Thành phần tham gia hội thảo có ông Phan Duy An - Phó trưởng Bộ môn Cây lương thực và Cây thực phẩm thuộc Viện khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ, ông Lê Văn Cường - Phó tổng GĐ công ty TNHH MTV thuỷ lợi Bắc Nghệ An đồng chủ trì hội thảo; Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Ban quản lý Diễn đàn Thị trường Nông nghiệp tỉnh Nghệ An; Đại diện phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đô Lương; Công ty Green Carbon INC tại Việt Nam, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ thuộc Học viện nông nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc, Xí nghiệp thủy lợi Đô Lương; lãnh đạo UBND, công chức địa chính - nông nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp của 32 xã trên địa bàn huyện Đô Lương và cùng các chuyên gia kỹ thuật.
Để thực hiện các dự án giảm phát thải khí nhà kính, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã giới thiệu Công ty Green Carbon INC - là công ty của Nhật Bản hoạt động về tư vấn lĩnh vực môi trường, tham gia vào việc tạo ra và bán tín chỉ carbon cả trong nước và quốc tế. Đối với triển khai thí điểm “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” để kinh doanh tín chỉ Carbon, trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, bù trừ tín chỉ Carbon thị trường trong nước và chuyển nhượng giao dịch mua bán trao đổi tín chỉ Carbon ra thị trường quốc tế, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất và đồng thời tìm kiếm cơ hội về nguồn kinh phí tái đầu tư cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, đóng góp đẩy nhanh sự phát triển thị trường carbon của Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.
Đô Lương là huyện có diện tích sản xuất lúa lớn với hàng năm gần 9 nghìn ha. Đồng thời, là đầu mối của các công trình thủy lợi và là địa bàn có địa hình cao hơn so với các huyện ở vùng thủy lợi Bắc (Diễn Châu, Yên Thành, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu ) nên sản xuất lúa tại huyện Đô Lương có ý nghĩa quan trọng đối với huyện cũng như vùng thủy lợi Bắc. Do vậy, việc triển khai thí điểm “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ để tiết kiện nước, giảm lượng phát thải khí Mê tan, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại huyện Đô Lương là cần thiết.
Toàn cảnh cuộc hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia kỹ thuật đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện trong vụ xuân năm 2024 tại huyện Đô Lương với kết quả bước đầu đạt được như sau: dự án thí điểm “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” đã áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ (nông lộ phơi) nhằm giảm lượng khí mê tan. Dự án đã thực hiện tại 11 xã với tổng diện tích là 1.603,4 ha, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn với nội dung “Giảm phát thải khí Mê tan trong trồng lúa; phương pháp thu thập thông tin, số liệu để tạo tín chỉ Carbon”. Dự án thí điểm “Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa” tại huyện Đô Lương bước đầu đạt kết quả tốt và có triển vọng để mở rộng.
Các địa phương trong quá trình theo dõi đánh giá thực tế trên đồng ruộng cho thấy: So với những vùng ngoài dự án thì một số xã đã tiết kiệm được 1 – 2 lần tưới nên đã giảm được chi phí tiền điện. Tại nhiều xã, số lần tưới của vùng thực hiện dự án không giảm so với những vùng ngoài dự án nhưng việc tưới đúng kế hoạch, đúng thời điểm theo yêu cầu kỹ thuật canh tác hay theo yêu cầu sinh trưởng và phát triển của cây lúa đã giúp cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất khá cao. Bên cạnh đó, những ruộng áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ thì ít bệnh và rầy nâu hơn, lúa có thời gian sinh trưởng ngắn hơn so với ruộng không thực hiện dự án. Đối với phương pháp này được các địa phương đánh giá là dễ làm, dễ áp dụng, không mất chi phí, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế nhánh để vô hiệu, tăng nhánh hữu hiệu, ít bị đỗ ngã. Các đại biểu cũng đã thảo luận các nội dung liên quan khi thực hiện phương pháp tưới ngập khô xen kẽ và được các chuyên gia kỹ thuật, các đơn vị liên quan giải đáp các thắc mắc để các địa phương hiểu rõ hơn và tiếp tục cùng đồng hành thực hiện trong thời gian tới.
Đồng chí Tạ Quang Sáng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh phát biểu tại hội thảo
Trên cơ sở kết quả thực hiện vụ xuân 2024, phía dự án mong muốn mở rộng ở tất cả các xã đủ điều kiện (chủ động tưới, tiêu nước; cùng gieo, thu hoạch một đợt) với diện tích thực hiện trong vụ hè thu là trên 3.000 ha.
Sau khi các cơ quan, đơn vị trình bày,các xã đủ điều kiện về tưới tiêu đã tiến hành đăng ký tiếp tục thực hiện ở vụ hè thu năm 2024. Hiện nay, dự án đang hoàn thiện hồ sơ vụ xuân, song để được cấp chứng nhận tín chỉ Carbon cần thực hiện liên tục trong nhiều vụ, do vậy cần duy trì và mở rộng diện tích thực hiện trong thời gian tới.
Sỹ Vinh – Trung tâm Khuyến nông NA