Hiệu quả từ chăn nuôi lợn rừng ở Hợp tác xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ
Chủ nhật - 28/01/2024 20:128640
Lợn rừng là loài vật nuôi hoang dã, tuy nhiên hiện nay đã được người dân thuần hóa ở nhiều địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là giá thịt lợn rừng tăng cao, thị trường ưa chuộng nên nhu cầu phát triển chăn nuôi lợn rừng đang là hướng đi mới của nhiều địa phương, điển hình là Hợp tác xã (HTX) Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ.
Có dịp đến tham quan mô hình trang trại chăn nuôi lợn rừng ở HTX Kỳ Sơn. Trăn trở lớn nhất của các thành viên là nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, chưa chủ động được con giống, tiêu thụ sản phẩm đầu ra còn bấp bênh,… do đó HTX được thành lập tháng 2 năm 2023 có 8 thành viên tham gia với tổng số vốn đầu tư 1,2 tỷ đồng, tuy nhiên trong đó có một số thành viên đã nuôi lợn rừng trên 10 năm nay. HTX có quy mô hơn 500 con lợn rừng bao gồm lợn thương phẩm và lợn giống. Chúng tôi thực sự khâm phục với ý chí và nghị lực quyết tâm vươn lên làm giàu của những thành viên nơi đây. Xuất phát từ mong muốn làm giàu chính đáng, niềm đam mê, bằng mô hình kinh tế trang trại, các thành viên của HTX Kỳ Sơn cùng nhau đồng lòng, chung sức, góp vốn, không nản chí sau mỗi lần thất bại để đầu tư, gây dựng được một HTX chăn nuôi tập trung có quy mô lớn. Song với khát vọng đó, HTX đã ra đời nhằm kết nối hỗ trợ các thành viên về kỹ thuật, cung ứng đầu vào, công tác giống, nhất là tìm kiếm thị trường liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Hoạt động của HTX Kỳ Sơn ngày càng phát triển đã trở thành mô hình kinh tế điển hình của địa phương. Dẫn chúng tôi đi thăm khu trại chăn nuôi lợn rừng của anh Dương Văn Kiện, Giám đốc HTX Kỳ Sơn(sinh năm 1980), hiện nay trại của anh gồm 200 con trong đó có 50 con lợn nái, anh phấn khởi chia sẻ: “Có được thành công như ngày hôm nay, do anh tìm hiểu về khoa học kỹ thuật từ khâu làm chuồng, chọn giống, nuôi dưỡng chăm sóc, công tác phòng bệnh,… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ riêng gia đình anh mà nhiều thành viên khác trong HTX cũng áp dụng theo hình thức này”. Tiếp theo chân anh, đã đưa chúng tôi đến khu trại chăn nuôi lợn rừng của bác Trần Đình Văn ở xóm Kỳ Nam, xã Kỳ Sơn. Bác chia sẻ, nghề nuôi lợn rừng này đã đến với gia đình tôi hơn 10 năm nay. Lúc đầu từ vài con lợn rừng hoang dã, đã được gia đình tôi thuần hóa nuôi, mở rộng quy mô lên đến hơn 250 con, vật nuôi này là đối tượng dễ thuần hóa, đem lại giá trị kinh tế cao, khả năng nhiễm dịch bệnh ít, sức đề kháng cao, nguồn thức ăn đa dạng, giá bán cao, thị trường ưa chuộng,….Theo bác Văn, muốn nuôi lợn rừng thành công, trước hết cần phải chọn được con giống tốt và hội tụ đủ các yếu tố: Lông rậm, mõm thẳng, lông ở hai bên má có màu bạc, mang đặc trưng của giống loài. Chuồng trại được xây dựng kiên cố, chắc chắn, cần có bóng mát, có chỗ cho lợn nghỉ ngơi, nhất là phải tạo được không gian và nền đất thích nghi với bản năng hoang dã của giống vật nuôi này. Hiện nay, khu chăn nuôi lợn rừng của các thành viên trong HTX đều được phân chia thành hai khu chính: Khu chuyên nuôi lợn rừng con tách mẹ để bán thịt thương phẩm và khu chăn nuôi lợn rừng giống. Mỗi ô chuồng được thiết kế những khoảng sân trống, rộng để lợn rừng được nuôi theo kiểu bán hoang dã. Mỗi thành viên có quy mô từ 50 - 250 con, hoạt động độc lập, trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc lợn được các thành viên hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kỹ thuật, công tác giống,…..Các hộ chăn nuôi của HTX chủ yếu áp dụng phương pháp phối giống tự nhiên cho lợn nái nên chất lượng lợn rừng thương phẩm cũng như lợn giống ngày càng được cải thiện và không phải mất nhiều chi phí. Bác Văn cho biết thêm, ưu điểm nổi bật của lợn rừng là có sức đề kháng tốt, ít bị nhiễm các loại dịch bệnh (chủ yếu lợn rừng bị nhiễm bệnh tiêu chảy và viêm phổi, nhưng rất dễ chữa nếu biết cách phòng bệnh), chi phí về thức ăn rẻ và không mất nhiều công chăm sóc. Lợn rừng ăn tạp, hệ thống tiêu hóa có khả năng hấp thụ thức ăn tốt, khẩu phần ăn hàng ngày phần lớn (70 - 80%) là chất xơ, rau, củ, quả, cám ngô, cây cỏ trồng,... Đồng thời, để chủ động nguồn thức ăn, giảm chi phí thức ăn, mỗi thành viên của HTX đều chủ động được diện tích trồng cỏ, phế phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ cho chăn nuôi lợn rừng. Trung bình, 2 năm lợn rừng đẻ được 3 lứa và sau từ 4 - 6 tháng là bán lợn nuôi thương phẩm, tùy theo nhu cầu của khách hàng về trọng lượng lợn, nhưng ít nhất phải đạt trên 7 kg mới có thể bán giống. Với giá bán như hiện nay trên thị trường, giá thịt lợn rừng thương phẩm của HTX bán ra dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/kg, giá lợn giống là 200.000 đồng/kg (trung bình từ 10 - 15kg/con) hoặc 1,5 triệu đồng/con (từ 5 - 7kg). Đồng thời, khi tiêu thụ sản phẩm đầu ra thì HTX là đầu mối giúp các thành viên tiêu thụ hoặc các thành viên có thể tự chủ động khâu nối cung cấp sản phẩm ra thị trường. Hàng năm, ước tính HTX đã cung cấp ra thị trường khoảng 200 con lợn rừng thương phẩm và lợn rừng giống, cho thu lãi trên trăm triệu đồng. Mong đợi của HTX hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP trong thời gian sắp tới nhằm thúc đẩy HTX ngày càng phát triển và đưa thương hiệu sản phẩm đến với thị trường tiêu dùng.
Hộ Trần Đình Văn ở xóm Kỳ Nam, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ
Hộ Dương Văn Kiện ở xóm Hùng Cường, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ