Chăn nuôi trâu, bò hiện nay là đối tượng chủ lực, thế mạnh của tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Tân Kỳ miền núi nói riêng với nhiều hình thức chăn nuôi đang phát huy hiệu quả, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò thịt đang là xu hướng phát triển nhất hiện nay, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người dân.
Với đợt rét đậm, rét hại vào cuối tháng 2 năm 2022, chúng tôi gặp anh trong tình trạng đang mặc quần áo bảo hộ lao động để chăm sóc đàn trâu, bò. Anh vui vẻ tiếp chúng tôi trong niềm phấn khởi như đang hứa hẹn một năm đầy triển vọng, thắng lợi. Anh là Võ Văn Giai, sinh năm 1969, xóm Xuân Sơn xã Nghĩa Hoàn huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An với sức khỏe vốn có và đức tính cần cù chịu khổ, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, anh băn khoăn trăn trở, tự hỏi tại sao ngay tại xã mình lại khó có thể làm giàu, trong khi đó nhiều xã lân cận điều kiện tự nhiên, xã hội tương tự mà sao vẫn phát triển kinh tế được. Bao đêm trăn trở, suy nghĩ, anh xác định khó khăn nhất là đất đai để xây dựng trang trại. Anh quyết định gặp lãnh đạo địa phương để đặt vấn đề thuê đất, xây dựng trang trại chăn nuôi trâu, bò thịt nhằm phát huy lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế ngay tại địa phương xã nhà. Anh tâm sự, những năm trước đây gia đình chỉ dựa vào mấy sào ruộng khoán, nuôi thêm một ít gia súc, gia cầm nên thu nhập hàng năm không nhiều, kinh tế gia đình chậm phát triển. Từ suy nghĩ đến quyết tâm, nói là làm, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cho anh thuê 2 ha đất với thời hạn mỗi lần ký kết là 5 năm. Khi có được đất, Anh bắt tay vào chỉnh trang đồng ruộng, hệ thống cung cấp và thoát nước, đồng thời xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Đối tượng được anh xác định đầu tư đó là chăn nuôi trâu, bò thịt. Anh tiến hành xây dựng hơn 200m2 chuồng trại kiên cố, có tường rào bao quanh, lợp mái, xung quanh chuồng có hệ thống thu gom phân, nước thải để đảm bảo vệ sinh môi trường, bên ngoài chuồng anh thiết kế 1 khoảng sân rộng hơn 100m2 để cột và cho trâu, bò đi lại vận động. Những năm đầu anh nuôi trâu bò với số lượng ít, nhưng cứ mỗi năm anh lại nuôi tăng dần đàn trâu bò lên, hiện tại đàn trâu bò anh có 19 con trâu và 4 con bò, trong đó có 4 con bò cái lai và 4 con trâu sinh sản, các con trâu, bò sinh sản đều cho mỗi năm 1 lứa nghé, bê con, đặc biệt là tinh phối giống cho bò Anh đều sử dụng tinh bò 3B nên bê con sinh ra để nuôi có tầm vóc lớn sinh trưởng phát triển nhanh. Thức ăn phục vụ cho trâu bò chủ yếu là thức ăn thô xanh và thức ăn tinh, trên diện tích đất sẵn có Anh duy trì hơn 1 ha đất trồng cỏ để luôn đảm bảo đầy đủ nguồn thức ăn thô xanh cho trâu bò, trung bình mỗi ngày 30-40 kg/con, thức ăn tinh thì sử dụng thức ăn phối chế sẵn tùy theo trọng lượng trâu bò để bổ sung. Anh cho biết để nuôi trâu bò thịt nhanh lớn ít bệnh tật xảy ra thì trước hết phải nắm vững đặc tính và quy trình kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc trâu, bò từ việc lựa chọn giống, thiết kế chuồng trại, loại thức ăn sử dụng, vệ sinh, phòng trị bệnh đến việc thu gom xử lý chất thải. Đối với mùa đông nuôi trâu, bò phải giữ ấm cho gia súc, che chấn chuồng trại tránh gió lùa, thức ăn phải được cung cấp đầy đủ, mùa hè thì chuồng trại phải thông thoáng, mát mẻ có hệ thống chống nắng, nóng cho trâu, bò. Còn một yếu tố không kém quan trọng khi nuôi trâu, bò thịt nữa đó là phải định kỳ tẩy ký sinh trùng và tiêm phòng đầy đủ các loại vac xin theo khuyến cáo của thú y, có như vậy trâu, bò mới sinh trưởng phát triển nhanh, hạn chế được dịch bệnh xảy ra. Theo tính toán, với phương thức nuôi này hàng năm với giá bán trâu, bò thịt khoảng 40-50 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí cũng cho thu nhập 250-300 triệu đồng/năm. Cùng đi và trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn cho biết, trong xã hiện nay hình thức chăn nuôi trâu, bò thịt khá phổ biến, ngoài lợi thế đất đồi, đất vườn trồng cỏ làm nguồn thức ăn thì người dân còn sử dụng mía (cả thân và lá) thái nhỏ, sử dụng men vi sinh, bột cám, bột ngô ủ chua thức ăn để làm tăng khả năng ăn vào và tiêu hóa cho trâu, bò, đồng thời làm nguồn thức ăn dự trữ khi bị ảnh hưởng bởi thời tiết khí hậu dẫn đến khan hiểm thức ăn. Quan trọng nhất là người dân trong xã hiện nay chăn nuôi trâu, bò thịt đã biết và chú trọng đến khâu kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc, nhất là thực hiện nghiêm túc đầy đủ công tác vệ sinh môi trường, chuồng trại chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin cho trâu bò như bệnh: Viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, .. nên hạn chế dịch bệnh xảy ra, chăn nuôi thành công rất cao. Anh Giai chủ trang trại còn cho biết thêm, để trang trại chăn nuôi thực sự đem lại hiệu quả thì phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Anh cho rằng khó khăn lớn nhất cho những người làm trang trại là thiếu đất đai, nguồn vốn và công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh. Ngoài quyết tâm, lòng đam mê thì cần phải có kiến thức, kinh nghiệm mới có thể thực hiện được. Còn đầu ra trong chăn nuôi trâu bò, thịt thì lúc nào cũng yên tâm không phải lo, nuôi được bao nhiêu con đều được thị trường đón nhận, tiêu thụ thu mua hết. Mong muốn của anh cũng như bao gia đình làm trang trại tại địa phương là được Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt cho những người làm trang trại, nhất là được thuê đất ổn định lâu dài. Có như vậy, các trang trại mới dám mạnh dạn đầu tư, tăng quy mô và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cao vào trang trại để tăng nhanh năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Thiết nghĩ rằng, hình thức chăn nuôi trâu, bò thịt hiện nay đang là xu thế khả thi cao trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung vì tính hiệu quả và lợi ích kinh tế thiết thực của nó đem lại. Mô hình chăn nuôi trâu, bò thịt của gia đình anh Giai cũng là một trong những mô hình rất xứng đáng để nhiều người chăn nuôi trong xã, trong vùng quan tâm, học tập và áp dụng nhân rộng./.
Trang trại chăn nuôi trâu, bò của anh Võ Văn Giai xóm Xuân Sơn xã Nghĩa Hoàn huyện Tân Kỳ