Thứ sáu, 22/11/2024, 09:04

Hiệu quả mô hình nhà lưới trồng rau quả an toàn tại Nam Nghĩa - Nam Đàn

Chủ nhật - 04/04/2021 21:15 1.788 0
  Trước thực trạng rau sạch, rau không bảo đảm an toàn lẫn lộn, việc hình thành những mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, nhà kính chuẩn VietGAP, Global GAP đã góp phần giải quyết thực trạng trên.
Hiệu quả mô hình nhà lưới trồng rau quả an toàn tại Nam Nghĩa - Nam Đàn
Chúng tôi tìm đến tham quan mô hình vườn rau củ quả nhà lưới kín của hộ chị Nguyễn Thị Thanh, xóm 4 - Xã Nam Nghĩa - huyện Nam Đàn. Qua trao đổi, chị Thanh cho biết là một cán bộ xóm, trước đây gia đình chị chuyên làm rau đại trà ngoài đồng với hiệu quả và năng suất không cao. Sau khi được sự vận động, hỗ trợ kinh phí của Huyện cũng như sự góp sức của chính quyền địa phương, vợ chồng chị Thanh đã quyết định đầu tư hơn sáu trăm triệu đồng để xây dựng mô hình vườn rau an toàn trên 1.000m2, dồn toàn tâm toàn lực để phát triển mô hình kinh doanh này. Mô hình nhà lưới kín của gia đình chị rất thông thoáng, xung quanh được phủ kín bằng lưới nhằm chống côn trùng bay vào, dưới nền đất một phần lót bạt, một phần được đổ bê tông.
            Nhìn những giàn cà chua phát triển xanh mướt, những luống rau đủ các loại như cải, cần tây… xanh mỡ màng, giàn dưa chuột gai, mướp đắng đang thời kỳ ra hoa… đủ thấy tâm huyết của gia đình chị đã bỏ ra. Như để chứng minh cho sản phẩm an toàn của mình, chị vừa đưa tay ra chỉ những luống rau, quả sản xuất đại trà xung quanh nhà chị vừa nói: Cùng ra giống một ngày mà phải công nhận là rau, quả ở trong nhà lưới kín của chị phát triển hơn hẳn. Nhìn rau của chị trồng 2 tuần trong nhà lưới bằng rau trồng đại trà ở ngoài đồng cả tháng, không kể rau ngoài đồng bị sâu phá, phải thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mới có thể phát triển tốt được. Xuất thân từ nông dân, gia đình chị luôn trăn trở khi thấy người tiêu dùng phải sử dụng các loại rau, quả không đảm bảo chất lượng, tồn dư các loại thuốc như bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng, phân hóa học. Do đó khi, được Huyện Nam Đàn hộ trợ một phần kinh phí cũng như được sự hỗ trợ tối đa về chủ trương, chính sách của UBND xã Nam Nghĩa gia đình chị đã quyết tâm đầu tư phát triển mô hình chuyên về sản xuất rau, quả an toàn, vừa góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn vừa thay đổi tư duy sử dụng hóa chất trong sản xuất.
          Chị Thanh tâm sự: “Gia đình làm mô hình rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công việc đòi hỏi sự chịu khó, mỗi sáng sớm hoặc ban đêm phải rọi đèn để kiểm tra sâu. Nếu phát hiện có sâu phải cách ly ngay bằng cách nhổ các cây bị sâu để loại trừ sâu bệnh lây lan sang cây khác. Hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nước sạch, phân bón đạt chuẩn, gieo hạt đã qua xử lý. Chị Thanh cho biết vào thời điểm thu hoạch rộ: trung bình một ngày gia đình chị thu hoạch khoảng 100kg xu hào, với giá bán 3.000 - 4000 đồng/kg, Dưa chuột gai giá bán 17.000 - 18.000 đồng/kg, ngoài ra đến thời điểm này chị còn bắt đầu thu hoạch cần tây. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các chợ, quầy rau sạch, bệnh viện.... Mong muốn của gia đình chị lúc này là mở rộng thêm được thị trường đầu ra. Để có được loại rau chất lượng, an toàn chi phí đầu tư cho mô hình nhà lưới kín không phải nhỏ, đi kèm với chất lượng là giá thành sản phẩm cao hơn so với loại rau thông thường khác. Nếu người dân hiểu và thấy được giá trị từ rau an toàn mang lại thì giá cả tương ứng không phải là vấn đề.
          Theo chị Trần Thị Hiền, Cán bộ Địa chính nông nghiệp - môi trường xã Nam Nghĩa - Nam Đàn cho biết: Mô hình nhà lưới trồng rau quả sạch này phục vụ cho chương trình nông thôn mới nâng cao của Tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn xã. Đây là một trong những mục tiêu đề ra của xã Nam Nghĩa nói riêng cũng như huyện Nam Đàn nói chung để ngành nông nghiệp ngày càng phát triển đa dạng trong trồng trọt, không chỉ đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế mà còn giảm thiểu các vấn đề về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình nhà lưới kín ưu điểm là tránh hoàn toàn được sâu bệnh cũng như giảm được tối đa thậm chí hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu. Hiện nay, người dân luôn được tập huấn và đã biết sử dụng các loại thuốc sinh học có độ an toàn cao, độc tính thấp, ít tồn dư trong môi trường. Chính vì vậy, mô hình có thể tạo ra các sản phẩm nông nghiệp năng suất, chất lượng cao. Hy vọng với việc phát triển mô hình nhà lưới trồng rau an toàn trên địa bàn xã Nam Nghĩa được nhân rộng cho các hộ dân trong xã cũng như ngoài xã giúp bà con sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP tạo ra những sản phẩm an toàn và nâng cao hiểu quả kinh tế trên đơn vị diện tích./.
Thu hoạch Dưa gai tại mô hình nhà lưới chị Nguyễn Thị Thanh  Nam Nghĩa - Nam Đàn
      Lệ Hằng: Trung tâm KN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây