Thông qua dự án, giá trị cây lạc trên địa bàn Nghệ An được nâng cao rõ rệt. Ảnh: Ngọc Linh.
Vùng ven biển Bắc Trung bộ sở hữu tiềm năng đất đai và nguồn lao động nông nghiệp dồi dào. Dù vậy khu vực này chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nhất là hạn hán.
Để thích ứng, các địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, riêng cây lạc với khả năng chịu hạn đang được chọn là cây chủ lực, cho giá trị kinh tế cao. Nhằm phát huy tối đa tiềm năng của cây lạc, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Phát triển cộng đồng nông thôn (RDA) và Tổ chức Phát triển nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc (KOPIA) triển khai dự án thiết lập hệ thống sản xuất và phân phối hạt giống lạc ở Việt Nam, trong đó có tỉnh Nghệ An.
Nông dân được hưởng lợi lớn từ dự án. Ảnh: Ngọc Linh.
Giai đoạn 2017 – 2021, dự án đã xây dựng thành công mô hình 116ha sản xuất lạc giống, qua đó cung cấp nguồn giống chất lượng cho người dân và các tổ chức có nhu cầu. Nguồn giống đảm bảo, kết hợp áp dụng đúng quy trình sản xuất đã mang lại hiệu quả vượt trội, năng suất lạc đạt 2,5 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng hơn 20% so với canh tác truyền thống. Từ nền tảng đó, đến năm 2023, nông dân tỉnh Nghệ An đã nhân rộng mô hình sản xuất lạc giống lên 300ha.
Dự án còn đầu tư hệ thống sấy lạc giống, chế biến dầu lạc, trang thiết bị, máy móc làm đất, xây dựng đường điện nội đồng, đồng thời tổ chức tập huấn cho hơn 400 cán bộ kỹ thuật và nông dân. Những hoạt động thiết thực đó đã góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương và bà con nông dân về tầm quan trọng của giống lạc chất lượng cao, từ đó thúc đẩy đầu tư cho cây trồng này.
Năng suất lạc trong các mô hình của dự án tăng trung bình 56% so với canh tác truyền thống. Ảnh: Ngọc Linh.
Bà Nguyễn Thị Thủy ở xã Diễn Hoa (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Trước đây gia đình trồng lạc trên diện tích 4 sào, áp dụng cách sản xuất truyền thống nên năng suất không cao, đầu ra bấp bênh. Từ khi tham gia dự án, gia đình tôi được cung cấp giống, phân bón, nilon che phủ, được hướng dẫn thuần thục quy trình kỹ thuật.
Vui hơn cả là sản phẩm được bao tiêu, nhà nông chúng tôi không còn canh cánh nỗi lo được mùa mất giá, được giá mất mùa. Quá trình sản xuất nhận thấy giống lạc L20 sinh trưởng tốt, chống chịu hạn khá, cho năng suất vượt trội so với các giống lạc trước đây. Mỗi năm gia đình triển khai 2 vụ lạc, mỗi vụ lãi 18 triệu đồng, thu nhập tốt hơn hẳn các cây trồng khác”.
Ông Cho Myoung Rae, Giám đốc KOPIA Việt Nam đánh giá cao kết quả của dự án trong giai đoạn 2017 – 2021. Ảnh: Ngọc Linh.
Ông Cho Myoung Rae, Giám đốc KOPIA Việt Nam đánh giá cao kết quả của dự án trong giai đoạn 2017 – 2021. Dự án đã xây dựng thành công các mô hình trình diễn và tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, giúp nông dân tiếp cận với bộ giống chất lượng cao và quy trình canh tác tiên tiến, từ đó gợi mở hướng đi mới đầy tiềm năng.
Để kế thừa và nhân rộng kết quả dự án, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã thảo luận với KOPIA tiếp tục đề xuất RDA tài trợ thực hiện dự án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất cây lạc tại các tỉnh Bắc Trung bộ. Đây là giai đoạn mở rộng của dự án, dự kiến triển khai trong 5 năm (2024 - 2028) tại 4 tỉnh vùng Bắc Trung bộ là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Dự án “Phổ cập giống lạc chất lượng cao cho vùng khô hạn và nâng cao giá trị gia tăng cây lạc ở Việt Nam” vừa được khởi động tại tỉnh Nghệ An. Ảnh: Ngọc Linh.
Chủ trương này nhận được sự đồng tình cao từ các cơ quan chuyên môn của Chính phủ Hàn Quốc. Mới đây, lễ khởi động dự án “Phổ cập giống lạc chất lượng cao cho vùng khô hạn và nâng cao giá trị gia tăng cây lạc ở Việt Nam” đã được tổ chức tại Nghệ An.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ngành nông nghiệp đứng trước nhiều thách thức. Đồng thời tin tưởng việc chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng kết quả nghiên cứu của cơ quan chủ trì dự án phía Hàn Quốc (KOPIA), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung bộ, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và nông dân trong 4 tỉnh hưởng lợi dự án sẽ tiếp nối thành công.
Năng suất, chất lượng, giá trị cây lạc ở các tỉnh vùng Bắc Trung bộ sẽ tiếp tục được nâng cao trong thời gian tới với sự hỗ trợ của dự án. Ảnh: Ngọc Linh.
“Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để triển khai hiệu quả dự án, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi mạnh mẽ. Giai đoạn 2024 – 2028, kỳ vọng giống lạc chất lượng cao sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu cho người dân tại các tỉnh Bắc Trung bộ. Mục tiêu dài hạn là hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ổn định, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước”, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, dự án có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển chung của ngành nông nghiệp, trong đó Nghệ An là tỉnh được hưởng lợi. Để triển khai dự án hiệu quả hơn trong giai đoạn mới, đòi hỏi phải tăng cường công tác chỉ đạo, xây dựng phương án tổ chức thực hiện sát thực tiễn nhằm đảm bảo đúng tiến độ.
Ký kết biên bản ghi nhớ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lạc giữa các đơn vị chủ trì dự án cùng Công ty TNHH Nông lâm thủy sản Sỹ Thắng và HTX nông nghiệp Diễn Hoa. Ảnh: Ngọc Linh.
Giai đoạn 2024 - 2028, dự án “Phổ cập giống lạc chất lượng cao cho vùng khô hạn và nâng cao giá trị gia tăng cây lạc ở Việt Nam” sẽ tập trung vào 4 mục tiêu trọng tâm gồm: Phổ cập giống lạc chất lượng cao tại các vùng khô hạn thông qua các mô hình trình diễn và chuyển giao kỹ thuật; phát triển chuỗi giá trị lạc bền vững với các sản phẩm chế biến cho giá trị gia tăng; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và mô hình canh tác tiên tiến đến với nông dân và cán bộ kỹ thuật tại địa phương; tăng cường liên kết giữa nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ; tạo nền tảng để nhân rộng mô hình sang các địa phương khác, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ổn định và có khả năng cạnh tranh cao.
Ngọc Linh - Việt Khánh - Thứ Năm, 15/05/2025 , 09:22 (GMT+7) - nguồn nongnghiepmoitruong.vn
Ý kiến bạn đọc