Khuyến nông Nghệ An: Nhìn lại sau 9 năm đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

Thứ ba - 03/03/2020 20:13 1.685 0
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3846/QĐ.UBND ngày 30/8/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Trung tâm khuyến nông là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, được bổ sung chức năng nhiệm vụ đào tạo nghề và cấp giấy chứng nhận nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 5918/QĐ.UBND ngày 30/12/2011 từ năm 2011.
Khuyến nông Nghệ An: Nhìn lại sau 9 năm đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn
Nhìn lại sau 9 năm thực hiện (2011-2019) đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT do Trung tâm khuyến nông thực hiện đã cơ bản đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận. Chương trình này đã tạo cơ hội cho LĐNT được học nghề nông nghiệp ngay tại địa phương phù hợp với trình độ, năng lực, điều kiện sản xuất và nhu cầu ngành nghề cần học. Đồng thời giúp LĐNT có thêm kiến thức và kỹ năng trong sản xuất nông nghiệp. Tạo đà từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất làm tăng thu nhập, hiệu quả kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định cuộc sống người dân.
          Những kết quả đạt được:
- Về công tác chỉ đạo, điều hành: Để thực hiện tốt công tác dạy nghề, Trung tâm đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế, hướng dẫn áp dụng thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT thuộc hệ thống khuyến nông. Quá trình tổ chức đào tạo đều có sự kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết hàng năm để đánh giá chất lượng hiệu quả đào tạo nghề.
- Về giáo trình: Thực hiện hướng dẫn số 72/BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và XH, Trung tâm tiến hành xin cấp phép 20 nghề nông nghiệp cần đào tạo (Trồng trọt 10 nghề, Chăn nuôi 3 nghề, Lâm nghiệp 4 nghề và Thuỷ sản 3 nghề) và biên soạn, hiệu chỉnh được 20 bộ giáo trình để sử dụng, phục vụ cho dạy nghề. Thời gian bình quân từ 2-3 tháng/ nghề (tính theo ngày thực dạy), nội dung bộ giáo trình có sự điều chỉnh theo hướng thời lượng thực tiễn, thực hành hướng dẫn các kỹ thuật cụ thể, có nhiều hình ảnh minh họa để dễ học tập, áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
- Về đội ngũ giáo viên: Trung tâm khuyến nông đã chuẩn hoá cho 158/206 cán bộ (đạt tỷ lệ 76,6%) nhằm đảm bảo đủ điều kiện cho các giáo viên thực hiện dạy nghề, trong đó có 52 người có nghiệp vụ sư phạm106 người kỹ năng dạy học.
- Về kết quả đào tạo: Để đạt được hiệu quả và chất lượng theo yêu cầu, hàng năm Trung tâm đã chủ động giao cho các Trạm khuyến nông huyện/Thành phố/Thị xã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác tuyển sinh, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Các lớp đều có thời khóa biểu, lịch dạy hàng ngày hàng tuần nhằm đảm bảo theo đúng tiến độ và yêu cầu đề ra. Mỗi lớp dạy nghề đều có cán bộ quản lý, tổ chức lớp học phụ trách, có quy định rõ nội quy cho từng lớp học. Công tác theo dõi quản lý học viên lên lớp, cập nhật, ghi chép sổ sách cũng được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc đúng nội quy, quy định. Nội dung giảng dạy, thực hành đều xuất phát từ nhu cầu người học và có sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tính đến nay đã đào tạo được 11/20 nghề với 188 lớp, 5.931 học viên tham gia (nữ 4.083/5.931 chiếm 68,8%); trong đó có 48 lớp chăn nuôi lợn, 54 lớp chăn nuôi gà, 16 lớp chăn nuôi bò, 25 lớp sản xuất rau, 08 lớp trồng cam, 04 lớp trồng mía, 05 lớp trồng hoa,  01 lớp trồng nguyên liệu giấy, 01 lớp nuôi cá truyền thống, 18 lớp trồng nấm và 8 lớp trồng chè. Số học viên tốt nghiệp sau học nghề là 5.471/5.931 người đạt 92,2% (nữ 3.824/5.471 người chiếm 69,9%).  
- Về hiệu quả sau đào tạo: Với phương thức truyền đạt kiến thức theo modul và thời lượng thực hành được bố trí chiếm 80-85% chương trình học, nên đảm bảo kết thúc khóa học có 85-90% học viên áp dụng được ngay kiến thức lý thuyết, thực hành vào thực tế sản xuất. Số người sau học nghề tiếp tục duy trì, chủ động phát triển sản xuất từ nghề được học cho thu nhập kinh tế tăng thêm so với trước khi chưa học đạt trên 70%.
Với kết quả đạt được từ việc đào tạo nghề nông nghiệp trên đã giúp cho LĐNT nắm vững kiến thức, kỹ năng tay nghề, biết áp dụng quy trình, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo ra việc làm mới nghề mới cho gia đình và địa phương, từng bước phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập kinh tế. Nhất là đối đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo sau khi được học nghề giúp họ tăng thêm quyết tâm, tự tin để đầu tư, phát triển sản xuất, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững. Nổi bật một số huyện điển hình trong công tác tổ chức, thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT trong tỉnh như huyện huyện Yên Thành (19 lớp), Diễn Châu (18 lớp), huyện Thanh Chương (15 lớp), huyện Tân Kỳ (15 lớp), Thành phố Vinh (15 lớp). Các nghề được nhiều người dân có nhu cầu tham gia học tập chủ yếu là chăn nuôi gà 54 lớp, lợn 48 lớp, sản xuất rau an toàn 25 lớp, trồng nấm 18 lớp; 4 nghề này chiếm tới 77,12% tổng số lớp nghề được đào tạo. Chính từ công tác đào tạo nghề đã góp phần từng bước tạo nên vùng, địa phương sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng nấm tại huyện Yên Thành; trồng cam tại huyện Con Cuông, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn; trồng chè tại huyện Thanh Chương, Con Cuông; trồng rau an toàn, nuôi lợn, nuôi gà tại huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Thành phố Vinh; đặc biệt các nghề chăn nuôi đã thu hút được nhiều người học và đều đem lại hiệu quả kinh tế từ việc mở rộng quy mô, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.
Với những kết quả đạt được, song công tác dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT vẫn còn bộc lộ một số hạn chế bất cập như: Công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, lựa chọn nghề đào tạo ở một số nơi chưa thực sự sát với nhu cầu, quy hoạch cây con truyền thống hoặc chủ lực của địa phương. Học viên trong lớp học nghề có nhiều độ tuổi, trình độ khác nhau, chưa gắn dạy nghề với mô hình khuyến nông, gai đoạn sinh trưởng cây con nên ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu, chất lượng đào tạo. Chưa chủ động liên kết, liên doanh với doanh nghiệp để hỗ trợ học viên trong quá trình dạy nghề, giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm. Kinh phí hỗ trợ học nghề tuy đã được điều chỉnh nhưng vẫn còn thấp, thời gian học tập thường dài (gần 3 tháng) đã ảnh hưởng đến tính chuyên cần của người học, đặc biệt là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đội ngũ giáo viên được đào tạo cơ bản về kỹ năng, nghiệp vụ nhưng vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý và giảng dạy. Trang thiết bị, cơ sở vật chất, phục vụ học lý thuyết và thực hành chưa thực sự đa dạng, đầy đủ,..vv.
Một trong những phương pháp tốt nhất hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân đó là dạy nghề mới giúp nông dân có kiến thức và kỹ năng thực hành một cách đầy đủ hơn để áp dụng vào thực tế sản xuất. Qua khảo sát cho thấy nhu cầu học nghề nông nghiệp của LĐNT tỉnh Nghệ An còn rất lớn, nhất là đối với đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa với mong muốn chính đáng, thiết thực là được học một nghề nông nghiệp để phát triển sản xuất, tăng thu nhập từ nông nghiệp ngay tại địa phương. Đồng thời cũng từ những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế dạy nghề nông nghiệp 9 năm qua của Trung tâm khuyến nông cho thấy để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cần thực hiện tốt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đó là:
Thứ nhất, Chính quyền các cấp, các ban ngành cần quan tâm chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, làm tốt công tác quy hoạch nghề cần đào tạo đối với từng vùng, từng địa phương. Hướng dẫn, tư vấn cho người học nghề trong việc lựa chọn và giải quyết việc làm sau đào tạo, ưu tiên định hướng những nghề truyền thống, có thế mạnh và cho giá trị hiệu quả kinh tế cao.
Thứ hai, điều kiện tiên quyết của dạy nghề là phải xuất phát từ mong đợi của người học, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm sau học nghề làm ra, phải gắn dạy nghề với mô hình trình diễn, thời vụ, giai đoạn sinh trưởng phát triển từng cây, từng con để thực hành, rèn luyện tay nghề cho người học mới đem lại hiệu quả cao.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề thường xuyên phải tự trau dồi nghiệp vụ, chuyên môn để nâng cao năng lực, chất lượng dạy học và rèn luyện tay nghề cho người học. Tạo điều kiện khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý cùng tham gia, hỗ trợ xây dựng giáo trình, giáo án và dạy nghề. Cơ sở đào tạo tăng cường đầu tư trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng đầy đủ, tạo môi trường học tập tốt nhất để học lý thuyết và thực hành.        
Thứ tư, khi đào tạo nghề cần chủ động liên kết với các công ty, nhà máy, doanh nghiệp để hỗ trợ học tập, tạo việc làm và tiêu thụ sản phẩm làm ra cho người học nghề, nhất là việc hình thành nên nhóm, tổ, hợp tác xã để chủ động tìm kiếm cơ hội liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Nhất quyết không tổ chức dạy nghề khi chưa dự báo được làm nghề sẽ học và khả năng tiêu thụ sản phẩm làm ra sau khi học nghề.
Thứ năm, tạo điều kiện cho người sau học nghề được tiếp cận, tham gia các chương trình, dự án, mô hình phát triển sản xuất hoặc vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, khuyến khích, thu hút được nhiều lao động nông nghiệp tham gia và duy trì, phát triển nghề bền vững sau khi học.
Có thể nhận định rằng, sau 9 năm Trung tâm khuyến nông Nghệ An tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT theo Quyết định 1956/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được nhiều thành đáng ghi nhận, đội ngũ cán bộ khuyến nông ngày càng được chuẩn hóa, nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm; đa dạng hóa thêm nội dung hoạt động khuyến nông; tăng tỉ lệ lao động nông nghiệp được học nghề, góp phần tạo ra cho các địa phương nguồn nhân lực nông nghiệp có kiến thức, kỹ năng tay nghề cao, giàu kinh nhiệm để đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo thêm nhiều việc làm mới, nghề mới, vùng sản xuất chuyên canh, chuyên cây cho thu nhập kinh tế cao và bền vững, góp phần sớm hoàn thành các chương trình mục tiêu Quốc gia: xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ổn định kinh tế - xã hội và đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An./.

                            
            Vườn thực hành nghề trồng hoa                                              Thực hành hướng dẫn nông dân
         tại xã Nam thanh huyện Nam Đàn                                               
                     phối trộn phân bón
                                                                   Cao Tuấn - Trung tâm Khuyến nông nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a4.jpg a8-6.jpg a5-3.jpg a2-3.jpg a6-4.jpg a1-4.jpg a7-6.jpg a13-1.jpg a9-1.jpg a15-3.jpg a10-1.jpg a7-2.jpg a11-3.jpg a12-3.jpg a8-2.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây