Mục tiêu và giải pháp sản xuất vụ xuân năm 2020

Chủ nhật - 01/12/2019 21:15 2.174 0
Sản xuất vụ Xuân 2019 diễn ra trong điều kiện thời tiết ấm, thuận lợi cho việc gieo trồng và sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các ban ngành từ tỉnh đến địa phương và sự nỗ lực cố gắng của bà con nông dân trong đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và phòng trừ dịch hại nên diện tích, năng suất, sản lượng các cây trồng vụ Xuân 2019 cơ bản đều cao hơn so với vụ Xuân 2018 và vượt mức kế hoạch đề ra.
Mục tiêu và giải pháp sản xuất vụ xuân năm 2020
Đặc biệt, công tác tổ chức chỉ đạo sản xuất luôn được Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm và kịp thời ban hành đề án, chỉ thị sản xuất; Ban hành các công văn chỉ đạo, phương án phòng trừ sâu bệnh hại; Thành lập các đoàn xuống trực tiếp tại địa phương để chỉ đạo sản xuất. Đồng thời các huyện, thành thị cũng đã ban hành đề án, kế hoạch; chỉ thị sản xuất và thành lập Ban chỉ đạo sản xuất trong vụ Xuân 2019, trong đó tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất với quy mô lớn.
Năm 2020, được nhận định tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu; các quy luật khí hậu bị phá vỡ làm cho ngành khí tượng thủy văn ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc dự báo, cảnh báo. Vụ Xuân, dự báo thời tiết sẽ cực đoan, phức tạp, khó lường; Nguy cơ tiềm ẩn một số dịch hại có thể phát sinh gây hại mạnh trong vụ Xuân như: Chuột, bệnh đạo ôn,... trên cây lúa và sâu keo mùa thu trên cây ngô. Giá thành vật tư đầu vào cao, trong khi đầu ra một số mặt hàng nông sản vẫn còn bấp bênh nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư tái sản xuất cũng như sức cạnh tranh trên thị trường, ..vv. Nhưng với tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao, Ngành Nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần hoàn thành các mục tiêu mà ngành đặt ra cho sản xuất vụ xuân năm 2019.
I. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU SẢN XUẤT VỤ XUÂN 2020
1.1. Phương hướng
Trên cơ sở quy hoạch và điều kiện sản xuất cụ thể của từng vùng để xây dựng kế hoạch và bố trí cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống và thời vụ hợp lý; tăng cường đầu tư thâm canh một cách toàn diện làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh hại cây trồng. Đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các cá nhân, doanh nghiệp và nông dân. Xây dựng nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trên các loại cây trồng để từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và ổn định sản xuất tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Linh động và quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất; khai thác tối đa và phát huy cao mọi nguồn lực để vụ Xuân 2020 đảm bảo sản xuất an toàn, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
1.2. Chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2020
Mục tiêu, kế hoạch sản xuất phấn đấu về diện tích, năng suất, sản lượng của các cây trồng trong vụ Xuân như sau:
  1. Cây lương thực
TT Loại cây trồng Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn)
1 Cây lúa 90.000 67,17 604.500
1.1 Lúa lai 40.000 70,5 282.000
1.2 Lúa thuần 50.000 64,5 322.500
1.3 Lúa chất lượng (cả lúa lai và lúa thuần) 40.000 63,5 254.000
2 Cây ngô 17.500 52,00 91.000
  - Trong đó: Ngô lấy thân lá làm thức ăn cho bò 5.000    
Tổng cộng 107.500   695.500
  1. Rau đậu các loại
TT Loại cây trồng Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn)
1 Rau các loại 12.000 155,0 186.000
2 Đậu các loại 1.000 12,0 1.200
  1. Cây nguyên liệu, cây công nghiệp ngắn ngày
TT Loại cây trồng Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn)
1 Cây lạc 12.000 30,0 36.000
2 Trồng sắn nguyên liệu 7.300          280,0 204.400
3 Tổng diện tích mía cả năm 25.000          580,0 1.450.000
d. Sản xuất giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm
Chuẩn bị đủ giống đảm bảo chất lượng để phục vụ cho kế hoạch trồng mới, trồng lại năm 2020 các cây chè, cam, cao su,…
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
2.1. Bố trí thời vụ và cơ cấu giống
2.1.1. Cây lúa
a) Thời vụ: Vụ Xuân năm 2020 được nhận định là vụ Xuân ấm, lập Xuân vào ngày 04/02/2020 (tức ngày 11/01/2020 AL)và là năm nhuần hai tháng 4. Do đó, các trà được bố trí gieo cấy để trỗ tập trung từ 25/4 - 05/5. Riêng những vùng sản xuất Hè Thu chạy lụt nên bố trí cho lúa Xuân trổ từ 20/4 - 25/4 và chọn giống ngắn ngày. Khung thời vụ bố trí 03 nhóm giống cơ bản sau:
- Nhóm 1 (các giống có thời gian sinh trưởng từ 140-145 ngày): Gieo mạ từ 08-13 tháng 01; cấy từ 28-31/01 (cấy từ mùng 4/1 ÂL).
- Nhóm 2 (các giống có thời gian sinh trưởng từ 130-135 ngày): Gieo mạ từ 15 - 20 tháng 01; cấy từ 04- 09/02.
- Nhóm 3 (các giống có thời gian sinh trưởng xung quanh 125 ngày): Gieo mạ từ 20 - 25 tháng 01; cấy từ 09 - 14/02.
  Đối với vùng Hè Thu chạy lụt, ra mạ sớm hơn từ 05 ngày đến 7 ngày, trong đó ưu tiên sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng từ 120 - 130 ngày.
- Trong cùng một nhóm giống phải xem xét thời gian sinh trưởng cụ thể của từng giống để bố trí gieo cấy hợp lý, giống có thời gian sinh trưởng dài hơn bố trí đầu, giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn bố trí cuối khung thời vụ.
- Trong điều kiện đặc thù của địa phương nếu bố trí các giống lúa Xuân sớm thì phải bố trí lịch ra mạ để lúa làm đòng, trỗ vào khung thời vụ an toàn.
b) Cơ cấu giống
- Chỉ đưa vào cơ cấu các giống lúa đã được công nhận chính thức và làm mô hình có kết quả tốt tại Nghệ An. Đưa nhanh các giống lúa vừa có năng suất cao, vừa có chất lượng gạo khá trở lên; ưu tiên phát triển mở rộng diện tích các giống lúa chất lượng cao làm hàng hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất.                  
- Hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các giống có chất lượng gạo kém, năng suất thấp, những giống có thời gian sinh trưởng dài. Đối với những giống có năng suất cao, gạo chất lượng, dễ nhiễm sâu bệnh và mẫn cảm với thời tiết, cần có giải pháp kỹ thuật đồng bộ để đảm bảo an toàn sản xuất.
- Mỗi địa phương nên chọn 02-03 giống lúa lai và 02-03 giống lúa thuần chủ lực; Mỗi xã chỉ nên chọn tối đa 3 giống (trừ những vùng đặc thù). Trên cùng một xứ đồng chỉ gieo cấy 01 hoặc 02 giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đương nhau và phải cấy xong trong vòng 2 - 3 ngày để thực hiện tốt các yêu cầu chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại.
- Cơ cấu các giống lúa vụ Xuân 2020 với các giống chủ lực sau:
* Giống lúa thuần: TBR 225, Thiên Ưu 8, Vật tư NA6, Sông Lam 9 (LTH31), Nếp 97,…
*Giống lúa lai: Thái Xuyên 111, VT404, Nhị ưu 986, Kinh sở ưu 1588, Phú ưu 978,
Ngoài các giống lúa nêu trên, tùy điều kiện đặc thù của từng địa phương, từng tiểu vùng sinh thái, UBND các huyện, thành, thị có thể lựa chọn đưa vào cơ cấu các giống lúa có trong phụ lục 02.
2.1.2. Cây ngô
- Tập trung gieo từ 01/2 đến 28/2.
- Các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình, chân đất, thời vụ, thời gian sinh trưởng, mục đích sử dụng, khả năng thâm canh của địa phương mình để lựa chọn các giống ngô phù hợp nhất đưa vào cơ cấu nhằm gieo trồng đạt kết quả cao nhất.
- Mỗi địa phương lựa chọn không quá 03 giống ngô lai và 02 giống ngô nếp để cơ cấu và với phương châm ưu tiên sử dụng các giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh đặc biệt là sâu keo mùa thu, với các giống chủ lực sau: NK66, NK7328, CP999, DK6919, DK6919s, CP 511, NK4300, LVN14, MX10, HN 88,… Ngoài các giống trên có thể lựa chọn các giống ngô có trong phụ lục 03.
2.1.3. Cây lạc:
- Tranh thủ đất đủ ẩm, trời ấm và tiến hành gieo từ 20/1, kết thúc gieo trước ngày 14/2 và không gieo quá sớm. Riêng các vùng trung du, miền núi, vùng đất cao dễ gặp hạn sớm phải gieo trồng sớm hơn để đề phòng gặp nắng hạn cuối vụ.
- Sử dụng các giống Sen Nghệ An(75/23), L14, L23, L26, TB25, L20, TK10.
2.1.4. Rau các loại: Tranh thủ gieo trồng khi có quỹ đất và điều kiện thời tiết thuận lợi. Có thể sử dụng các giống rau như:
+ Rau cải: Cải ngọt, cải bẹ dưa, cải bẹ mào gà, cải bó xôi, cải ngồng,...
+ Bí xanh: Bí xanh số 1, bí xanh thiên thanh 5, Nova 209, An Điền 686,...
+ Bí đỏ: An Điền 019, Én Vàng,…
+ Dưa chuột: PC4, Hoa sen 636, Hoa sen 639, Xuân Yến,...
+ Dưa hấu: Super Hoàn Châu, Super Man, Phù Đổng, Trang Nông 1096, AD779, VT448,…
+ Mướp ngọt: Hương Việt, Thanh Hoa,…
+ Mướp đắng: Hạt giống lai F1 Palee, Trái Xanh F1 TV-208, …
2.1.5. Cây mía nguyên liệu:
- Có thể trồng từ tháng 11 năm nay đến hết tháng 3 năm sau, nhưng thời vụ tốt nhất cho cây mía là từ 01/2 đến 15/3.
- Sử dụng các giống như:  KK3, Quế đường 94-119, Việt Đường 00236, QĐ 93-159, ROC16, ROC22, LK9211,…
2.1.6. Cây sắn nguyên liệu: Tiến hành trồng từ tháng 01 đến 15/3. Có thể sử dụng các giống như: KM94, KM98-5,…
2.2. Công tác Bảo vệ thực vật
Vụ Xuân 2020 được dự báo là vụ Xuân ấm, cơ cấu giống lúa chất lượng chiếm diện tích lớn do đó nguy cơ một số loài dịch hại sẽ xuất hiện sớm và có khả năng phát sinh gây hại nặng trên diện rộng. Để chủ động phát hiện sớm, tổ chức chỉ đạo phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại bảo vệ sản xuất vụ Xuân, các địa phương, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ:
- Tập trung thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện dịch hại theo quy chuẩn quốc gia QCVN 01-38. Chủ động tham mưu, đề xuất biện pháp phòng trừ hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng vùng.
- Hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong phòng trừ dịch hại để đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng.
- Đối với rầy và bệnh lùn sọc đen: Thực hiện gieo mạ tập trung và che phủ nilon cho mạ để chống rét, chống chuột đồng thời chống rầy lưng trắng xâm nhập truyền bệnh lùn sọc đen. Tổ chức phun trừ rầy trên những diện tích có mật độ rầy cao hạn chế cháy rầy vào cuối vụ. 
- Đối với chuột: Tổ chức phát động nhân dân bắt diệt chuột, ưu tiên sử dụng các biện pháp thủ công và sử dụng thuốc sinh học để diệt chuột ngay từ đầu vụ sản xuất. Các địa phương hàng năm bị chuột gây hại nặng cần có chính sách hỗ trợ diệt chuột kịp thời, đồng loạt trên quy mô lớn.
- Đối với bệnh đạo ôn lá: Bệnh sẽ phát sinh gây hại sớm ngay từ giai đoạn mạ, gây hại nặng trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng. Trên ruộng mạ nếu bị bệnh nặng cần xử lí bằng thuốc đặc hiệu trước khi nhổ cấy từ 3 - 5 ngày. Từ giai đoạn lúa đẻ nhánh trở đi cần tăng cường công tác điều tra, phát hiện bệnh, đặc biệt chú ý trên các giống có mức độ nhiễm bệnh cao. Khi có tỷ lệ từ 3 - 5% số lá  bị bệnh trở lên gặp điều kiện thời tiết thuận lợi như (trời âm u, ẩm độ cao,...) cần giữ đủ nước trên ruộng, tạm dừng bón thúc đạm, phân bón lá và tiến hành phòng trừ ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.  
- Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt: Theo dõi sát điều kiện thời tiết giai đoạn lúa trỗ, nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại (trời âm u, ẩm độ cao, có mưa kéo dài, ...) nhất thiết phải tổ chức phun phòng trừ bệnh.
- Đối với bệnh bạc lá vi khuẩn: Chăm sóc bón phân cân đối ngay từ đầu vụ. Tổ chức nông dân phun phòng trừ sớm khi bệnh mới xuất hiện hoặc khi phát hiện có giọt dịch vi khuẩn vào giai đoạn lúa làm đòng trở đi, đặc biệt trên những vùng hàng năm thường bị bệnh gây hại nặng.
- Đối với sâu keo mùa thu hại ngô: Tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu keo ngay từ đầu vụ. Khuyến khích nông dân sử dụng các giống ngô chuyển gen để tăng khả năng chống chịu với sâu keo mùa thu. Theo dõi chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phun trừ trên những diện tích ngô giai đoạn sau gieo đến trỗ cờ có mật độ sâu non cao (từ 2 - 3 con/m2 trở lên, sâu ở tuổi 1 - 3).
- Đẩy mạnh thực hiện và mở rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong công tác khuyến nông bảo vệ thực vật như: Quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI); chương trình ba giảm ba tăng (ICM); chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM,...
- Thực hiện nghiêm túc quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 10/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo kết quả phòng trừ và sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Kiểm tra thủ tục kiểm dịch thực vật đối với các tổ chức cá nhân nhập khẩu và  kinh doanh giống cây trồng nhập nội, đồng thời phối hợp với các đơn vị sử dụng giống theo dõi tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sinh vật gây hại lạ, đối tượng kiểm dịch thực vật để kịp thời ngăn chặn không để lây lan.
2.3. Công tác thuỷ lợi
- Tổ chức tốt công tác thủy lợi bằng việc tu sửa, nạo vét kênh mương, công trình, thiết bị cơ điện, nạo vét kênh dẫn, bể hút các trạm bơm. Đảm bảo 100% các máy và công trình đều vận hành tốt phục vụ sản xuất.
- Đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi đang thi công và bố trí lịch cắt nước cụ thể, phù hợp để phục vụ tốt, kịp thời công tác tưới tiêu cho sản xuất.
- Tăng cường công tác quản lý vận hành công trình, tuyệt đối tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa nước và trạm bơm. Có kế hoạch phân phối nước hợp lý, áp dụng phương pháp tưới Nông - Lộ - Phơi và ưu tiên tưới vào thời kỳ lúa làm đòng - trỗ.  
- Có phương án chủ động đối phó khi hạn hán xẩy ra. Các địa phương, đơn vị lập kế hoạch tưới nước từ công trình thủy lợi cho các cây trồng theo tình hình nguồn nước hiện có để cơ cấu cây trồng hợp lý.
- Tăng cường các biện pháp tưới tiêu khoa học; Thực hiện tốt xã hội hóa công tác thủy lợi; Kết hợp biện pháp tưới với các biện pháp khác như tấp tủ, che bóng, ... Có kế hoạch sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm.
- Thực hiện tốt chính sách miễn thuỷ lợi phí theo quy định của nhà nước.
2.4. Công tác quản lý nhà nước chuyên ngành phục vụ sản xuất
Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thanh kiểm tra về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Sử dụng các giống đã được công nhận và có trong danh mục cơ cấu theo Đề án tổ chức sản xuất vụ Xuân 2020; sử dụng phân bón và thuốc BVTV nằm trong danh mục được phép lưu thông của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Các tổ chức, cá nhân đưa giống vào khảo nghiệm, xây dựng mô hình giống phải thực hiện đúng các quy định theo Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 và các quy định khác có liên quan.
2.5. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật; tăng cường công tác khuyến nông
- Tiếp tục đẩy mạnh việc đưa các giống mới vào khảo nghiệm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ,  các quy trình sản xuất tiên tiến, sản xuất nông sản, rau, củ, quả, chè an toàn theo SRI, IPM, VietGAP.
- Đối với các đơn vị cấp huyện, cấp xã có diện tích sản xuất lúa sử dụng nguồn kinh phí được cấp theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 và Nghị định 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP để xây dựng một số mô hình sản xuất lúa sử dụng phân bón theo khuyến cáo từ kết quả thực hiện nhiệm vụ “Điều tra lập bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất vùng trồng lúa tỉnh Nghệ An” được phê duyệt tại Quyết định số 1446/QĐ-UBND ngày 03/5/2019 của UBND tỉnh và xây dựng các mô hình hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
- Kết hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu khoa học để áp dụng kết quả các công trình nghiên cứu khoa học vào sản xuất, nhất là các công trình chọn lọc, tạo giống cây trồng.
- Tổng kết và nhân nhanh các mô hình sản xuất đạt năng suất, chất lượng tốt và hiệu quả cao.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu các mô hình đạt kết quả tốt, các tiến bộ kỹ thuật đã được khẳng định, các biện pháp thâm canh phòng trừ sâu bệnh hại có hiệu quả để nông dân hiểu và thực hiện.
2.6. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
- Rà soát, đánh giá lại hiệu quả của công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả cao.
- Xem xét diện tích hồ đập và các vùng khác nếu không đủ nước tưới cho cả vụ sản xuất hoặc vùng sản xuất lúa không an toàn, hiệu quả kém (vùng cuối kênh, bán sơn địa thường gặp hạn cuối vụ) thì chuyển sang trồng: Ngô, lạc, mía, rau màu và các loại cây trồng khác an toàn, hiệu quả hơn.
- Các địa phương căn cứ quy định tại Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 và Nghị định 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP để xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của năm 2020, sang các cây trồng khác hiệu quả phù hợp hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và tổ chức chỉ đạo triển khai có hiệu quả ngay từ đầu vụ Xuân 2020.
2.7. Tăng cường sự liên doanh, liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp
Các địa phương căn cứ vào các chính sách tại "Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/ 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp" "Nghị Quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về việc quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn" để tổ chức thực hiện và kêu gọi các doanh nghiệp liên kết ký hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân.
2.8. Cơ chế chính sách
- Thực hiện đầy đủ các chính sách của Chính phủ và tỉnh về hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các chính sách khác về hỗ trợ khắc phục thiên tai, phòng trừ dịch bệnh của UBND tỉnh.
- Ngoài các chính sách của Trung ương và tỉnh, các địa phương cần chủ động trích ngân sách, huy động mọi nguồn lực của địa phương để hỗ trợ, khuyến khích nông dân tăng cường đầu tư phát triển sản xuất.
III. Tổ chức thực hiện
3.1. Đối với Sở Nông nghiệp và PTNT: Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thành lập các đoàn chỉ đạo việc sản xuất, đoàn thanh, kiểm tra kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản phẩm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc; tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Đề án sản xuất vụ Xuân 2020; Đẩy mạnh việc mở rộng thực hiện các tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả, như: ICM, SRI, IPM, VietGAP,… Kịp thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến đề án vụ Xuân đến tận người dân. Chủ động công tác tưới tiêu, phòng chống hạn hán, thường xuyên nắm bắt tình hình, cập nhật tình hình sản xuất để tham mưu kịp thời các giải pháp chỉ đạo sản xuất đạt hiệu quả cao nhất. Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và các địa phương để tổ chức triển khai, thực hiện tốt công tác quản lý về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV, công tác kiểm dịch thực vật phục vụ sản xuất vụ Xuân 2020 trên địa bàn tỉnh, ...vv.
3.2. Đối với UBND các huyện, thành, thị: Trên cơ sở Đề án sản xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch và đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu, trình độ thâm canh sản xuất,... của địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện Đề án sản xuất vụ Xuân 2020 cụ thể, sát với thực tế của địa phương nhằm phát huy tối đa các lợi thế sẵn có. Đề án phải thể hiện sự phấn đấu cao, các chỉ tiêu phải vượt trội, các giải pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện phải tích cực, tập trung chỉ đạo quyết liệt về bố trí lịch thời vụ để đảm bảo sản xuất an toàn và hiệu quả cao.
3.3. Các đơn vị cung ứng, doanh nghiệp:
Căn cứ vào Đề án, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và cung ứng đủ giống, phân bón,... đảm bảo chất lượng và thực hiện tốt các quy định về quản lý giống, phân bón, ... của Nhà nước để phục vụ sản xuất.
Vụ Xuân là vụ sản xuất quan trọng trong năm và cũng là vụ thường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Do đó để dành thắng lợi cho sản xuất vụ Xuân 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các Cấp ủy, chính quyền UBND các huyện tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc nhất là chỉ đạo thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, cơ cấu giống và có các cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật đã được quy định tại Đề án. Các ban ngành chức năng, các đơn vị chuyên môn, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, ... trên cơ sở nhiệm vụ của mình chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2020. Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn dành thời lượng ưu tiên đặc biệt cho công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, các biện pháp kỹ thuật, biện pháp bảo vệ sản xuất để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất trồng trọt vụ Xuân năm 2020./.
                                                               Cao Xuân Tuấn - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a7-8.jpg a8-9.jpg a5-3.jpg a10-6.jpg a6-4.jpg a9-6.jpg a1-5.jpg anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a4.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây