Thứ năm, 23/01/2025, 00:11

Giải pháp nào để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp?

Thứ ba - 25/05/2021 21:28 3.768 0
Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng (gọi chung là thuốc BVTV) hiện là thực trạng nhức nhối trong sản xuất nông nghiệp nước ta. Tại Nghệ An, mặc dù thường xuyên được tuyên truyền, nhắc nhở và công tác thu gom các bao bì thuốc BVTV đã được quan tâm nhưng vì nhiều lý do, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV và kích thích tăng trưởng vẫn còn.
Giải pháp nào để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp?
Mỗi ngày Nghệ An sử dụng … 2 tấn thuốc BVTV
Trong nhiều lần về các vùng sản xuất nông nghiệp, chúng tôi được bà con nông dân cho biết: ngoại trừ vụ chính sản xuất thuận lợi thì các vụ còn lại, cân bằng sinh thái suy giảm, sâu bệnh và chuột bọ phá hoại nên buộc nông dân phải sử dụng thuốc BTVT để diệt trừ. Điều đáng ngại hơn, để nâng cao năng suất hay bảo quản, bà con nông dân không ngại sử dụng các chất kích thích tăng trưởng. Đây là lý do về vào các vùng rau màu vào dịp cao điểm về sâu bệnh, rất dễ nhận ra mùi thuốc BVTV hoặc vỏ bao các chất kích thích còn sót lại.
Bên cạnh tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, hiện nay một vấn đề đáng ngại nữa là các vườn cây công nghiệp và cây ăn quả ở các trang trại tỉnh ta đều sử dụng  thuốc BVTV để diệt trừ sâu rầy, bảo vệ hoa và quả. Tại một số thời điểm, nhiều chủ vườn hạn chế và không có người thân và khách vào thăm vườn là vì lý do trên Ông Hoàng Quốc Kỳ - Phó phòng kiểm soát môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường cho hay: hiện tại, việc thu gom bao bì thuốc BVTV mới chỉ tiến hành ở các vùng rau màu lớn còn các trang trại trồng cây ăn quả cũng sử dụng nhiều loại thuốc BVTV nhưng khâu thu gom thế nào, xử lý ở đâu thì chỉ có chủ trang trại mới biết. Trên thực tế, chỉ cần để ý quan sát, cách các chủ trang trại xử lý chỉ đơn giản là thu gom, chôn hoặc đốt các vỏ bao bì thuốc tại góc vườn.
Đại diện một trang trại cam tại Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn từng chia sẻ: hiện nay sản xuất nông nghiệp có nhiều cái khó và áp lực. Vào chính vụ, sản xuất thuận lợi ít sâu bệnh nhưng giá quá rẻ; ngược lại sản xuất trái vụ, sản xuất khó và nhiều sâu bệnh nên buộc phải dùng thuốc và kích thích mới có ăn. Không những thế, mỗi giống hoa, quả sau 1 thời gian khai thác, sâu bệnh thích nghi nên phải dùng loại thuốc mới để phòng trừ. Thay vì nghe các nhà chuyên môn về thuốc BVTV khuyến cáo, nhiều bà con nông dân dùng thuốc theo thói quen, rỉ tai nhau, thấy loại thuốc nào phun hiệu quả thì mua về phun dùng thử mà không quan tâm thuốc đó có tên trong danh mục và thời gian dư lượng trên sản phẩm và môi trường ra sao.
Mặt khác, vài năm lại đây, lợi dụng sự lơi lỏng của cơ quan chức năng, bà con một số vùng làm màu ở Diễn Châu và Quỳnh Lưu còn dùng thuốc trừ cỏ cháy để phun cho chết cỏ sau đó làm đất hoặc phun thẳng vào luống đất sau đó mới tỉa lạc để đỡ công làm cỏ. Theo một chuyên gia BVTV cho biết: thuốc BVTV dù độc nhưng dù sao cũng có thời hạn, chỉ phun từ 5-7 ngày sẽ hoai nhưng thuốc diệt cỏ thì không có hạn sử dụng. Vì nguy hiểm cho môi trường nên gần đây đã bị cấm.
Ông Đinh Sỹ Khánh Vinh- Phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: Hiện nay, mỗi năm Nghệ An thải ra khoảng 60-70 tấn vỏ bao thuốc BVTV, tương đương với sử dụng khoảng 600- 700 tấn thuốc BVTV, bình quân mỗi ngày sử dụng gần 2 tấn. Cách đây mấy năm, sau khi vận động xây các bể thu gom vỏ thuốc BVTV bằng bê tông trên các cánh đồng, Chi cục BVTV tỉnh đã thu gom, xử lý được khoảng 4 tấn. Năm 2020, trên cơ sở đề nghị của Chi cục Bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã bố trí ngân sách hơn 3 tỷ đồng qua đó thu gom được 47 tấn bỏ bao bì thuốc BTVT ở 12 huyện đồng bằng đưa đi xử lý nên tạm ổn.
Ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết thêm: theo danh mục thuốc BVTV hiện nay, nước ta có gần 4.000 loại và tại Nghệ An, bà con thường xuyên sử dụng khoảng 200 loại. Mỗi năm tỉnh sử dụng từ 500-700 tấn thuốc tùy vào tình hình dịch bệnh và thời điểm mùa vụ tring năm. Gần đây do được vận động, tuyên truyền nên phần lớn bà con sử dụng thuốc trong danh mục nhưng mấu chốt là sử dụng thuốc đúng hạn và sau khi phun mấy ngày mới thu hoạch và phải bỏ bao vỏ đúng quy định để thu gom, xử lý thì chưa triệt để được.
Ưu tiên nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ, an toàn !
Theo các chuyên gia BVTV, thuốc BVTV ngoài danh mục hay trong danh mục nhưng phun không đúng quy trình và thời hạn đều nguy hiểm. Không những thế, sau khi sử dụng, bao bì bỏ không đúng quy định còn nguy hiểm hơn vì trong vỏ còn tồn dư thuốc BVTV khi ra môi trường sẽ hòa lẫn và thấm vào nguồn nước ngầm thì nguy hại vô cùng. Tình trạng các làng ung thư và các bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa ngày càng tăng ở nước ta nói chung và ở Nghệ An có một phần do tình trạng lạm dụng thuốc BVTV và xử lý vỏ bao bì BVTV chưa triệt để.
Theo thông tin của Bộ Y tế, năm 2020, Việt Nam tăng 8 bậc, từ 99 lên thứ 91 trên bản đồ ung thư thế giới. Năm 2020 có trên 182 ngàn ca mắc mới và trên 120 ngàn người tử vong vì ung thư. Hiện nay, người dân có điều kiện tầm soát, phát hiện sớm bệnh ung thư sớm hơn nhưng phản ánh thực trạng môi trường, thực phẩm và chế độ sinh hoạt, ăn uống trong cộng đồng còn quá nhiều bất cập.
Để bảo vệ sức khỏe người dân và an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về sản xuất và sử dụng thực phẩm sạch, các huyện trọng điểm về sản xuất rau màu, hoa quả như Nam Đàn và Quỳnh Lưu đã có giải pháp đốc thúc, quản lý. Cụ thể, các Trạm BVTV trước đây và nay là Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Đàn hay Quỳnh Lưu đều tham mưu cho huyện lập từ 2-3 đoàn kiểm tra lồng ghép kiểm tra từ sử dụng vật tư phân bón, giống đến thuốc BVTV. Tuy nhiên, đại diện các đoàn cũng thừa nhận khâu kiểm tra, đôn đốc cũng chưa hiệu quả vì chỉ phát hiện được một số điểm bán lẻ thuốc BVTV chưa đủ điều kiện hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng, việc xử phạt cũng nhẹ, không có tính răn đe.
Ông Nguyễn Tiến Liên  - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lưu cho hay: huyện có 163 điểm bán thuốc BVTV kèm vật tư, phân bón nhỏ lẻ, từ 2019, huyện đã cũng làm hồ sơ cấp chứng chỉ cho 15 điểm và tham mưu mở 1 số lớp hướng dẫn thực hành trồng rau củ quan an toàn cho bà con nông dân các xã làm rau vùng Lương – Minh – Bảng. Toàn huyện có 60 ha sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap. Thế nhưng việc bà con sau học tập, chuyển giao có chấp hành, thực hiện sản xuất an toàn hay không là rất khó giám sát và cần sự vào cuộc có trách nhiệm của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư.
Trong khi đó, tại Nam Đàn, để quản lý thuốc BVTV, một mặt, huyện tập huấn cấp chứng chỉ cho 50/100 các điểm bán lẻ thuốc BVTV đủ điều kiện; mặt khác cũng khuyến khích người dân sản xuất sach và an toàn. Toàn huyện hiện có 14 vùng rau sản xuất theo quy trình VietGap nhưng do còn bất cập về giá, rau quả sạch sản xuất an toàn cũng như rau sản xuất bên ngoài nên chưa khuyến khích được nông dân.
Ông Tạ Quang Sáng – Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh cho rằng: để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc BVTV và các chất kích thích, cùng với tuyên truyền, phải tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm đối với hành vi sử dụng thuốc và vứt vỏ bừa bãi, cần tăng cường tuyên truyền và hỗ trợ các mô hình sản xuất hữu cơ theo hướng VietGap, GlobeGap, vận động người dân tiêu dùng các sản phẩm sạch, hoa quả được dán tem, nhãn quản lý về chất lượng. Hiện nay, tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất sạch theo hướng VietGap; đồng thời đang từng bước chuẩn bị nhân lực, bộ máy để hỗ trợ hướng dẫn các địa phương nhân rộng diện tích VietGap. Với hàng trăm ngàn ha canh tác rau màu và các cây củ quả khác nên việc tỉnh mới chỉ có 1.000 ha rau, củ quả sản xuất theo mô hình công nghệ cao, sản xuất hữu cơ và quy trình Viet Gap là quá khiêm tốn.
Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng chi cục trồng trọt và BVTV cho biết thêm: hàng năm tỉnh đều lập các đoàn kiểm tra và qua kiếm tra, mỗi năm xử phạt từ 20-30 vụ, tổng số tiền từ 100-200 triệu đồng. Mặc dù có cố găng nhưng so với tình hình lạm dụng sử dụng thuốc BVTV hiện nay là quá nhẹ. Gần đây, mặc dù tình trạng sử dụng thuốc BVTV, thuốc kích thích tăng trưởng đã giảm dần nhưng tình trạng sử dụng thuốc theo thói quen, rỉ tai nhau mà bất chấp khuyến cáo của nhà sản xuất vẫn còn; đây đó vẫn còn hiện tượng buôn bán, vận chuyển thuốc BTVT trái phép.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đợt thu gom 47 tấn vỏ bao BVTV năm 2020 đưa đi xử lý chỉ là đột xuất nên về lâu dài tỉnh cần bố trí nguồn ổn định để không chỉ thu gom vỏ thuốc BVTV tại các vùng rau màu mà còn yêu cầu trang trại cây ăn quả, cây công nghiệp và các huyện miền núi thu gom để xử lý. Ngoài ra, dù khó nhưng để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, phải tăng cường tuyên truyền cho nông dân về sử dụng thuốc BVTV đúng quy trình và sau khi sử dụng xong thì thu gom bao bì bỏ vào đúng nơi, đúng chỗ./.
Nguyễn Hải 
Báo Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây