Mô hình cải tạo vườn tạp trồng hành tăm cho thu nhập cao
Thứ hai - 18/11/2019 20:491.6750
Nghi Kiều là xã miền núi nằm ở cuối miền tây huyện Nghi Lộc, xã có diện tích rộng, theo đó diện tích vườn nhà của rất nhiều hộ gia đình nông dân cũng khá rộng. Tận dụng nguồn lợi đó, những năm gần đấy, nhiều hộ trên địa bàn xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) đã cải tạo vườn tạp để đưa cây hành tăm vào trồng trong vườn nhà, nhờ vậy loại cây này đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.
Chị Nguyễn Thị Nga (41 tuổi) ở xóm 13B, làng Xuân Hòa, xã Nghi Kiều, nhờ có diện tích đất vườn nhà rộng, trước đây gia đình đã trồng nhiều loại cây nhưng thu nhập không đáng kể. Mấy năm gần đây, chị đã cải tạo lại, chặt bỏ một số cây không cần thiết. Do vườn nhà nằm ở vị trí thấp, dễ đọng nước nên chị đã đổ đất nâng lên trên 10cm, rồi sau đó đầu tư giống, phân bón, thu gom lá thông để trồng hành. Để ngăn gà, ngan, vịt vào, chị đã mua lưới ni lông chằng bao 4 phía, cao 2m. Năm đầu tiên, gia đình chị trồng 230 m2 hành tăm, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật từ các lớp tập huấn chuyển giao KHKT của khuyến nông mở tại địa phương, nên diện tích hành tăm của gia đình chị phát triển tốt, cho thu nhập khá. Sau khi thu hoạch, chị để hành làm giống cho vụ sau và một số lượng hành để gia đình sử dụng quanh năm, còn phần lớn chị bán ra thị trường. Chỉ với 230m2 đất hành tăm, chị bán ra thị trường được 7 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, chị còn lãi ròng 6 triệu đồng. Hành tăm dễ tiêu thụ, thương lái đến thu mua tận nhà, giá trong vụ 30 ngàn đồng/kg, sau vụ thu hoạch giá hành tiếp tục tăng lên. Từ hiệu quả của cây hành tăm mang lại, năm nay, gia đình chị mở rộng diện tích trồng hành tăm trong vườn nhà lên 330m2, hiện tại vườn hành đã xanh tốt.
Vườn hành tăm của gđ ông Nguyễn Hữu Cần xã Nghi Kiều nghi Lộc
Cũng như chị Nga, ông Nguyễn Hữu Cần (54 tuổi) cùng xóm, diện tích vườn nhà của ông cũng khá rộng, dù đã thử với nhiều loại cây nhưng kinh tế không khá lên được, năm nay ông cải tạo lại để trồng 665m2 hành tăm. Biết áp dụng đúng kỹ thuật, và sự siêng năng cần cù trong lao động, nên hiện tai, diện tích hành của gia đình đang phát triển xanh tốt, ông vẫn tiếp tục chăm bón với niềm tin có một vụ hành bội thu. Không những chị Nga, ông Cần mà nhiều hộ gia đình nông dân trên địa bàn xã Nghi Kiều, những năm gần đây đều cải tạo vườn tạp để trồng cây hành tăm. Cây hành đã mang lại thu nhập cao cho người dân, nhờ biết khai thác và tận dụng thổ nhưỡng có sẵn mà nhiều hộ gia đình đã giàu lên từ loại cây này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho quê hương. Thiết nghĩ, từ mô hình này, cần được nhân rộng ra nhiều địa phương khác.