IPHM là hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nên tảng môi trường cụ thể về: đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích nhằm giảm tác động gây bất lợi cho cây trồng và phát huy các yếu tố nội tại của công trồng, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.
Nền tảng của IPHM là IPM, điểm khác biệt giữa hai chương trình chủ yếu nằm ở cách tiếp cận. Đối với IPM là là muốn kiểm soát dịch hại; còn IPHM muốn nâng cao sức khỏe cây trồng, chủ yếu hướng vào việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe đất. Cách tiếp cận IPHM được đánh giá là phù hợp với sản xuất nông nghiệp trong tình trạng biến đổi khí hậu, ngăn ngừa suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Mục tiêu của mô hình là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM trên cây lúa cho cán bộ và nông dân nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa một cách bền vững; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho nông dân sản xuất lúa, giảm thiểu thiệt hại do dịch hại gây ra, giảm thiểu tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng và ứng phó với biến đổi khí hậu; Tuyên truyền và nhận rộng diện tích ứng dụng IPHM vào sản xuất.
Kết quả mô hình như sau:
- Các hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình cấy thưa hơn, giảm số dảnh/khóm nên đã giảm được lượng giống; giảm lượng phân đạm Ure; cây lúa trỗ tập trung trong thời gian ngắn, số bông/khóm và tỷ lệ bông hữu hiệu cao hơn so với ruộng đối chứng. Trên cánh đồng triển khai mô hình xuất hiện một số sinh vật gây hại như bệnh đạo ôn, khô văn, rầy nâu,… nhưng mức độ gây hại nhẹ không ảnh hưởng đến năng suất. Tỷ lệ bệnh trên ruộng mô hình đều thấp hơn ruộng đối chứng. Việc áp dụng các kỹ thuật IPHM, quản lý sinh vật gây hại theo IPHM trên ruộng mô hình đã làm giảm đáng kể sự gây hại của sinh vật gây hại, đảm bảo cây lúa sinh trưởng và phát triển khỏe, tăng khả năng chống chịu, tạo tiền đề cho năng suất cao và giảm chi phí đầu tư. Mô hình đã giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật không cần thiết so với đối chứng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thiết lập cân bằng hệ sinh thái, từng bước xây dựng nền nông nghiệp an toàn bền vững và nâng cao chất lượng nông sản.
- Qua đánh giá các yếu tố cấu thành năng suất do bà con nông dân tham gia mô hình trực tiếp đo đếm các chỉ tiêu và cho thấy ruộng mô hình IPHM có số hạt cao hơn so với ruộng làm theo tập quán của nông dân là 6,3 hạt/bông. Tỷ lệ hạt lép ruộng mô hình IPHM thấp hơn so với ruộng làm theo tập quán của nông dân là 3,9%. Năng suất thực thu ruộng mô hình IPHM cao hơn ruộng làm theo tập quán của nông dân là 1,81 tạ/ha.
Các đại biểu tham quan mô hình “Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây lúa tại xã Hậu Thành – Yên Thành
- Về hiệu quả kinh tế: mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM trên cây lúa đã giảm được chi phí sản xuất về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Lãi thuần của ruộng mô hình IPHM cao hơn ruộng làm theo tập quán của nông dân là hơn 2 triệu đồng/ha.
Thông qua mô hình, người dân tham gia mô hình đã nắm được nguyên tắc IPHM, các biện pháp kỹ thuật IPHM, sinh lý cây lúa từng giai đoạn và biện pháp tác động ở môi giai đoạn tạo điều kiện cho cây lúa phát triển khỏe chống chịu tốt với sinh vật gây hại. Nông dân nhận biết các đối tượng sinh vật gây hại chủ yếu và biện pháp quản lý dịch hại; nhận biết được các yếu tố trong hệ sinh thái đồng ruộng, biết cách điều tra, phân tích hệ sinh thái đồng ruộng để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp; biết được phương pháp bón phân, tưới nước hiệu quả cho lúa thân thiện với môi trường, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, sử dụng rơm rạ sau thu hoạch, người dân nhận thức được duy trì liên tục nước trên ruộng góp phần quan trọng trong phát thải khí nhà kính là nguyên nhân gây nên biến đổi khí hậu. Bà con nông dân tham gia mô hình đã áp dụng ngay vào sản xuất từ vụ đầu tiên, đồng thời tuyên truyền cho nông dân khác cùng làm theo.
Theo bà Hà Thị Vinh là một nông dân xã Hậu Thành cho biết: “Khi được tham gia mô hình, các hộ tham gia được hỗ trợ giống, vật tư, tham gia tập huấn kỹ thuật và đã hiểu rõ cách điều tra sinh thái, hệ sinh thái hiểu rõ giai đoạn phát triển của cây lúa để từ đó đưa ra biện pháp chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Xác định được lúc nào cần phun và lúc nào không cần phun thuốc bảo vệ thực vật. Bà con trong vùng đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật và tiếp tục duy trì trong những vụ sản xuất tiếp theo”.
Mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM trên cây lúa được Ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và bà con nhân dân trong vùng và đánh giá rất cao. Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai nhân rộng mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM trên địa bàn toàn tỉnh./.
Nguyễn Sỹ Vinh – Trung tâm KN-nguồn TSKN