Trạm khuyến nông huyện Nam Đàn với công tác xây dựng và nhân rộng mô hình

Chủ nhật - 09/06/2019 21:10 644 0
Xây dựng mô hình sản xuất Nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ then chốt của nghành Khuyến nông. Trong những năm qua được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An, trạm Khuyến nông huyện Nam Đàn đã tổ chức thực hiện xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả tại các địa phương trong toàn huyện.
Trạm khuyến nông huyện Nam Đàn với công tác xây dựng và nhân rộng mô hình
Không chỉ chú trọng đến xây dựng mô hình mà công tác nhân rộng mô hình sau khi thực hiện cũng được đơn vị đặt lên nhiệm vụ hàng đầu. Bởi vì xây dựng mô hình thành công thì không khó nhưng làm thế nào để nhân rộng và duy trì được mô hình bền lâu mới là vấn đề quan trọng.
 Có nhiều mô hình Trạm Khuyến nông huyện Nam Đàn xây dựng hiệu quả cao từ lâu đã được nhân rộng và duy trì đến hiện nay như: Mô hình trồng lạc xuân - dưa đỏ hè thu - khoai tây vụ đông tại xã Nam Tân năm 2010, thâm canh rau an toàn theo hướng ViêtGAP (trồng cây hoa lý) tại  xã Nam Xuân năm 2011, thâm canh lạc L26 vụ xuân năm 2013 tại xã Vân Diên, chăn nuôi gà ATSH có sử dụng đệm lót sinh học tại xã Nam Lĩnh, sản xuất bí xanh tại xã Vân Diên năm 2015, thâm canh rau an toàn theo hướng ViêtGAP (trồng cây mướp ngọt) tại xã Nam Anh năm 2018…Những mô hình được nhân rộng từ 30 - 50 ha hàng năm và được các địa phương duy trì, phát huy hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt qua những cuộc hội thảo tổng kết, các đại biểu và nhất là bà con nông dân đều đánh giá rất cao hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội của các mô hình. 
Nhân rộng mô hình là một vấn đề được quan tâm sau khi triển khai thực hiện mô hình. Theo ông Hồ Công Quế - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Nam Đàn đánh giá có một số nguyên nhân dẫn tới mô hình khó nhân rộng đó là:  
- Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào ảnh hưởng của thời tiết, các dịch bệnh hại trên cây trồng vật nuôi gây nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Các mô hình công nghệ cao đòi hỏi mức chi phí lớn nên các hộ khó đầu tư.
- Thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, tình trạng được mùa mất giá luôn là nỗi lo của nông dân đây cũng là khó khăn cơ bản nhất của người sản xuất khi chưa có một thị trường đầu ra ổn định thì không thể yên tâm sản xuất. 
- Khi mô hình thực hiện được hỗ trợ về giống và vật tư, khi tính hoạch toán kinh tế bà con ít cộng phần này vào, bởi vậy sẽ thấy lãi cao. Nhưng khi không có hỗ trợ của mô hình nữa thì nông dân phải chịu 100% chi phí, phần lãi sẽ thấp hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến tư tưởng của một số hộ dân.  
- Tư tưởng ngại khó của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong công tác chỉ đạo kết hợp với tư tưởng bảo thủ, trông chờ của nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường cũng là lực cản không nhỏ trong quá trình nhân rộng mô hình.
Để tránh điệp khúc "hết hỗ trợ, mô hình không còn". Trạm Khuyến nông Nam Đàn luôn trăn trở làm thế nào để những mô hình có hiệu quả cao được nhân rộng. Đồng thời duy trì mô hình được lâu dài để không làm lãng phí nguồn đầu tư hỗ trợ của nhà nước. Trong quá trình xây dựng và nhân rộng mô hình trạm Khuyến nông huyện Nam Đàn đã thực hiện tốt một số giải pháp như:
- Khi xây dựng mô hình gắn với quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, gắn với điều kiện đất đai của địa phương cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ: năm 2010 từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An thực hiện mô hình trồng lạc xuân - dưa đỏ hè thu - khoai tây vụ đông tại xã Nam Tân. Đây chính là địa phương có vùng đất bãi phù sa thích hợp với cây lạc, dưa đỏ, khoai tây đồng thời có đường quốc lộ 15 chạy qua thuận lợi buôn bán sản phẩm. Bởi vậy mặc dù mô hình đã qua gần 10 năm nhưng đến hiện nay vẫn duy trì vì hiệu quả cao.
- Thực hiện công tác phối kết hợp tốt với các cấp nghành địa phương. Sau khi triển khai mô hình nhân ra diện rộng nếu người dân có gặp khó khăn vướng mắc về kỹ thuật thì đều được trạm Khuyến nông Nam Đàn tháo gỡ kịp thời.
- Về thông tin tuyên truyền: Các mô hình sản xuất có hiệu quả cao, đơn vị chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông đưa thông tin kịp thời trên đài truyền hình huyện đồng thời đưa tin trên tập san khuyến nông, hội nông dân, hội phụ nữ... thông tin có địa chỉ cụ thể để đông đảo người dân được biết và học hỏi. Đặc biệt cần làm thế nào để người dân hiểu được rõ về hiệu quả mô hình không chỉ về mặt kinh tế mà cả mặt xã hội, môi trường. Ví dụ: Sản xuất rau an toàn tại xã Nam Anh, Nam Xuân, đây là vùng có điều kiện thuận lợi về đất đai, con người nhưng do tình trạng sử dụng thuốc BVTV bừa bãi đã làm cho người tiêu dùng e ngại. Khi xây dựng mô hình sẽ thay đổi nhận thức, thói quen của nông dân ở đây từ đó sẽ tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, giá cả sẽ ổn định hơn. Môi trường sống được đảm bảo an toàn hơn, trước hết là cho chính những người sản xuất. 
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững. Việc xây dựng và phát triển các mô hình có trọng tâm trọng điểm gắn với sản phẩm thế mạnh tại địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn sản xuất nông nghiệp với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường là nhiệm vụ mà trạm Khuyến nông huyện Nam Đàn luôn luôn đặt lên hàng đầu.

    Hồ Thị Hòa - nguồn TSKN
          Trạm Khuyến nông huyện Nam Đàn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a5-3.jpg a10-6.jpg a6-4.jpg a9-6.jpg a7-8.jpg a8-9.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg anh-nam-1.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây