Thứ ba, 24/12/2024, 07:51

Xây dựng chuỗi giá trị, mô hình liên kết phát triển sản xuất tại Nghệ An

Chủ nhật - 09/05/2021 23:34 1.450 0
Nông sản Nghệ An đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng và được người tiêu dùng đánh giá cao. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, vẫn chủ yếu đang dừng lại ở xuất thô, giá trị thấp. Thiết lập được chuỗi liên kết trong sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản nhằm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp là vấn đề đang được tỉnh quan tâm phát triển.
Xây dựng chuỗi giá trị, mô hình liên kết phát triển sản xuất tại Nghệ An
Nghệ An là tỉnh có nhiều lợi thế so sánh về phát triển nông nghiệp. Với tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 1,4 triệu ha, trong đó: đất sản xuất nông nghiệp: 303.919 ha, rừng và đất lâm nghiệp là: 1.148.453,6 ha, đất nuôi trồng thủy sản: 9.533,5 ha. Đây là tiềm năng để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên quy mô lớn, tập trung, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản từ cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày, cây ăn quả và dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ manh mún, công nghệ lạc hậu, chất lượng thấp và sản xuất mang tính chất hàng hóa lớn, tập trung chiếm tỷ lệ còn thấp do vậy chi phí sản xuất đầu vào cao, đầu ra khó tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ hàng hóa ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng thường xuyên bị tình trạng được mùa thì rớt giá, mất mùa thì giá tăng rất không ổn định.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó là thiếu sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa Doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Do đó, phát triển nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo liên kết chuỗi giá trị sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm là xu hướng tất yếu nhằm tạo bước đột phá để nâng cao sức cạnh tranh của nền sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế, là bước đi quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới. Để làm được điều này, việc nghiên cứu đánh giá thực trạng liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản trong chuỗi giá trị giữa nông dân - Doanh nghiệp là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ
Sở Nông nghiệp và PTNT luôn xác định “tạo đột phá trong khâu chế biến, bảo quản nông sản, xây dựng các sản phẩm có đầy đủ bao bì, nhãn mác để cung ứng ra thị trường là chìa khoá để nâng cao giá trị nông sản”, hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đều trình UBND tỉnh trích ngân sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

 
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An trao đổi kinh nghiệm về dồn điền, đổi thửa và sản xuất, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm với Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Sơn La

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả, góp phần tăng trưởng nông nghiệp theo hướng phát triển hiệu quả, bền vững; nhiều chuỗi liên kết, hợp tác hiệu quả trong sản xuất và  chế biến đã hình thành, qua đó nâng cao giá trị nông sản sau thu hoạch, như: Mô hình chế biến tương đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại Nam Đàn; Mô hình chế biến nước mắm tại phường Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai; Mô hình chế biến mỳ rau của Công ty CP An An AGRI tại Diễn Châu v.v.
Từ chỗ nông sản chỉ được xuất thô, không có bao bì nhãn mác, không xây dựng được thị trường, bán tự do, giá trị thấp, các đơn vị này đã chuyển hướng sang chế biến, đa dạng hoá sản phẩm, đầu tư bao bì, nhãn mác, tem truy xuất sản phẩm, áp dụng các quy trình kiểm soát chất lượng, ATTP như thực hành sản xuất VietGAP trong sản xuất nguyên liệu, áp dụng HACCP trong chế biến, đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP). Từ đó, sản phẩm đã thực sự thay đổi hoàn toàn về chất lượng, mẫu mã và đủ khả năng để kết nối thị trường, thúc đẩy tiêu thụ.



 

Thu hoạch dưa lưới theo mô hình sản xuất sạch

Cũng như các địa phương trong cả nước, chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm cũng phát triển mạnh mẽ ở Nghệ An. Tính đến năm 2020, Nghệ An đã có 107 sản phẩm được công nhận từ 3 sao đến 4 sao. Đây được coi là một chương trình đột phá trong sản xuất, chế biến nông sản. Nhiều sản phẩm đặc sản như tương, giò bê, bánh đa, nước mắm,...thông qua chương trình OCOP đã thật sự “lột xác”, đảm bảo chất lượng, đầy đủ nhãn mác, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Lãnh đạo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản và doanh nghiệp tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm trong nước

Nhận thức rõ tầm quan trọng của khâu tiêu thụ nên thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, chủ động tham mưu UBND tỉnh, tranh thủ sự chỉ đạo, nguồn lực từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, thực hiện các chương trình giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản Nghệ An. Tổ chức cho các đơn vị sản xuất, chế biến nông sản trong tỉnh tham gia các chương trình hội chợ triển lãm, giới thiệu kết nối tiêu thụ tại các địa phương, đơn vị trọng điểm trong cả nước như Hội chợ Nông nghiệp quốc tế; Hội chợ giới thiệu các sản phẩm Làng nghề, Ngành nghề; Hội chợ các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP,… Tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản giữa các nhà sản xuất với hệ thống tiêu thụ lớn như BigC; Vinmat+; MM Mega Maket;…hệ thống tiêu thụ nông sản sạch như Chuỗi của hàng thực phẩm sạch Bác Tôm tại Hà Nội; chuỗi cửa hàng thực phẩm An Phú Farm tại Đà Nẵng,..
Sở Nông nghiệp và PTNT luôn quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân đặc biệt quan tâm đến khâu bao bì, nhãn mác. Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản hỗ trợ các cơ sở đầu tư bao bì, nhãn mác đảm bảo quy định, hỗ trợ tem truy xuất để người tiêu dùng có thể nhận biết sản phẩm. Hiện nay một số sản phẩm đã được các hệ thống siêu thị lớn tiếp nhận.
Hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững nâng cao giá trị gia tăng thông qua thiết lập các mối liên kết bền chặt trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Sở đang xây dựng và sẽ trình UBND tỉnh ban hành các đề án liên quan như: Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021-2030; Đề án xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025; kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông lâm thuỷ sản Nghệ An giai đoạn 2021-2030; Đồng thời sẽ tham mưu sửa đổi quyết định số 15/2018/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành quy định thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017 của Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Xây dựng chuỗi giá trị, mô hình liên kết phát triển sản xuất
Liên kết gắn sản xuất và tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Không những giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia, đặc biệt đối với nông dân; hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa, liên kết còn cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, đảm bảo chất lượng sản phẩm, ATTP; cũng như nâng cao năng lực quản lý điều hành và tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Ngoài ra, giúp doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu, tạo điều kiện ứng dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Qua 3 năm thực hiện Nghị định của Chính Phủ và Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 25 Dự án/Kế hoạch liên kết sản xuất được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ, với tổng kinh phí hỗ trợ lên tới gần 36 tỷ đồng. Tổng số hộ dân tham gia trong các Dự án/Kế hoạch liên kết là 6.206 hộ, với tổng quy mô thực hiện liên kết là 2.424 ha, với đa dạng sản phẩm như lúa giống, lúa thương phẩm; chè; ngô; ớt cay; các sản phẩm chế biến từ cây Chanh, cây Sen, cây Cà gai leo, cây Dây thìa canh, gỗ rừng trồng và rau, củ, quả an toàn. Ngoài ra còn có chăn nuôi gà với quy mô 23.500 con gà thịt/lứa.
Thực tế thời gian qua các chương trình, dự án, kế hoạch liên kết bước đầu đã mang lại hiệu quả cao, tạo lòng tin cho nhân dân trong sản xuất, đồng thời đảm bảo sản phẩm, nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích và phát triển bền vững. Có thể nói, liên kết gắn liền với sự sống còn của doanh nghiệp, HTX và nông dân, là hình thức tổ chức tiên tiến, hướng tới việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững đưa nông nghiệp đến một tầm phát triển cao hơn.
         Giây chuyền chế biến sản phẩm nông nghiệp được đầu tư bài bản

Việc hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các HTX, Doanh nghiệp để phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản đã được quan tâm hơn. Trong 25 đơn vị được hỗ trợ thì có 16 đơn vị xây dựng các Dự án liên kết để đề xuất hỗ trợ máy móc, thiết bị. Một số đơn vị đã thực hiện rất tốt khâu sơ chế, chế biến sản phẩm sau thu hoạch như HTX Dược liệu Pù Mát, HTX Lâm nghiệp tổng hợp Quỳnh Thắng…
Ngoài các mô hình liên kết sản xuất được hỗ trợ theo các chính sách của nhà nước, hoạt động liên kết sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã có những sự chuyển biến rõ rệt, tăng cả về số mô hình cũng như quy mô, sản lượng, giá trị liên kết. Tỷ lệ giá trị các sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết so với tổng giá trị sản phẩm nông lâm thuỷ sản tăng đều qua các năm.
Đặc biệt, nhận thức của người dân về lợi ích khi tham gia liên kết cũng đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ đang dần chuyển sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, hàng hóa, việc áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất ngày càng được quan tâm nhằm tăng năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM.
Để xây dựng chuỗi giá trị, mô hình liên kết phát triển sản xuất, thời gian tới cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, bảo đảm phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường.
          Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các cánh đồng lớn, liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giá trị, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để làm đầu mối cho hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị. Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Đẩy mạnh thực hiện liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước theo chuỗi giá trị sản phẩm.
          Thu hút các nguồn lực đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, đáp ứng được yêu cầu ứng dụng được cơ giới hóa, vận chuyển hàng hóa, máy móc, trang thiết bị, nông sản hàng hóa được thuận lợi. Phối kết hợp với Sở Khoa học công nghệ và các sở ban ngành liên quan hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi giá trị các trang thiết bị cần thiết thực hiện kiểm định nhanh tại hiện trường để tự giám sát chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, thiết kế bao bì, tem nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
          Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh (như các loại cây ăn quả có múi, cây chè, cao su, lạc...) đến các nước có trình độ khoa học kỹ thuật nông nghiệp phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...
Tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp khác cả trong và ngoài nước trong việc phối hợp thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tiết kiệm chi phí..
          Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách của tỉnh để khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi liên kết giá trị sản xuất và bao tiêu sản phẩm; đảm bảo nguồn lực cho các chính sách, nhằm tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia liên kết, hợp tác; Tăng cường công tác khuyến nông và đào tạo đối với tổ hợp tác sản xuất nhưng không chỉ dừng lại ở kỹ năng kỹ thuật sản xuất mà cần mở rộng các kỹ năng phối hợp tiêu thụ sản phẩm.
          Việc xây dựng cơ chế liên kết cần theo nguyên tắc điều tiết của thị trường, gắn với động lực của các bên tham gia liên kết, phương châm căn bản là chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích, trách nhiệm rõ ràng, giữ chữ tín và xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên trong quan hệ liên kết, hợp tác./.
                                 Lê Hồng Trung-Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An -nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
hh6-2.jpg hh2.jpg hh7-1.jpg hh3-1.jpg hh4-2.jpg hh1.jpg hh5-3.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg a2-9.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg mo-hinh-luon-4.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây