Thứ tư, 21/05/2025, 12:01

Mô hình đa dạng hoá nông nghiệp ở Xá Lượng, huyện Tương Dương

Thứ tư - 21/05/2025 05:21 8 0
Xã Xá Lượng thuộc huyện vùng cao Tương Dương, tỉnh Nghệ An, là địa bàn sinh sống của người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Thái, người Khơ Mú, người Mông và người Kinh. Sinh kế của người dân ở Xá Lượng chủ yếu là dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Mô hình đa dạng hoá nông nghiệp ở Xá Lượng, huyện Tương Dương
Ở Xá Lượng, định hướng phát triển nông nghiệp là lựa chọn sự đa dạng hoá cơ cấu cây trồng - vật nuôi bản địa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp, các dự án nông nghiệp từ các loại cây - con giống mới nhằm nâng cao năng suất, chất và sản lượng.
Bản Khe Ngậu của người Thái ở Xá Lượng
Phát triển nông nghiệp từ cây, con bản địa
Trước hết là phát triển cà ngọt Khe Ngậu thành sản phẩm hàng hóa để cung cấp cho thị trường. Cà ngọt Khe Ngậu là giống cà bản địa, cây cà có nhiều cành và nhiều nhánh. Giống cà này được người Thái ở Khe Ngậu trồng lâu đời. Hiện tại, bản Khe Ngậu có hơn 10ha diện tích đất trồng cà ngọt. Một điều đặc biệt là loại cà này ngon nhất khi được trồng ở bản Khe Ngậu. Để chuẩn bị cho việc phát triển nông nghiệp hàng hóa, chính quyền cùng người dân thành lập Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cà ngọt Khe Ngậu theo quyết định của UBND xã vào cuối năm 2020. Sau đó, cà ngọt Khe Ngậu đạt được tiêu chuẩn Sản phẩm nông nghiệp tốt Việt Nam (VietGAP). Từ cuối năm 2021, Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cà ngọt Khe Ngậu không ngừng phát triển. Có 58 hộ gia đình trong bản tham gia vào Tổ hợp tác, sản lượng cà ngọt cung cấp cho thị trường hàng năm lên đến gần 85 tấn, thu về doanh thu hơn 840 triệu đồng, trừ các chi phí đầu tư thì lợi nhuận đạt hơn 700 triệu đồng. Cuối năm 2021, cà ngọt Khe Ngậu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được mở rộng ra nhiều thị trường hơn.
Giống cà ngọt tại Khe Ngậu
Thứ hai là phát triển giống xoài bản địa để cung cấp cho thị trường. Xoài bản địa này cây cao lớn, phù hợp với khí hậu nên đã phát triển từ lâu. Nhưng trước đây, các hộ gia đình chỉ trồng một số cây, chủ yếu là để lấy quả ăn trong gia đình là chính, chưa phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Một hạn chế lớn nhất trong việc phát triển giống xoài bản địa là khả năng chống chịu sâu bệnh kém. Do đó, nhiều khi ra nhiều hoa và nhiều quả nhưng dễ bị sâu bệnh và hư hại phần lớn mà chưa cho thu hoạch. Nhận thấy vùng đất ở bản Cửa Rào 2 và bản Thạch Dương thuận lợi cho việc trồng xoài nên chính quyền và người dân đã quy hoạch phát triển giống xoài bản địa để cung cấp cho thị trường ở hai bản này. Khoảng 2000 gốc xoài đã được nhân giống và trồng mấy năm nay. Đến nay đã bắt đầu thu hoạch được. Để khắc phục hạn chế về sâu bệnh, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với Viện cây ăn quả nhằm lai ghép xoài và tìm cách phòng chống sâu bệnh hại.
Trong chăn nuôi, Xá Lượng tập trung vào chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, dê và một số loại gia cầm khác. Hiện tại, đàn vật nuôi của Xá Lượng khá lớn. Tổng đàn trâu là 552 con, đàn bò là 2.348 con, đàn lợn có 2.990 con, đàn dê đạt 1.300 con, đàn gia cầm đạt 40.115 con. Khác với nhiều nơi mang về nhiều giống vật nuôi mới, Xá Lượng tập trung vào các giống trâu, bò, lợn, gà, dê bản địa. Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi lợn thịt giống bản địa ở bản Xiêng Hương. Lâu nay, người dân ở Xá Lượng chủ yếu nuôi lợn bản địa với hình thức chăn thả, trước đây chủ yếu thả rông, sau này thả trong vườn hoặc làm chuồng nhốt, chủ yếu dựa vào các phế phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi. Gần đây, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nên nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi lợn giống bản địa nhưng cách thức chăn nuôi khác hơn: Làm chuồng trại và thức ăn chăn nuôi gồm cả phế phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với thức ăn công nghiệp. Ban đầu chỉ một số hộ tham gia, sau đó tăng lên 40 hộ và hiện tại có 80 hộ trong tổng số 120 hộ trong bản đã tham gia mô hình nuôi lợn thịt với đàn lợn từ 10 con trở lên. Thu nhập từ nuôi lợn cũng tăng lên khi giá lợn ổn định thì mỗi gia đình thu nhập từ 40 triệu đến 100 triệu một năm.
Nuôi  lợn bản địa tại địa phương
Phát triển nông nghiệp từ các loại cây trồng mới
Đầu tiên là phát triển cây sắn cao sản. Việc trồng sắn cao sản làm nguyên liệu chỉ mới được thực hiện trong mấy năm gần đây. Từ năm 2018, lãnh đạo xã Xá Lượng đã đưa người dân đi khảo sát, tham quan và học hỏi về trồng sắn cao sản ở xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn. Sau chuyến tham quan, đã phối hợp với công ty tiêu thụ để tổ chức tập huấn cho người dân. Ban đầu, công ty hỗ trợ cây giống sắn cao sản cho người dân để trồng, sau đó người dân tự nhân giống lên theo cách đơn giản nhất là lấy thân cây để trồng tiếp. Sau vài năm, diện tích sắn cao sản tăng lên nhanh chóng, và đạt đến 165ha trên toàn xã, cung cấp hàng trăm tấn sắn bán cho công ty và một số thương lái, tạo ra một khoản thu nhập lớn cho người dân.
Thứ hai là phát triển cây dứa để cung cấp cho thị trường. Đất đai ở Xá Lượng khá dốc, khí hậu phù hợp với việc trồng dứa. Vì vậy, chính quyền xã đã đưa người dân đi tham quan học tập mô hình trồng dứa tại huyện Quỳnh Lưu nhằm khảo sát đưa giống dứa về trồng tại địa phương. Địa bàn ở Xá Lượng có nhiều nơi phù hợp cho việc trồng dứa. Người dân đã lấy cây giống dứa từ Quỳnh Lưu về trồng trong khoảng 6 năm qua. Ban đầu chỉ trồng thí điểm trên một diện tích nhỏ hẹp với một số hộ gia đình tham gia. Nhưng từ đầu, dứa đã cho hiệu quả khá cao và tiếp cận được thị trường. Vậy nên diện tích trồng dứa cũng được mở rộng nhanh chóng hơn, số hộ gia đình tham gia tăng lên nhanh chóng. Hiện tại, cả xã có khoảng 13ha dứa trồng và cho thu hoạch hàng năm. Quả dứa sau thu hoạch, một phần được bán trong vùng, một phần được thương lái mua đi tiêu thụ ở nơi khác.
Thứ ba là dự án trồng cây rễ hương làm nguyên liệu để sản xuất hương. Cây rễ hương vốn được một số vùng trồng khá phổ biến như các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Nhận thấy trên địa bàn xã có nhiều điều kiện phù hợp để phát triển loại cây này nên chính quyền đã cùng người dân đi Quỳ Châu tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm. Sau đó mua cây giống về để trồng tại Xá Lượng. Một số hộ gia đình đã tham gia vào phát triển loại cây mới này. Chính quyền địa phương hỗ trợ về kỹ thuật và liên hệ đầu ra nhằm khuyến khích phát triển cây rễ hương tại đây. Ban đầu trồng thử nghiệm loại cây này trên diện tích 1ha để theo dõi quá trình phát triển. Nhận thấy hiệu quả kinh tế khá cao nên người dân bắt đầu mở rộng thêm. Hiện nay đã có 5ha cây rễ hương được trồng ở Xá Lượng và đang cho thu hoạch ban đầu để tạo nguồn thu nhập. Diện tích rễ hương sẽ tiếp tục được mở rộng khi khi ngày càng có nhiều người dân tham gia hơn.
Nhìn chung, các mô hình nông nghiệp từ các giống cây mới đưa từ nơi khác về mới chỉ xuất hiện trong khoảng 5-7 năm trở lại đây và đang trong bước đầu phát triển. Dù thu nhập từ các mô hình này còn chưa ổn định nhưng nó chứng tỏ được việc hiện đại hóa, thị trường hóa nông nghiệp một cách phù hợp sẽ là hướng đi cần thiết bên cạnh phát triển nông nghiệp truyền thống khi gia nhập thị trường./.
Trang Tuệ - TP Vinh - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
h2.jpg h6.jpg h3.jpg h4.jpg h1.jpg h5.jpg hh31.jpg hh23.jpg hh36.jpg hh27.jpg hh28.jpg hh32.jpg hh37.jpg hh29.jpg hh33.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây