theo hướng VietGap chỉ chiếm 30% diện tích nuôi tôm của tỉnh và nuôi tôm công nghệ cao chỉ mới chiếm 10% trong tổng số 1.100 ha nuôi tôm thâm canh của tỉnh. NTTS theo quy hoạch vốn đã bất cập và phần lớn các vùng nuôi không thể lấy nước vào theo hệ thống mương chung mà phải đầu tư mỗi chủ đầm 1 đường ống dẫn đến lãng phí. Nay tại một số địa phương xảy ra tình trạng NTTS không theo quy hoạch sẽ dẫn tới hệ lụy sẽ lớn hơn nhiều vì không có quy hoạch đồng nghĩa với không có có hệ thống xử lý nước trước khi thải ra môi trường nên rất nguy hại và khó để cải tạo, phục hồi sau này…. Vì vậy, một mặt tỉnh cần có chính sách hỗ trợ đối với mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản nhưng mặt khác phải chỉ đạo các cơ quan chức năng, cấp chính quyền địa phương giữ nghiêm quy hoạch để đảm bảo nghề nuôi trồng thủy sản được bền vững và bảo vệ môi trường chung. Nghệ An hiện có 161 ha ngao, năm 2020 sản lượng 3824 tấn; 1.400 ha tôm,nếu tính 2 vụ thì dao động từ 2.200-2.300 ha, năm 2020 sản lượng 7.500 đến 7.600 tấn; Cua nuôi hỗn hợp khoảng 100 ha,sản lượng khoảng 500 tấn/năm. Mỗi năm tỉnh sản xuất khoảng 1,8 tỷ con giống, trong đó tôm sú cung cấp cho các tỉnh phía bắc và miền Trung; có 1 Trại giống Hải Tuấn tại Quỳnh Liên đã sản xuất được tôm thẻ giống, công suất từ 500-700 triệu con/năm.