Đô Lương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Thứ ba - 28/05/2024 21:31 945 0
Đô Lương là vùng đất khá năng động trong phát triển kinh tế, bởi vậy, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp luôn xuất hiện những “đầu tàu” và điển hình là ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất. Đây là động lực quan trọng để Đô Lương hình thành nên những vùng chuyên canh nông nghiệp.
Đô Lương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Mô hình trang trại Đồi Chồi

 
Trang trại Đồi Chồi ứng dụng công nghệ cao ở xã Văn Sơn. Ảnh: HV
Trang trại Đồi Chồi ứng dụng công nghệ cao ở xã Văn Sơn. Ảnh: HV

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao luôn được cấp ủy, chính quyền ở Đô Lương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và được cụ thể hóa bằng Quyết định số 1001/QĐ-UBND ngày 18/4/2022 ban hành Đề án quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp huyện Đô Lương giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Cùng với đó, huyện đã hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp... Với những việc làm cụ thể đó, trên địa bàn huyện Đô Lương có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao rất hiệu quả.

Một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao đầu tư đồng bộ, tạo ra hiệu quả cao ở huyện là trang trại Đồi Chồi tại xã Thịnh Sơn và xã Văn Sơn. Ông chủ của hệ thống trang trại này là anh Nguyễn Công Hải - người con quê hương Đô Lương sinh sống tại tỉnh Hưng Yên.

Anh Hải kể: “Trong quá trình triển khai một số dự án tại huyện Đô Lương, nhận thấy rằng, trên vùng đất này có nhiều nơi rất phù hợp để thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp theo mô hình nhà kính công nghệ Israel.

Vấn đề này khi đề xuất với các cấp, ngành liên quan liền được ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi, bởi vậy, bắt đầu từ tháng 2/2022, đã tiến hành khai hóa vùng đất hoang và đưa cơ giới, thiết bị, máy móc vào san lấp mặt bằng, dựng nhà lưới để làm trang trại Đồi Chồi ở xóm 12, xã Thịnh Sơn.

Sau thời gian ngắn xây dựng, đến nay trang trại Đồi Chồi đã đưa vào khai thác hơn 20 ha, được đầu tư đồng bộ, với hệ thống nhà lưới công nghệ tưới nước, theo dõi độ ẩm và nhiệt độ được áp dụng công nghệ Israel hiện đại. Từ đó, hạn chế tối đa việc sâu bệnh, côn trùng xâm nhập, các công đoạn sản xuất nông sản rất nghiêm ngặt, nhằm mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Tại trang trại Đồi Chồi, những sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là dưa lưới, nho hạ đen, nho mẫu đơn, dưa chuột baby, dưa chuột, dâu tây, cà chua bee, các loại rau, quả… được thị trường đón nhận nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đặc biệt, một số sản phẩm đã lên kệ các siêu thị lớn lớn.

Thành công bước đầu của trang trại Đồi Chồi là động lực và niềm tin để anh Nguyễn Công Hải tiếp tục mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng trang trại Đồi Chồi thứ 2 tại xóm 2, xã Văn Sơn. Dự án triển khai vào tháng 3/2023 trên diện tích 8,4 ha và được đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch.

Chăm sóc cây nho tại trang trại có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ảnh: HV
Chăm sóc cây nho tại trang trại có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ảnh: HV

Ngoài ra, trang trại Đồi Chồi cũng đã triển khai mô hình chăn nuôi thực phẩm sạch và đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao như thịt gà thả vườn, cá, đặc biệt là trứng gà thảo dược Đồi Chồi, được giáo sư, tiến sĩ khoa học Vương Khả Cúc hướng dẫn, chuyển giao công nghệ. Trang trại Đồi Chồi cũng là đơn vị cung cấp thực phẩm sạch cho 20 trường học bán trú trên địa bàn huyện Đô Lương.
Anh Hải cho biết thêm: “Trang trại Đồi Chồi với hơn 1 vạn gốc mẫu đơn hàng năm có thể cung cấp cho thị trường hơn 50 tấn nho, trên 100 tấn dưa lưới và hàng chục tấn rau, củ, sản phẩm sạch, giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động tại địa phương và tham gia tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn. Danh mục sản phẩm và sản lượng sẽ tăng trưởng hàng năm”.

Gắn sản xuất bền vững với phát triển vùng chuyên canh

Thời gian qua, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Đô Lương đã góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp.

Sản phẩm chất lượng cao nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: HV
Sản phẩm chất lượng cao nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: HV

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đô Lương: Hiện nay, trên địa bàn có gần 19 ha sản xuất, trồng trọt áp dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt (ngoài trời); Gần 11,5 ha áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới; 47,66 ha (lúa: 32,94 ha; chè: 7,82 ha; ổi: 1,35 ha; rau, dưa các loại: 5,55 ha) áp dụng công nghệ canh tác quy trình VietGAP...

Các loại cây trồng chủ yếu là dưa lưới, dưa chuột, mướp hương, mướp đắng, dưa Kim Hoàng hậu, cà chua, rau cải và bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam, táo, nho hạ đen, ổi, mít, trám, quýt... Ngoài ra, còn có các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi ốc bươu đen, mô hình nuôi lươn không bùn, ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất (thủy canh)...

Thời gian qua, huyện Đô Lương đã hỗ trợ UBND xã Văn Sơn thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng có sử dụng hệ thống tưới; quy mô: 1.500 m2; kinh phí hỗ trợ: 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2023; hỗ trợ hộ bà Dương Thị Liên tại xã Tân Sơn 96,768 triệu đồng để xây dựng nhà màng sản xuất rau, củ, quả từ nguồn kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND tỉnh.

Thu hoạch chuối xuất khẩu ở xã Thuận Sơn. Ảnh: HV
Thu hoạch chuối xuất khẩu ở xã Thuận Sơn. Ảnh: HV

Song song với việc thực hiện có hiệu quả mô hình nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, huyện Đô Lương đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng các mô hình trọng điểm, hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung.

Trong quá trình thực hiện, huyện Đô Lương đã kết hợp với Trường Đại học Nông lâm Huế điều tra, đánh giá đất đai và thành lập bản đồ thổ nhưỡng các xã vùng Tây Bắc huyện, đồng thời, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất…

Thời gian qua, huyện Đô Lương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai việc phát triển mô hình nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất và tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nên đạt được kết quả khá.

Hiện nay, diện tích canh tác nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao của huyện là 77,99 ha, chiếm 0,45% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; tập trung chủ yếu tại các xã: Văn Sơn, Thịnh Sơn, Trung Sơn, Thượng Sơn, Tân Sơn, Xuân Sơn…

Cùng với đó, đã hình thành được 3 vùng sản xuất chuyên canh tại các xã Thịnh Sơn, Văn Sơn, Trung Sơn, với tổng diện tích 29,4 ha; trong đó: xã Thịnh Sơn quy mô 15 ha; xã Trung Sơn quy mô 6 ha; xã Văn Sơn quy mô 8,4 ha.

Thời gian tới, huyện tiếp tục ưu tiên phát triển mô hình nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất và dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất.

Nguyễn Thị Hạnh - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đô Lương

                                                                                                           Hoàng Vĩnh - nguồn baonghean.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
image-20240813150406-1-6.png a23-1.jpg a24-2.jpg a25-4.jpg a11-3.jpg a26-4.jpg a12-6.jpg h1-5.jpg h4-9.jpg h2-6.jpg h8-12.jpg h7-1.jpg h3-13.jpg h1 h2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây