Yên Thành là địa phương có điều kiện thuận lợi về chăn nuôi vịt với khoảng 13 nghìn ha đồng ruộng chiêm trũng, mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa cùng với hàng nghìn ha mặt nước sông, kênh…Trước đây, người dân chủ yếu chăn nuôi vịt thả đồng là chính.
Tuy nhiên những năm gần đây nhận thấy chăn nuôi nhỏ lẻ nguy cơ dịch bệnh, giá cả bấp bệnh, khó quản lý nên nhiều hộ chăn nuôi nhận thầu đất xấu để xây dựng trạng trại, gia trại chăn nuôi vịt đẻ, vịt tơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Bà Hồ Thị Tuyết xóm 1 –xã Công Thành huyện Yên Thành cũng là một trong những chủ trang trại nuôi vịt sinh sản như vậy. Đến trang trại chị Tuyết gặp chị đang xuất bán những lô trứng cuối cùng cho thương lái. Chị chia sẻ: Chị bén duyên nghề chăn nuôi vịt cách đây gần 10 năm. Khi bắt đầu nuôi với số lượng khoảng 1000-2000 con vịt đẻ. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm nên lúc đầu vịt bị chết do dịch bệnh, tỷ lệ đẻ thấp. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, học hỏi thêm các hộ chăn nuôi vịt trên địa phương đến nay trang trại chị mở rộng với diện tích 1,5 ha; quy mô với 7.000 con vịt siêu trứng trong đó 3.000 vịt đẻ và 4.000 vịt hậu bị. Theo kinh nghiệm của chị, để chăn nuôi vịt sinh sản đạt hiệu quả cao, trước hết con giống phải tốt, có nguồn gốc rõ ràng, không bị dịch bệnh. Vịt giống nuôi phải được chăm sóc kỹ thuật theo từng giai đoạn, trong đó: Giai đoạn vịt 1 tháng tuổi cần cho ăn tốt, đủ dinh dưỡng nhằm thúc cho con giống tăng trọng nhanh, khỏe manh, chống chịu bệnh tốt. Từ 2-4 tháng tuổi chỉ cho ăn đủ để cơ thể vịt săn chắc, không để vịt quá béo. Sang tháng thứ 5 cần cho ăn đủ, loại cám chuyên dùng cho vịt đẻ và đảm bảo thời lượng chiếu sáng đủ 16 - 18 tiếng/ngày. Vào những ngày thời tiết thay đổi, khi giao mùa, cần bổ sung tăng đề kháng như B-complex, VTM C… cho vịt. Đặc biệt khi thời tiết nắng nóng kéodài trên 37oCcho vịt uống nước điện giải Gluco và Vitamin C nếu không vịt sẽ dễ mắc bệnh và giảm đẻ ngay. Một bí quyết nữa đó là đảm bảo tỷ lệ trống mái phù hợp. Theo chị cứ 1trống 8-10 mái là phù hợp nhất. Về thức ăn, chị chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên cần lựa chọn thức ăn có chất lượng tốt, nhất là đối với vịt đẻ cần có độ đạm cao và tránh thay đổi liên tục loại thức ăn làm ảnh hưởng đến năng suất vịt đẻ. Với 7000 con vịt lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày là rất lớn. Để giảm bớt chi phí hạ giá thành sản phẩm , giai đoạn vịt 2-4 tháng tuổi chị cho ăn lúa, đậu tương xen lẫn thức ăn hỗn hợp và kết hợp bán chăn thả đàn vịt sau mỗi vụ người dân thu hoạch lúa, cho thả vịt ra đồng tự kiếm thêm thức ăn tự nhiên như cua đồng, ốc, cá… Trong quá trình chăn nuôi, chị Tuyết luôn tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm vắc xin theo định kỳ cho đàn vịt, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, khu chăn nuôi, thực hiện vệ sinh phòng dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc định kỳ 1 tháng/2 lần. Chị thuê thêm 3 công nhân chăm sóc, cho ăn, thu nhặt trứng, xuất bán. Do tập tính của vịt là thường đẻ vào lúc rạng sáng (3-5 giờ sáng). Vì vậy cần sắp xếp thời gian, nhân công thu hoạch trứng kịp thời tránh bẩn trứng, dập trứng. Ngoài ra chị còn có lò ấp trứng để cung cấp trứng vịt lộn cho thị trường trong tỉnh . Tuy nhiên lò ấp chỉ vận hành theo mùa vụ. Hàng năm cứ tầm tháng 3 đến hết hè, lò ấp lại hoạt động hết công suất với quy mô ấp 40.000-50.000 trứng /lượt. Trứng vịt chăn nuôi đảm bảo quy trình nên tỷ lệ phôi đạt cao, được thị trường ưa chuộng. giá bán 3.000 đồng/quả. Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong quá trình chăn nuôi vịt sinh sản, chị Tuyết chia sẻ: Vì con vịt gắn liền với ao nước nên sợ nhất là nguồn nước bẩn, thời tiết mưa nắng thất thường làm vịt dễ bị bệnh. Bởi vậy nước ao chăn thả vịt phải đảm bảo vệ sinh và định kỳ thay mới nước. Trại chị Tuyết có 4 ao với diện tích mỗi ao khoảng 1.200-1.500 m 2 . Ao nuôi và sân chơi có diện tích đủ rộng để vịt có thể ra tắm, bơi và chạy nhảy. Ngoài ra có thể trang bị thêm máng ăn uống cho vịt ngay tại sân chơi để vịt khi đói có thể nạp thức ăn bất cứ lúc nào. Chú ý thường xuyên vệ sinh chuồng trại tránh để ô nhiễm và tuân thủ lịch tiêm phòng vaccin là điều kiện tiên quyết. Ngoài ra một khó khăn lớn nữa đó là nguồn vốn. Hiện tại giá cám thức ăn tăng cao, số lượng vịt nuôi nhiều nên chi phí thức ăn cho cả đàn là rất lớn. Hiện tại mỗi ngày7000 con vịt tiêu thụ gần 1 tạ thức ăn hỗn hợp, tính ra hết gần 10 triệu đồng/ngày. Trong khi đàn vịt hậu bị mới bắt đầu đẻ bói chưa có thu nên việc xoay vòng vốn còn rất khó khăn. Bởi vậy chị mong muốn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để đầu tư chăn nuôi, giảm bớt khó khăn. Hiện tại mỗi ngày với 3000 con vịt đẻ, thu được khoảng hơn 2500 quả trứng. Nếu như người chăn nuôi thường lo đầu ra cho sản phẩm thì trứng vịt của trại chị hoàn toàn yên tâm đã có thương lái đến tận nơi thu mua, bán đến đâu hết đến đó. Năm nay dù dịch Covid-19 nhưng trứng vịt bán được giá. Hiện tại giá bán tại chỗ dao động 2.700-2.800 đồng/quả. Chị Tuyết cho biết: Vịt sinh sản càng về sau thì tỷ lệ đẻ càng giảm dần, thường nuôi 18 tháng sẽ loại thải và bán thương phẩm. Bởi vậy chị nuôi theo hình thức cuốn chiếu, như hiện tại 3000 con vịt đẻ sắp loại thải thì đã có 4.000 vịt hậu bị đang bước vào giai đoạn đẻ bói thay thế. Nên thời điểm nào chị cũng có trứng cung cấp cho thương lái không bị ngắt quãng. Đây cũng là một bí quyết giúp chị giữ thị trường tiêu thụ ỏn định. Mỗi con vịt loại thải chị bán được 50.000 đồng/con. Với mô hình nuôi vịt sinh sản của hộ chị Tuyết sau khi trừ mọi chi phí lãi khoảng 200-300 triệu đồng/năm. Nhìn hàng ngàn con vịt bơi trắng cả ao, chị tuyết nhớ lại bài học sâu sắc nhất trong nghề nuôi vịt đẻ của chị Tuyết đó là đợt lũ năm 2020. Vốn đây là vũng chiêm trũng, năm ngoái khi lũ dâng cao chị không kịp trở tay làm toàn đàn vịt trôi gần hết. Rút kinh nghiệm chị đã rào lại chắc chắn bờ rào xung quanh trại, dùng lưới B40 nâng chiều cao bờ rào lên đề phòng lũ dâng vịt không thoát ra ngoài. Chị Tuyết là một trong những gương phụ nữ nông thôn dám nghĩ dám làm, làm kinh tế giỏi. Trong khi nhiều hộ nông dân ít chú trọng đến chăn nuôi vịt sinh sản do lo sợ dịch bệnh và thua lỗ thì chị vẫn duy trì và phát triển mô hình này. Mong rằng mô hình chăn nuôi của chị phát triển bền vững, các cấp chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn nhất là nguồn vốn cho các hộ chăn nuôi đầu tư phát triển kinh tế và góp phần xây dựng Nông thôn mới. Kim Dung - Trung tâm KNNA