Trong những năm gần đây, người nông dân trên địa bàn xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản, tăng hiệu quả kinh tế trong quá trình đầu tư.
Chúng tôi đã đến thăm mô hình phát triển kinh tế tại hộ gia đình anh Lê Hồng Giang ở xóm Vĩnh Thanh, xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ và được anh chia sẻ: Hiện nay, gia đình anh chủ yếu làm kinh tế bằng nghề nông nghiệp là chính, vừa trồng trọt vừa chăn nuôi, nhờ có lợi thế về địa hình, đất đai tương đối màu mỡ nên gia đình anh đang trồng 5000m2 cây mía. Cây mía khá phù hợp với vùng đất nơi đây, sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng mỗi năm ước đạt khoảng 40 tấn mía nguyên liệu, với giá bán khoảng 1,5 triệu đồng/tấn anh thu được khoảng 60 triệu đồng. Cùng với trồng mía gia đình anh Giang còn trồng 2,7 ha cây cao su với khoảng 1400 cây, nay đã được 7 năm, cây sinh trưởng tốt và đã cạo mủ được hơn một năm nay, tỷ lệ cây cho mủ đạt khoảng 80%, mỗi năm cạo mủ được 6 tháng, trung bình mỗi tháng cạo mủ 15 ngày, với giá bán mủ cao su khô hiện nay là 20.000đ/kg cũng mang lại nguồn thu khoảng 22 triệu đồng/tháng. Cùng với việc trồng mía, trồng cao su gia đình anh còn trồng khoảng 5 sào lúa và 3 sào ngô để cung cấp lương thực và phát triển chăn nuôi tại gia đình. Trung bình mỗi năm thu nhập của gia đình từ sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 250 triệu đồng.
Ruộng mía gia đình anh Lê Hồng Giang, tại xóm Vĩnh Thanh
Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất anh Lê Hồng Giang nói: Làm nông nghiệp tuy còn có những khó khăn nhất định nhưng nếu người nông dân chịu khó, biết áp dụng các kỹ thuật vào sản xuất thì năng suất và hiệu quả vẫn ổn định. Đối với các loại cây trồng cần phải chọn mua các loại giống chất lượng, có nguồn gốc và tuân thủ các khuyến cáo của ngành nông nghiệp và địa phương nhất là về thời vụ gieo trồng, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Anh cho rằng để cây khoẻ, đất khoẻ thì phải sử dụng nhiều phân hữu cơ hoai mục, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng các biện pháp tổng hợp để phong trừ sâu bệnh hại thì sẽ hạn chế được rủi ro. Đối với cây lúa, gia đình anh năm nào cũng trồng đủ 2 vụ, anh luôn tìm hiểu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về trồng lúa thông qua các lớp tập huấn khuyến nông và các chương trình tập huấn về nông nghiệp để áp dụng. Anh Giang cũng cho rằng: Nhờ tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, nên vụ mùa vừa qua ruộng lúa của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại và từ đó cũng ít phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật, vừa giảm được chi phí trong sản xuất, hạn chế được ô nhiễm môi trường, đồng thời năng suất và chất lượng lại đảm bảo, như giống lúa thuần mà gia đình anh đang trồng vừa qua cho năng suất đạt khoảng 300 kg - 350 kg/sào.
Anh Lê Hồng Giang Và Cán bộ Hội nông dân xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ đang kiểm tra ruộng lúa của gia đình
Nói về hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Tân Xuân nói chung và hộ gia đình anh Lê Hồng Giang nói riêng bà Phan Thị Ngữ, cán bộ Nông nghiệp xã Tân Xuân, huyện Tân kỳ cho biết thêm: Tân Xuân là xã miền núi, việc phát triển kinh tế của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Những năm gần đây nhờ thay đổi cơ cấu các loại cây trồng vật nuôi, bà con nông dân đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế được tăng lên đáng kể. Những hộ gia đình làm kinh tế khá như hộ anh Lê Hồng Giang đang ngày càng nhiều lên và được tuyên truyền nhân rộng cho bà con học tập kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững và xây dựng Nông thôn mới hiện nay.