Thứ bảy, 23/11/2024, 19:12

Nhiệm vụ, giải pháp phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh động vật năm 2024

Thứ ba - 16/04/2024 21:09 856 0
Nghệ An là tỉnh có ngành chăn nuôi khá phát triển với tổng đàn gia súc gia cầm thuộc thuộc tốp đầu cả nước. Theo đánh giá chung, năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn đạt ở mức tăng trưởng khá về tổng đàn và tổng sản phẩm chăn nuôi.
Nhiệm vụ, giải pháp phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh động vật năm 2024
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 5,7%. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp tăng khá, ước đạt 48%. Cụ thể: Theo số liệu của Cục thống kê Nghệ An, năm 2023 có tổng đàn trâu bò 801.377 con (đàn trâu: 266.182 con; đàn bò: 535.195 con); đàn lợn: 1.002.783 con; đàn gia cầm 34.760 nghìn con; Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 279.322 tấn; Sản lượng sữa bò tươi 317 nghìn tấn; Sản lượng trứng 685.353 triệu quả; Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt gần 4 triệu USD, trong đó chủ yếu là sản phẩm sữa của Công ty TH xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện tại, ngành chăn nuôi tiếp tục được phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển chăn nuôi công nghiệp, tập trung, trang trại và ứng dụng công nghệ cao (toàn tỉnh hiện có 970 trang trại chăn nuôi theo quy mô Luật Chăn nuôi – chiếm tỉ lệ gần 40% tổng đàn). Về tái cơ cấu ngành chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng quy mô đàn trâu, bò ở miền Tây, nhất là bò sữa, bò thịt chất lượng cao, tăng sản lượng hơi xuất chuồng. Đồng thời, tăng cường ứng dụng kỹ thuật và công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn GAHP (VietGahp, GlobalGap), chăn nuôi theo chuỗi giá trị, hữu cơ. Chú trọng hình thành và phát triển chăn nuôi theo theo hình thức hợp tác, liên kết chuỗi giá trị với các công ty, doanh nghiệp, .. Công tác phòng chống dịch bệnh động vật, đặc biệt một số dịch bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu phi, Cúm gia cầm, Dại chó, … luôn được chính quyền địa phương; các cơ quan chuyên môn; đội ngũ cán bộ thú y không chuyên trách cơ sở quan tâm, chỉ đạo sát sao và sự đồng hành của doanh nghiệp, người chăn nuôi nên đã có những giải pháp phòng chống hiệu quả, kịp thời, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.
Với sự cố gắng, quyết tâm cao, ngành Chăn nuôi và Thú y của tỉnh luôn đạt được nhiều kết quả quan trọng, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức so với kế hoạch của ngành góp phần vào thành tích chung của ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: Tỉ lệ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ còn cao 60 – 70% dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh; Tỉ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm còn rất thấp, chưa đạt tỉ lệ bảo hộ; Công nghiệp giết mổ, chế biến, chế biến sâu còn hạn chế; Giá bán các sản phẩm chăn nuôi chưa ổn định, giá thành sản xuất còn cao nên khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, ..vv.
Năm 2024, được dự báo ngành Chăn nuôi và Thú y vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giá cả nguyên vật liệu đầu vào ở mức cao, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, khó lường, khả năng tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi tiếp tục phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu, .. Do vậy, để hoàn thành được mục tiêu, kế hoạch đề ra cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chính sau:
- Về công tác phát triển chăn nuôi: Bám sát nội dung, định hướng, kế hoạch phát triển chăn nuôi theo Đề án phát triển chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4222/QĐ-UBND ngày 09/11/2021; Tổ chức triển khai 05 đề án ưu tiên thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030 đã được Chính phủ ban hành; Tăng cường công tác tuyên truyền cho các tổ chức, người chăn nuôi nâng cao nhận thức đổi mới tư duy sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị ngành hàng và chấp hành nghiêm Luật chăn nuôi, Luật Thú y. Chấp hành kê khai hoạt động chăn nuôi, xây dựng cơ sở dữ liệu để thực hiện tốt công tác chỉ đạo, quản lý vật nuôi và dịch bệnh. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp xử lý chất thải, sử dụng các chế phẩm sinh học để giảm mùi hôi, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp thu gom xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác theo Thông tư số 12/2021/TT-BNNPTNT ngày 26/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tổ chức rà soát, bổ sung quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung. Xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư ra các địa điểm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu của pháp luật về chăn nuôi, thú y và bảo vệ mô trường. Triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao, kết hợp dịch vụ, du lịch nông thôn phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương, vùng miền. Đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi hợp tác, liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao gắn với truy xuất nguồn gốc.
- Về công tác phòng chống dịch bệnh: Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2024 theo Quyết định số 4465/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 và các chương trình, kế hoạch phòng chống dịch bệnh đã được UBND tỉnh ban hành. Chỉ đạo quyết liệt triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Công văn số 1537/UBND-NN ngày 04/3/2024 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tập trung chỉ đạo công tác tiêm phòng vac xin cho đàn vật nuôi nhằm đảm bảo tỉ lệ đạt 80% trở lên, riêng bệnh dại tiêm đạt ít nhất 70% tổng đàn chó, mèo. Chủ động xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/5/2023 của Chính phủ. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện và báo cáo dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hoá chất, vac xin để triển khai tốt công tác phòng chống dịch. Đặc biệt khi dịch bệnh xảy ra phải xử lý kịp thời và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Huy động đầy đủ các lực lượng tham gia phù hợp với từng loại bệnh và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, không làm dịch lây lan, kéo dài.
- Về công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi năm 2024: Thực hiện phòng bệnh bắt buộc bằng vac xin cho đàn vật nuôi theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư 09/2021/TT-BNNPTNT ngay 12/8/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT. Trong đó: Tiêm phòng vac xin đối với trâu, bò (bệnh Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục); Lợn (bệnh Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn); Dề, cừu (bệnh Lở mồm long móng); Vịt, ngan (Cúm gia cầm, dịch tả vịt); Gà, chim cút (Cúm gia cầm, Newcattle); Chó, mèo (bệnh dại). Riêng đối với bệnh Tai xanh ở lợn thì khuyến khích chủ trang trại, người chăn nuôi tiêm phòng cho đàn lợn khoẻ mạnh. Còn vac xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi là vac xin mới nên việc sử dụng cần tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn và có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp và công ty sản xuất vac xin. Đặc biệt, khi tiêm phòng phải sử dụng các loại vác xin theo khuyến cáo, hướng dẫn của Cục Thú y, tiêm đúng kỹ thuật, an toàn, đúng thời gian quy định, đủ số mũi tiêm. Thời gian tiêm phòng cho đàn vật nuôi vụ Xuân từ 15/3/2024 đến 15/4/2024, vụ Thu từ ngày 15/9/2024 đến 15/10/2024. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế, có thể tổ chức tiêm phòng vác xin cho đàn vật nuôi sớm hơn hoặc muộn hơn kế hoạch của tỉnh nhưng phải tuân thủ nguyên tắc tiêm mũi 1 (đợt 1) và mũi 2 (đợt 2) cách nhau từ 4 đến 6 tháng. Riêng đối với vac xin Dại chó, vac xin viêm da nổi cục trâu, bò mỗi năm chỉ tiêm 1 mũi (miễn dịch bảo hộ 1 năm) và thực hiện cùng với tổ chức tiêm phòng vụ Xuân,...
 Để thực hiện thành công, có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh động vật năm 2024 mà ngành chăn nuôi thú y của tỉnh đặt ra, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp các ngành, cùng với sự đồng hành, hợp tác của doanh nghiệp, người chăn nuôi nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi./.          
         
                        Tiêm phòng là biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất cho đàn vật nuôi
                                                                                           Cao Tuấn - nguồn TSKN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây