Thứ hai, 23/12/2024, 14:28

Thành công từ mô hình nuôi gà sinh sản gắn với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm

Thứ ba - 21/01/2020 04:14 1.883 0
Chăn nuôi nông hộ gắn với xây dựng, hình thành tổ hợp tác, gắn kết tiêu thụ sản phẩm đang là hướng đi có hiệu quả tại một số vùng của tỉnh Nghệ An. Mô hình chăn nuôi gà của hộ gia đình anh Cao Văn Cường ở xóm Đồng Tâm, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ là một mô hình tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thành công từ mô hình nuôi gà sinh sản gắn với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm
 Xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở vùng nông thôn của huyện Miền Núi, vợ chồng anh Cường làm kinh tế từ 2 bàn tay trắng với kiến thức, kinh nghiệm hạn chế nên thời gian đầu gặp không ít khó khăn. Năm 2016, anh bắt tay vào làm mô hình trồng dưa hấu với diện tích 1ha. Tuy nhiên, khi dưa sắp đến giai đoạn thu hoạch, gặp mưa lớn nên gia đình anh đã mất trắng  toàn bộ diện tích. Thất bại trong lĩnh vực trồng trọt, vợ chồng anh không hề nản chí. Sau thời gian học hỏi các hộ dân trong vùng, anh mạnh dạn chuyển sang chăn nuôi và đối tượng nuôi là gà sinh sản.  Với nguồn vốn ít ỏi, anh bắt đầu với 100 con gà đẻ giống Ai Cập.  Bước đầu, anh Cường gặp khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật nên còn bị hao hụt về con giống, tỷ lệ sống còn thấp. Tuy nhiên, nhờ sự cần cù, chịu khó, thông qua các lớp tập huấn của Khuyến nông huyện, xã,  anh Cường đã  tìm tòi, học hỏi các kiến thức về chăn nuôi gà sinh sản và  áp dụng kỹ thuật thành công. Tỷ lệ sống của đàn gà tăng lên trong từng đợt nuôi, đàn gà gia đình anh chăm sóc phát triển khỏe mạnh và bắt đầu cho thu nhập. Thu hoạch trứng gà, anh liên tục lấy lãi quay vòng vốn và mở rộng thêm  quy mô đàn gà. Từ quy mô ban đầu 100 con lên 1000 con...và cứ như vậy,  anh liên tục nhân rộng. Năm 2018, khi kiến thức kỹ thuật đã nắm vững, anh quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại trên diện tích 7 sào đất nông nghiệp của gia đình  với 4 dãy chuồng gà đẻ quy mô 5000 con và duy trì tổng đàn cho đến nay.
          Khởi nghiệp từ 100 con gà, hiện tại mô hình gia trại của anh đã lên đến 5000 con theo mô hình trang trại chăn nuôi. Mặc dù gia đình anh chưa có điều kiện đầu tư theo hướng hiện đại nhưng nhờ áp dụng chăn nuôi kết hợp với sử dụng đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm và men vi sinh trong chất độn chuồng nên khi vào thăm trang trại của anh không hề cảm thấy mùi hôi của phân gà và các chất thải khác . Đây là kết quả mà anh đã học hỏi và ứng dụng công nghệ sử dụng đệm lót sinh học và chế phẩm men vi sinh vào chăn nuôi. Ngoài ra, lượng phân thải anh sử dụng ủ với chế phẩm Tricodema  làm nguồn phân bón cho cây trồng.
Chị Nguyễn Thị Lan (vợ anh Cường) chia sẻ: Gia đình anh chị đã áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật chăn nuôi gà đẻ an toàn sinh học. Gà khi nhập về 1 ngày tuổi, đã được áp dụng quy trình úm và bổ sung vắcxin phòng bệnh, bổ sung vitamin đầy đủ theo từng giai đoạn, quá trình chăm sóc tốt nên tỷ lệ sống cao. Sau 5 tháng nuôi, gà bắt đầu đẻ bói. Hàng ngày gia đình anh chị thực hiện thu gom chất thải, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử trùng định kỳ cho diện tích chuồng nuôi nên hạn chế được nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo tỷ lệ sống của đàn gà, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường nuôi.  Chị Lan cũng chia sẻ thêm: Thời gian khai thác trứng của mỗi con gà từ khi bắt đầu đẻ trứng là 12 – 18 tháng  sau đó sẽ được loại thải làm gà thịt. Gia đình sẽ tiến hành bán với giá 50.000 – 55.000 đồng/kg, toàn bộ nguồn thu từ gà loại thải sẽ được gia đình anh chị tái đầu tư vào chuồng trại. Với lượng gà đẻ ổn định như hiện nay, mỗi ngày gia đình anh chị cung cấp ra thị trường 3000 quả trứng với giá sỉ giao động từ 2500 đồng đến 2700 đồng/ trứng, sau khi trừ chi phí, gia đình anh có lãi khoảng 3 triệu đồng/ngày, tương đương với gần 1 tỷ đồng/năm. Theo chị Lan, đây là giống gà có khả năng đẻ rất tốt, nếu chăm sóc đảm bảo thì mỗi  con gà mái có thể sinh sản được từ 180 – 240 trứng. Trứng gà có màu sắc đẹp, lòng đỏ to và thơm ngon nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Thị trường tiêu thụ của trang trại hiện nay, chủ yếu là các thương lái đến tận nơi thu mua trứng và thông qua sự ký kết với các trường học trong địa bàn. Với sự liên kết các hộ chăn nuôi gà trong vùng, trang trại chăn nuôi gà siêu trứng của gia đình anh Cường chị Lan đã là thành viên của Hợp tác xã trứng gà Nghĩa Hoàn. Sản phẩm trứng gà hiện nay đã được kiểm định và cung cấp tem truy xuất nguồn gốc. Đây là một bước tiến trong sự nỗ lực của gia đình anh và cũng là cơ hội để sản phẩm trứng gà sạch của Hợp tác xã Nghĩa Hoàn có thể tiếp cận, liên kết với các siêu thị và liên kết doanh nghiệp tiêu thụ.
Bằng ý chí, giàu nghị lực và sự quyết tâm, anh Cao Văn Cường đã bước đầu thành công trên con đường khởi nghiệp nuôi gà sinh sản lấy trứng an toàn sinh học. Trứng gà của gia đình anh Cường, chị Lan đã dần khẳng định được chất lượng và uy tín trên thị trường. Mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh được xem là mô hình tiêu biểu, điển hình trong phong trào làm kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng tại địa phương. Với cách làm kinh tế của gia đình anh hiện nay cũng được đánh giá là hướng đi hiệu quả trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tạo ra sản phẩm sạch, an toàn với môi trường và con người. Đặc biệt, việc liên minh, liên kết trong chăn nuôi để tạo ra chất lượng, thương hiệu sản phẩm, tiếp cận với thị trường và các doanh nghiệp tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định là một hướng đi cần thiết trong thời kỳ hội nhập như hiện nay./.
Mô hình: Chăn nuôi gà siêu trứng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại gia đình anh Cao Văn Cường – xóm Đồng Tâm – xã Nghĩa Hoàn
Ảnh: Sản phẩm trứng gà của gia đình anh Cao Văn Cường đã được cấp tem truy xuất nguồn gốc

Trần Thị Tý - Nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
hh3-1.jpg hh7-1.jpg hh4-2.jpg hh1.jpg hh5-3.jpg hh2.jpg hh6-2.jpg z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg a2-9.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye mo-hinh-buoi-1.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây