Tác hại của việc đốt rơm rạ trong mùa nắng nóng và giải pháp khắc phục
Chủ nhật - 16/05/2021 21:046.4050
Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chưa bước vào giai đoạn nắng nóng nhưng cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng đã phải đối diện với những đợt nắng nóng kéo dài, có những đợt nóng nóng gay gắt với nhiệt độ cao lên tới 390c, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân, số lượng người bị mắc các bệnh về viêm đường hô hấp tăng cao đột ngột.
Một trong những lo lắng của người dân, đặc biệt là người dân sống gần khu vực nông thôn trong thời gian tới ngoài sự khắc nghiệt do thời tiết nắng nóng gây ra đó chính là sự ngột ngạt khó thở bởi việc đốt rơm rạ của người nông dân sau mùa thu hoạch. Năm nào cũng vậy, cứ vào dip tháng 5 – 6, bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa, nhiều cánh đồng lại nghi ngút khói do việc đốt rơm rạ. Việc đốt rơm ra một cách bừa bãi gây ra rất nhiều tác hại xấu, gây ô nhiễm không khí, góp phần vào gây ra biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sức khỏe của con người. Cụ thể: Thứ nhất: Khi đốt rơm rạ sẽ tạo ra các hạt bụi nhỏ, bò hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2...dễ đi sâu vào phổi, máu của người hít phải. Khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích ở họng, hít khói rơm nhiều gây nên các bệnh về đường hô hấp cấp tính và mạn tính ảnh hưởng không tốt đến đường hô hấp của con người. Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon). Đây là loại khí rất độc có thể gây chết người. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi... Thứ hai: Việc người dân đưa rơm rạ lên đường để đốt trong thời tiết nắng nóng sẽ khiến bầu không khí trong vùng thêm oi bức, khó chịu; nghiêm trọng nhất làm giảm tầm nhìn của người tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ... Thứ ba: Theo quan niệm của người dân cho rằng: việc đốt rơm rạ mang lại nhiều tiện lợi như không tốn công xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch, đồng thời tiêu diệt được mầm mống dịch hại... Tuy nhiên, việc đốt rơm, rạ ngay trên đồng ruộng không chỉ làm ảnh hưởng tới môi trường sống, sức khỏe con người mà còn làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh hại lúa. Thứ tư: Việc đốt rơm rạ và các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp sẽ làm phát sinh các khí CO, CO2, SO2, NO2…, làm gia tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gia tăng hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Vì vậy, để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường và những tác hại xấu đến sức khỏe con người do việc đốt rơm rạ gây ra. Chúng ta hãy áp dụng các giải pháp sau để biến rơm rạ thành một nguyên vật liệu đa dụng và mang lại hiệu quả: - Sử dụng rơm rạ để làm thức ăn cho gia súc: rơm rạ có thể thu gom sử dụng trực tiếp cho gia súc hoặc lưu trữ bằng cách ủ đống, đóng bánh, ủ bằng phương pháp kiềm hóa rơm urê để sử dụng cho gia súc. - Vùi rơm rạ vào đất: Đây là cách làm đơn giản, giúp duy trì đạm và các chất hữu cơ trong đất. Lượng đạm và các chất hữu cơ thêm vào sẽ được giữ lại trong đất trở thành nguồn dinh dưỡng quan trọng cho vụ lúa tiếp theo. Vì thế, vùi rơm rạ vào đất có thể trở thành lợi ích bền vững lâu dài về nguồn cung cấp đạm cho đất. - Sử dụng rơm rạ để làm phân bón hữu cơ: rơm rạ sau khi thu gom được xử lý cùng phân chuồng và chế phẩm EM hoặc TrichoDerma để tạo ra phân hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng, góp phần tăng năng suất và cải tạo đất. - Trồng nấm rơm: trồng nấm được coi là một trong những phương pháp sinh học tận dụng nguồn rơm rạ hiệu quả nhất. Nấm rất giàu protein và sản phẩm được nhiều người ưa chuộng. Hiện mô hình trồng nấm rơm được nhiều địa phương ứng dụng bởi mang lại nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống. - Ngoài ra, có thể tận dụng rơm rạ để cung cho các nhà máy làm giấy, xưởng sản xuất ethanol… Từ những tác hại của việc đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch và giải pháp khắc phục như trên thì việc tuyên truyền cho bà con thay đổi nhận thức trong việc đốt rơm rạ một cách tùy tiện là rất cần thiết. Mong rằng trong thời gian tới, tình trạng này sẽ không có diễn ra ở khu vực nông thôn sau mỗi mùa thu hoạch, rơm rạ không còn là những phế phụ phẩm không cần thiết mà sẽ được bà con tận dụng là nguồn nguyên liệu hữu ích, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Hình ảnh: Đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch Phạm Hồng Thanh - nguồn TSKN