Nâng cao chất lượng các mặt hàng hải sản

Thứ ba - 01/12/2020 03:09 691 0
Diễn Châu (Nghệ An) là huyện  có bờ biển dài 25 km, với vùng ngư trường rộng lớn, có nguồn lợi thủy, hải sản đa dạng, cửa sông, cửa biển ven bờ có khả năng nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Mục tiêu của huyện là chú trọng thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển, trong đó xây dựng thương hiệu hải sản được xác định là khâu then chốt. Toàn huyện đã sửa chữa, đóng mới hơn 1.500 tàu thuyền, trong đó có 280 tàu xa bờ, mỗi năm đánh bắt hơn 40.000 tấn hải sản các loại, trong đó có hơn 20.000 tấn làm nguyên liệu để chế biến làm hàng xuất khẩu và cung ứng ra các thị trường phía Bắc.
Nâng cao chất lượng các mặt hàng hải sản
Xác định thế mạnh nổi bật của kinh tế biển là nuôi trồng, đánh bắt, chế biến  thủy, hải sản, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho bà con ngư dân 9 xã ven biển, UBND huyện Diễn Châu chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với trung tâm khuyến nông tỉnh, viện giống cây trồng Bắc Trung Bộ mở hàng chục cuộc tập huấn nuôi trồng, chế biến hải sản, thu hút hơn 15.000 lượt người tham gia. Đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hàng chục mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, cá vược, cua biển, tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính ở các xã Diễn Trung, Diễn Yên, Diễn vạn,Diễn Thịnh, Diễn Hồng. Dựa trên các tiêu chí cần thiết về quy hoạch sản xuất, chất lượng sản phẩm, huyện ưu tiên phát triển thương hiệu trên nhiều mặt hàng hải sản như nước mắm cốt 30 độ đạm trở lên, sứa, mực khô, cá đông lạnh, cá nướng và gần đây là tôm nõn đã khẳng định thương hiệu trên thị trường. Điển hình là công ty cổ phần thủy sản Vạn phần Diễn Châu, mỗi năm sản xuất chế biến tiêu thụ  trên một triệu lít nước mắm với độ đạm từ 26 độ đến 30 độ đem lại doanh thu 12 tỷ đồng. Hiện công ty có 240 đại lý trên khắp cả nước, từng lập kỷ lục xuất khẩu sang thị trường Malaisia với số lưownjg 18.000 lít. Công ty đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 56727. Tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam cũng đã cấp mã số mã vạch 89350520 theo quy định của Hiệp hội mã vạch quốc tế cho sản phẩm của công ty. Việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận tập thể “Nước mắm Vạn Phần” dùng cho sản phẩm nước mắm của huyện Diễn Châu nhằm bảo vệ uy tín, nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nước mắm Diễn Châu trên thị trường, góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho hàng trăm hộ dân. Hiện tại, Diễn Châu có 6 làng nghề chế biến nước mắm, 20 cơ sở thu mua chế biến sứa, tôm, mực, cá đông lạnh và 4 làng nướng cá ở các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Thịnh, Diễn Vạn, Diễn Kim.
Bà con ngư dân xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu ( Nghệ An) làm vệ sinh ao đầm trước khi nuôi thả tôm năm 2019
          Xã Diễn Bích có 90% số hộ chuyên đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản và sản xuất muối sạch. Hiện tại, xã có 245 tàu thuyền, trong đó có 75 đôi tàu có công suất từ 90W đến 460W, mỗi năm khai thác tiêu thụ 9.000 tấn hải sản, các loại, sản xuất chế biến tiêu thụ 2 triệu lít nước mắm và hơn 3.000 tấn muối sạch. Ông Lê Văn Huy, kiện tướng đánh bắt hải sản của xã cho biết: “Nhận thấy có tàu to máy lớn thì mới vươn khơi xa đánh bắt được nhiều cá to, cá ngon. Năm 2015, tôi mạnh dạn đầu tư 1,6 tỷ đồng đóng một con tàu 400W, tạo việc làm cho 7 thuyền viên. Nhờ vậy, sản lượng hải sản tăng gấp 4 lần tàu cũ, với hơn 250 tấn hải sản mỗi năm, giá trị 7,2 tỷ đồng. Trừ chi phí và trả công cho 7 thuyền viên, gia đình còn thu 1,2 tỷ đồng/năm”. Cũng nỗ lực làm giàu, ông Trần Ngọc Tân ở xóm Quyết Thành lại chọn lối đi riêng. Ông Tân cho biết “Doanh nghiệp của tôi thắng lợi năm 2009, tạo việc làm cho 9 lao động, trả lương từ 5 -7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc kinh doanh cung ứng xăng dầu, tôi mở nhà máy đông lạnh thu mua chế biến tôm, mực cung ứng ra các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng. Tôi hiệp đồng cung ứng xăng dầu, đá lạnh cho các chủ tàu, còn các chủ tàu bán lại hải sản cho tôi làm nguyên liệu. Bình quân mỗi năm tôi cung ứng hơn 70m3 xăng dầu và mua lại của các chủ tàu 300 tấn tôm, mực. Bằng cách làm này, mỗi năm doanh nghiệp thu hơn 1 tỷ đồng”. Ở xóm Hải Trung, ai ai cũng khen ông Nguyễn Viết Sinh, người có chí làm giàu bằng nghề truyền thống của ông cha để lại. Ông Sinh kể chuyện: “Được tập huấn kỹ thuật chế biến hải sản do huyện và xã mở, ngân hàng cho vay vốn và vốn vợ chồng tích góp được, tôi mở cơ sở chế biến nước mắm ngay tại vườn nhà. Thu nhập ổn định, mỗi năm cung  ứng ra thị trường hơn 18.000 lít nước mắm mang thương hiệu Vạn Phần. Hiện tại, gia đình tôi có của ăn của để, làm được nhà cửa khang trang, nuôi con học tập tiến bộ. Năm 2013 đến nay, gia đình tôi được xã tôn vinh hộ sản xuất kinh doanh giỏi”.
          Mang niềm vui của những ngư dân xã Diễn Bích chiến thắng giặc nghèo, vươn lên làm giàu từ đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Đến xã Diễn Trung, gặp bí thư đảng ủy Ngô Lân, ông vui vẻ cho biết: “Ngày xưa đến xứ ngâm bàng, đập ráng của xã Diễn Trung, người ta chỉ biết vùng đất này là một miền cát trắng. Bây giờ cả vùng đất hoang mạc  rộng 50 ha đã biến thành vương quốc của tôm, trở thành vùng nuôi trồng thủy, hải sản hàng hóa cho thu nhập cao nhất, nhì của tỉnh Nghệ An. Hiện tại xã đã thành lập làng nuôi tôm tập trung, có  47 hộ nuôi, với diện tích gần 50 ha, mỗi năm thu hơn 70 tấn tôm hàng hóa, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng. Người nuôi tôm giỏi nhất xã là anh Ngô Xuân Đại, mỗi năm nuôi 3 ha  tôm thẻ chân trắng, thu từ 3 – 4 tỷ đồng. Trừ chi phí và trả tiền công cho 4 lao động, anh Đại còn nắm trong tay hơn 2 tỷ đồng. Chỉ tính con tôm và con gà công nghiệp nuôi theo hướng VietGrap, mỗi năm toàn xã thu từ 45- 47 tỷ đồng. Hai mặt hàng thực phẩm tươi sống này được thị trường chấp nhận, thương lái đến tận trại để mua với số lượng lớn”.
          Xây dựng thương hiệu hải sản được huyện và 9 xã ven biển xác định là khâu then chốt. Bởi vậy, ngay sau khi sản phẩm nước mắm Vạn Phần  đoạt giải Bạc, giải chất lượng Việt Nam, đoạt cúp vàng thủy sản Việt Nam lần thứ nhất năm 2009, UBND huyện Diễn Châu xây dựng mô hình sản xuất chế biến tôm nõn ở xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc. Hiện xóm có 7 cơ sở chế biến, bình quân mỗi cơ sở có từ 30 – 40 hộ tham gia. Mỗi tháng thu mua 100 tấn tôm tươi, chế biến trên 8 tấn tôm nõn thành phẩm, thu 4,8 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 50 lao động nữ. Chị Đào Thị Kim Oanh, chủ một cơ sở cho biết: “Để có sản  phẩm tôm nõn đạt chuẩn, trước tiên phải có tôm tươi sống, được mua ngay trong ngày, về rửa sạch, tách vỏ. Sau đó rừa lần 2 bằng nước muối pha loãng, sấy bằng lửa than nóng đều đến lúc tôm khô cong đỏ thơm là được. Sản phẩm đóng gói, hoặc bảo quản tại kho đông lạnh. Bình quân mỗi tháng, tôi thu mua 10 tấn tôm tươi, chế biến thành 8 tấn tôm nõn thành phẩm, bán với giá 600.000 đồng/kg, mang về cho cơ sở hàng trăm triệu  đồng”. Được biết đầu năm 2018, khi tôm nõn Diễn Châu được sở khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An công nhận thương hiệu tôm nõn tập thể  thì mặt hàng ngày được các nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò ký hiệp đồng đặt mua với số lượng lớn. Khách về Diễn Châu tham quan, nghỉ dưỡng, con em xa quê về thăm cũng tìm đến các cơ sở chế biến mua mỗi người vài ba kg để làm quà. Huyện chỉ đạo động viên các chủ hộ nuôi và chế biến tôm, 280 chủ tàu đánh bắt hải sản xa bờ tập trung đầu tư nuôi trồng, đánh bắt, chế biến mặt hàng tôm nõn, phấn đấu mỗi năm thả 200 ha tôm thẻ chân trắng, cùng với khai thác đánh bắt 2.600 tấn tôm từ biển và trên dòng sông Bùng, kênh Nhà Lê, kênh Vách Bắc để chế biến cung ứng ra thị trường. Còn 4 làng nghề nướng cá, với hơn 650 lao động nữ thì thu mua các loại cá ngon giàu đạm như cá thu, cá bạc má, cá thửng, cá chim, cá trích để làm mặt hàng cá nướng thơm ngon, xuất bán lên các huyện trung du, miền núi của tỉnh. Các mặt hàng hải sản Diễn Châu như nước mắm cốt, muối i ốt, bột cá, tôm mực khô, cá sứa đông lạnh còn theo xe khách, xe tải ngược quốc lộ 7A sang phục vụ cho bà con các bộ tộc Lào.
          Hải sản Diễn Châu qua chế biến đã giúp cho hàng chục nghìn hộ dân ở 9 xã ven biển xóa nghèo bền vững, vươn lên làm giàu tại quê. Con số 40.000 tấn hải sản, 5.000 tấn cá, tôm, cua nuôi thả, cùng với chế biến tiểu thụ hơn 10 triệu lít nước mắm mang thương hiệu Vạn Phần đã nói lên điều đó. Đến cuối năm 2018, toàn huyện đã có hơn 80 cơ sở gia đình, doanh nghiệp sản xuất chế biến nước mắm, cá tôm, sứa và các sản phẩm khô hải sản được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an tòa thực phẩm. Từ những xóm nghèo ven biển trước đây nay trở nên trù phú yên vui, với hơn 80% hộ sản xuất kinh doanh giỏi, cho thu nhập từ 120 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng hộ/năm. Ngoài việc đánh bắt cá 40.000 tấn hải sản, nuôi thả hơn 200 ha tôm, cua sản xuất mỗi năm 9.000 tấn muối sạch, các xã ven biển Diễn Châu còn sản xuất mỗi năm hơn 13.000 tấn nông sản, trong đó có hơn 10.000 tấn lạc hàng hóa, nuôi 30.000 con gia súc, không những xóa đói giảm nghèo mà còn nâng cao đời sống người dân với mức thu nhập bình quân 45 triệu đồng/người/năm. Hai xã Diễn Thịnh, Diễn Thành đạt chuẩn nông thôn mới, có mức thu nhập bình quân từ 50 – 55 triệu đồng/người/năm.

 
Vũ Thị Vinh
Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây