Trung tâm Khuyến nông Nghệ An triển khai thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Chủ nhật - 11/05/2025 21:45270
Triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2030 (Quyết định số 3108/QĐ-UBND ngày 11/10/2022 của UBND tỉnh), Trung tâm Khuyến nông đã bám sát đề án để xây dựng các chương trình, dự án khuyến nông hàng năm gắn với đề án của tỉnh và của trung ương, đồng thời phối hợp với các đơn vị và địa phương để triển khai thực hiện.
Mô hình mẫu sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An
Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã đề xuất và được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phê duyệt Dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại Nghệ An giai đoạn 2022 - 2024” với quy mô 10 ha với sự tham gia của 10 hộ dân tại xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn. Sau 3 năm thực hiện, dự án đã giúp bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ từ các khâu chăm sóc thâm canh; bón phân cân đối về dinh dưỡng, bón đúng cách, đúng thời điểm... Đặc biệt, mô hình hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh kết hợp kiểm soát tốt sâu bệnh bằng thuốc sinh học… nên toàn bộ diện tích chè của mô hình sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh hại, đất tơi xốp, búp ra đều, năng suất bình quân đạt 1,5-2,5 tấn/ha/lứa. Từ tháng 5/2021 đến tháng 12/2023, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai dự án “Xây dựng mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh Phía Bắc” với quy mô 8ha, 35 hộ tham gia, tại 2 bản Huồi Khả và Huổi Khe xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn trên cây chè Shan tuyết. Qua 03 năm triển khai, toàn bộ diện tích 8ha mô hình được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo TCVN 11041-6:2018, giúp cho các hộ đã nắm vững được kỹ thuật sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ; biết cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả trên cây chè và biết cách ghi chép sổ sách để theo dõi, quản lý quá trình sản xuất và truy nguyên nguồn gốc…
Mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn, Nghệ An.
Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông cũng đã triển khai Chương trình tập huấn sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ cho nông dân sản xuất hàng hoá, chủ trang trại, tổ viên tổ hợp tác, thành viên hợp tác xã. Năm 2023, tổ chức được 20 lớp; năm 2024, tổ chức được 22 lớp cho 1.320 học viên. Các học viên được hướng dẫn bộ tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN 11041:2017); Các nguyên tắc, yêu cầu đối với sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ; tiến hành thực hành đánh giá nội bộ theo bộ tiêu chí tại các trang trại.
Trung tâm Khuyến nông triển khai tập huấn hướng dẫn sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ cho nông dân sản xuất hàng hoá, chủ trang trại, tổ viên tổ hợp tác, thành viên hợp tác xã năm 2024 Cùng với đó, đã thực hiện nhiều phóng sự, chuyên đề, nhịp cầu nhà nông, các bài báo về kiến thức, kinh nghiệm, gương điển hình trong sản xuất hữu cơ nhằm nhân rộng mô hình… góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kinh nghiệm cho người sản xuất và bà con nông dân. Tuy nhiên, có những khó khăn, thách thức nhất định cho xây dựng cũng như triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Anh Nguyễn Văn Hữu – Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, là chủ nhiệm dự án sản xuất chè hữu cơ tại Bình Sơn, huyện Anh Sơn chia sẻ: “Sản xuất hữu cơ yêu cầu khắt khe, thời gian để chuyển đổi và cải tạo hệ sinh thái dài, chi phí đầu tư công lao động lớn; Các hộ tham gia nhận thức còn hạn chế, băn khoăn về thay đổi thói quen sản xuất như chuyển đổi từ hái máy sang hái thủ công bằng tay, các hộ còn nghi ngại, mặc dù hái tay cho hiệu quả cao hơn hái máy; Các loại vật tư đầu vào được phép dùng trong sản xuất chè hữu cơ như các loại phấn bón lá sinh học, thuốc BVTV sinh học, thảo mộc chưa phổ biến trên thị trường, một số thuốc nhãn ghi sinh học, nhưng hoạt chất sinh học đó lại ko được phép dùng đã gây khó khăn cho người dân khi tìm, lựa chọn vật tư để dùng; Giá cả các loại vật tư đầu vào được phép dùng trong sản xuất chè hữu cơ cao hơn nhiều so với vật tư có nguồn gốc hóa học; đặc biệt là việc xây dựng bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm chè Nghệ An chưa được chú trọng, chưa hình thành được các vùng nguyên liệu sản xuất chè chất lượng; Thị trường tiêu thụ nguyên liệu, đa số chưa có sự phân biệt giữa sản phẩm sản xuất theo hữu cơ với các sản phẩm sản xuất phi hữu cơ, nếu không tham gia mô hình liên kết, không có sự cam kết tham gia của các doanh nghiệp/HTX thì giá bán nguyên liệu sản xuất theo hữu cơ chưa thực sự hấp dẫn… Vì vậy, việc nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ gặp nhiều khó khăn”. Hiện tại, Nghệ An có diện tích các loại cây trồng đạt chứng nhận hữu cơ gồm: 10 ha cam tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương; 18 ha chè (tại xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn và xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn); 21,6 ha rau các loại (tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên; xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa; xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu; xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn); 8,37 ha Cây ăn quả (cây ổi và đu đủ tại xã Nghĩa Mỹ, Thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn); 22,7 ha cây dược liệu (tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu; xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên; xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn; HTX dược liệu Pù Mát, huyện Con Cuông). Ngoài ra trên địa bàn tỉnh hiện có 10 ha cam tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương được chứng nhận chuyển đổi hữu cơ năm thứ nhất và 6,4 ha rau tại huyện Nam Đàn và huyện Quỳnh Lưu được chứng nhận phù hợp định hướng hữu cơ. Để góp phần thực hiện thành công Đề án, Trung tâm Khuyến nông xác định vai trò quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền về kết quả của các mô hình nông nghiệp hữu cơ cũng như các nguyên tắc, yêu cầu đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo bộ tiêu chuẩn hữu cơ TCVN 11041:2017, các bước cần thiết khi xây dựng, sản xuất, đăng ký chứng nhận sản xuất hữu cơ, sản phẩm hữu cơ. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, tư vấn, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới./.
Nguyễn Hồng Giang Trung tâm Khuyến nông Nghệ An - nguồn TSKN