Kết quả mô hình sản xuất ngô nếp thương phẩm vụ Thu Đông năm 2020 tại xã Thượng Tân Lộc - huyện Nam Đàn
Thứ năm - 11/03/2021 02:171.3870
Ngô là một loại ngũ cốc quan trọng trên thế giới, đứng thứ ba sau lúa mì và lúa gạo. Trong ba loại cây này, ngô là cây trồng có sự tăng trưởng mạnh cả về diện tích, năng suất, sản lượng và là cây có năng suất cao nhất.
Sản lượng sản xuất ngô ở thế giới niên vụ 2019/2020 đạt 1.109 triệu tấn. Tất cả các bộ phận của cây ngô từ hạt, đến thân, lá ngô đều có thể sử dụng được để làm lương thực, thực phẩm cho con người và thức ăn gia súc,... Ở Việt Nam, ngô là cây lương thực đứng thứ 2 sau lúa với diện tích đạt 1,12 triệu ha và sản lượng đạt 4,606 triệu tấn. Cuộc cách mạng về giống ngô lai của Việt nam đã góp phần tăng nhanh diện tích, năng suất và sản lượng ngô trong toàn quốc, đưa nước ta đứng vào hàng ngũ những nước trồng ngô lai tiên tiến của vùng Châu Á. Trong các giống ngô thì ngô nếp có nhiều giá trị dinh dưỡng cũng như sử dụng đa dạng nhất. Nó có nội nhũ chứa gần 100% amylopectin là dạng tinh bột (ngô thường chỉ chứa 75%). Hạt ngô nếp khi nấu chín có độ dẻo, mùi vị thơm ngon. Ngoài nhu cầu sử dụng ăn tươi thì tinh bột ngô nếp là nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm. Trong ngô nếp có hàm lượng tinh bột cao hơn so với các giống khác nên được sử dụng trong hỗn hợp làm bánh kẹo, hồ, bột ngũ cốc cho trẻ em và người lớn và phục vụ cho một số ngành công nghiệp khác. Trong những năm qua, diện tích sản xuất ngô nếp để phục vụ ăn tươi ngày càng được tăng lên. Tuy nhiên, việc sản xuất theo tập quán truyền thống của người nông dân đã phần nào làm giảm chất lượng do nhiều nguyên nhân khác nhau, áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh vào sản xuất chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, sản xuất ngô đang còn mạnh mún, chưa hình thành vùng sản xuất để nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định. Vì vậy năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất ngô nếp chưa cao. Để đáp ứng đủ nhu cầu về thị trường, ngoài việc sản xuất ngô nếp nhằm tăng năng suất thì cần chú trọng đến tăng chất lượng. Chính vì vậy, để nâng cao năng suất cũng như chất lượng cây ngô nếp, vụ Thu Đông năm 2020, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An xây dựng mô hình sản xuất ngô nếp thương phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Thượng Tân Lộc – huyện Nam Đàn nhằm giúp bà con nông dân nâng cao nhận thức trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất ngô nếp. Mô hình được triển khai tại 4 xóm thuộc xã Tân Thượng Lộc – huyện Nam Đàn với quy mô 10 ha, gồm 123 hộ dân tham gia. Người dân tham gia dự án được hỗ trợ 70% giống, vật tư phân bón, được hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn áp dụng kỹ thuật, được tham gia các cuộc hội thảo nhân rộng và tổng kết đánh giá mô hình. Giống ngô nếp được lựa chọn xây dựng mô hình là giống HN68có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đã được công nhận giống chính thức, đây là giống có tiềm năng năng suất cao và chất lượng tốt. Thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi gieo đến thu hoạch là 63-70 ngày. Trước khi triển khai trồng, các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật từ khâu làm đất, bón lót đến kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Mô hình được triển khai đảm bảo tiến độ, cây được trồng bắt đầu vào đầu tháng 8 và thu hoạch vào 15 – 25/10/2020. Trong suốt quá trình triển khai, mô hình gặp rất nhiều khó khăn như:Sau khi gieo gặp điều kiện thời tiết khô hạn;giai đoạn từ 3 lá trở đi gặp điều kiện sâu keo mùa thu gây hại mạnh nên đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển;khi cây ngô chuẩn bị trổ cờ trên địa bàn đã chịu ảnh hưởng của bão số 5 nên gặp điều kiện thời tiết mưa lớn kèm theo gió, do đó cây ngô bị đổ nghiêng khoảng 80% diện tích của mô hình. Tuy nhiên sau đó thời tiết khô ráo nên cây ngô đã dần hồi phục và sinh trưởng phát triển bình thường, đặc biệt là giai đoạn cây ngô trổ cờ, tung phấn và phun râu tương đối thuận lợi. Như vậy, vụ Thu Đông 2020 thời tiết diễn biến bất thường như nắng hạn đầu vụ và mưa, lụt xảy ra từ trước khi trổ cờ đến thu hoạch đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất, chất lượng. Mặc dù sản xuất trong điều kiện thời tiết bất thuận kết hợp với dịch sâu keo mùa thu gây hại nhiều như vậy nhưng nhờ được ự phối hợp chỉ đạo của chính quyền địa phương và cán bộ chỉ đạo kỹ thuật, bà con nông dân cần cù chịu khó,tích cực chăm sóc nên cây sinh trưởng và phát triển tương đối tốt. Kết quả mô hình sau 63-70 ngày sau gieo: mặc dù sản xuất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng hạn, mưa bão lớn, dịch bệnh nhưng nhờ chăm sóc tốt nên cây sinh trưởng, phát triển bình thường và cho năng suất 10,45 tấn/ha và đạt yêu cầu đề ra.Sau khi trừ đi các chi phí, mô hình cho lãi thuần đạt 29.205.000 đồng/ha (tương đương 1.460.000 đồng/sào). Về chất lượng, đây là giống ngô nếp chất lượng cao, dẻo, thơm, vị đậm, vỏ hạt mỏng nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Do vậy, sau khi thu hoạch được các thương lái thu mua ngay tại ruộng với giá cao nên khâu tiêu thụ sản phẩm rất dễ dàng, người dân hết sức phấn khởi. Bên cạnh kết quả đạt được, mô hình đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân về việc sản xuất ngô nếp thương phẩm liên kết với tiêu thụ sản phẩm; phòng trừ thuốc BVTV đúng cách để đảm bảo cho người sản xuất, chất lượng sản phẩm và môi trường sinh thái. Từ đó thay đổi tập quán canh tác của người dân từ chỗ chỉ sản xuất theo kinh nghiệm sang sản xuất ngô có kỹ thuật và thấy được sự cần thiết của việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất./. Đại diện Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nam Đàn, Cán bộ chỉ đạo kỹ thuật,
UBND xã Thượng Tân Lộc kiểm tra đánh giá mô hình. Các thương lái thu mua bắp tươi tại ruộng mô hình