Quan điểm đa dạng hoá sản phẩm, khép kín chu trình sản xuất, gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Phương thức đang được nhiều người dân quan tâm, đầu tư ở các địa phương hiện nay là phát triển theo hướng trang trại, gia trại tổng hợp, đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi để đảm bảo sản xuất hiệu quả bền vững.
Đến thăm gia trại Anh là Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1966 trong gia đình có 4 người con, anh là con trai cả của gia đình thuần nông thuộc xóm 6 xã Diễn Liên huyện Diễn Châu. Điều kiện sản xuất nông nghiệp địa phương nơi đây chủ yếu là trồng lúa, nuôi trâu bò, nuôi lợn, gia cầm nhưng cho thu nhập rất thấp, chỉ đủ ăn mà không có tích luỹ. Với sức khỏe vốn có và đức tính cần cù chịu khổ, chịu khó của con người nơi xứ đồng chiêm trũng, anh băn khoăn trăn trở, tự hỏi tại sao ngay tại quê hương mình lại khó có thể làm giàu được. Quan sát thực tế, ở xã có những vùng đất hoang hoá, không chủ động được nước để cày, cấy chưa được phát huy tiềm năng. Bao đêm trăn trở, suy nghĩ, năm 2004 anh quyết định trao đổi với Ban cán sự xóm và chính quyền xã cho anh dồn điền đổi thửa và thuê đất sản xuất khoảng 3 ha cách xa khu dân cư khoảng 800m để thực hiện ước mơ đầu tư, xây dựng gia trại nông nghiệp tổng hợp. Quyết tâm là làm, bắt đầu từ hai bàn tay trắng, nhưng với sự say mê và bằng sức trẻ, anh lên kế hoạch, phương án và vay mượn tiền để làm gia trại. Anh xác định không thể cùng một lúc làm lớn ngay được, phải mục tiêu lấy ngắn nuôi dài, anh đầu tư xây dựng chuồng nuôi lợn, gà, vịt và đào ao đắp bờ kè chia ao để nuôi cá. Qua bao nhiêu năm vất vả, lăn lộn, hiện tại gia trại của anh đã đầu tư xây dựng được các ao nuôi cá với khoảng 2,0 ha mặt nước để thả các giống cá truyền thống như: mè, trôi, trắm, chép, rô phi, cá trê, ... Anh cho biết, để nuôi cá thành công thì cần phải mua cá giống từ các cơ sở ương nuôi cá đảm bảo trọng lượng, chất lượng, do cỡ cá giống to nên lượng giống phải thả nhiều mới đảm bảo mật độ, tiền giống đầu tư nhiều nhưng bù lại khi nuôi đạt tỉ lệ nuôi sống rất cao, ít bệnh tật, tỉ lệ hao hụt thấp, cho hiệu quả kinh tế cao. Đối với lợn, gia trại của anh chủ yếu là nuôi lợn thịt từ 15-20 con/lứa, lợn sinh sản chỉ nuôi duy trì thường xuyên 2-3 con nái để cung cấp thêm nguồn con giống nuôi lợn thịt. Bên cạnh đó, anh còn nuôi khoảng 500 - 600 gà thịt/lứa, 3.000 vịt đẻ trứng, 70 gốc mít thái, 200 gốc dừa, 60 gốc ổi và một số gốc bưởi, nhãn. Ngoài ra số diện tích còn lại, anh tham gia cùng với nông dân trong xóm sản xuất lúa để bán cho các Công ty liên kết. Từ sản xuất theo hình thức gia trại tổng hợp như trên, mỗi năm cho doanh thu khoảng 2 tỷ đồng và sau khi trừ các khoản chi phí lãi đem lại đạt từ 30 - 35%. Phải khẳng định, hiệu quả kinh tế đem lại khi làm gia trại là rất khả quan, nhưng anh tâm sự thêm để làm trang trại thành công trong giai đoạn hiện nay thực sự là rất khó, nhất là thiếu nguồn vốn, quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác phòng chống dịch bệnh vật nuôi, sâu bệnh cây trồng và đầu ra sản phẩm. Người làm trang trại ngoài quyết tâm, lòng đam mê thì cần phải nắm vững kiến thức, học hỏi nhiều kinh nghiệm và có kế hoạch, chiến lược phát triển gia trại cụ thể. Nhất là việc dự tính dự báo, lựa chọn thời điểm, xác định đối tượng trồng trọt, chăn nuôi phù hợp và đảm bảo có liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra mới yên tâm để đầu tư phát triển sản xuất và đạt được hiệu quả kinh tế cao. Còn thực tế hiện nay sản phẩm vẫn chủ yếu là tiêu thụ thông qua các thương lái hoặc bán lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh thiếu ổn định. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Vinh – Phó Chủ tịch Hội nông dân kiêm khuyến nông, Thú y xã cho biết thêm, hiện nay phát triển theo mô hình gia trại, trang trại đang được chính quyền xã rất quan tâm, chú trọng, toàn xã hiện có khoảng 70 gia trại, trang trại lớn, nhỏ trương tự như gia đình anh Thắng. Các mô hình gia trại, trang trại của các hộ dân trong xã cơ bản đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng điển hình vẫn là gia trại anh Thắng đã trở thành mô hình phát triển kinh tế mẫu để mọi người dân trong xóm, trong xã học tập, áp dụng, góp phần cùng địa phương thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng hiệu quả giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, hoàn thành một số chỉ tiêu kinh tế xã hội và mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã đề ra. Ngoài làm gia trại giỏi, anh Thắng còn được các chủ gia trại, trang trại mệnh danh là trưởng nhóm tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ và cung cấp đầu vào về giống, thức ăn, thuốc thú y, .. nhằm giúp cho các hộ làm gia trại, trang trại trong vùng tiếp cận, áp dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, hiệu quả, thu nhập. Từ thực tế thuận lợi, khó khăn bao năm làm gia trại, trang trại tại địa phương, mong đợi của anh Thắng cũng như bao gia đình là được Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm, có chính sách, tạo điều kiện như hình thành xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, có cơ chế dồn điền đổi thửa, thuê đất lâu dài, đầu tư cơ sở hạ tầng, tu sửa chỉnh trang đồng ruộng, đồng thời thường xuyên đào tạo, tập huấn chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, ..vv cho người làm gia trại, trang trại để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm làm ra; nhất là khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh sát cánh cùng với các gia trại, trang trại để liên kết kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra, kích cầu gia trại, trang trại phát triển, mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp nông thôn./.
Nuôi lợn thịt, vịt sinh sản tại gia trại Anh Thắng xóm 6 xã Diễn Liên huyện Diễn Châu