Khởi nghiệp thành công từ trồng và chế biến cây dược liệu

Thứ ba - 13/09/2022 21:25 939 0
Phan Xuân Diện được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nổi tiếng về truyền thống người dân hiếu hoc, cần cù lao động; nơi đây cũng là quê hương của Nhà Cách mạng Phan Đăng Lưu bất khuất (xã Hoa Thành- huyện Yên Thành- tỉnh Nghệ An).
Khởi nghiệp thành công từ trồng và chế biến cây dược liệu
Anh từng được mẹ cho theo ra đồng làm quen với ruộng vườn từ khi mới biết ngồi trên lưng trâu. Những giọt mồ hôi của cha, tấm lưng gầy của mẹ, truyền thống quê hương, gia đình, dòng họ... đã nuôi dưỡng bồi đắp chàng trai quê lúa trở thành một Kỹ sư Nông nghiệp nhiệt huyết, đam mê. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội năm 2000, sau một thời gian tình nguyện tham gia Đội Tri thức trẻ ở Tây Nguyên, năm 2004 anh về làm việc tại Phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An. Suốt những năm công tác gắn bó với nghề, anh luôn trăn trở phải làm gì để khai thác phát huy thế mạnh của địa phương, tạo việc làm cho người dân, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, đưa sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt đến người tiêu dùng. Năm 2009 anh thành lập Công ty cổ phần dịch vụ khoa học và công nghệ nông nghiệp Thành An với mong muốn chuyển tải, tư vấn kiến thức khoa học đến người dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Anh nhận thấy vùng đất Con Cuông giàu tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, địa hình, có Vườn Quốc gia Pù Mát đa dạng sinh học cao, nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm, đặc biệt có nhiều dược liệu quý mà y học đang cần. Thực tại nhu cầu sử dụng dược liệu trên thế giới ngày càng cao, ở Việt Nam theo thống kê chưa đầy đủ của Viện Dược liệu năm 2007 thì cả nước cần 59.548 tấn dược liệu/năm, trong đó số lượng khai thác trong tự nhiên đạt 20%, từ trồng trọt 26%, còn lại phải nhập khẩu 54%. Ngày 30/10/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1976/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cùng thời gian đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y Tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã có các chủ trương quan tâm phát triển cây dược liệu. Đây là thời cơ mở đường để Phan Xuân Diện thực hiện khát vọng sản xuất dược liệu tại vùng đất Con Cuông.
Năm 2016 anh mạnh dạn đề xuất Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Con Cuông”. Dự án có mục tiêu và nội dung phù hợp chủ trương của Nhà nước nên đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở Khoa học công nghệ Nghệ An ký hợp đồng hỗ trợ đầu tư cho Công ty CPDVKHCNNN Thành An thực hiện Dự án thời gian 2 năm (2016-2018), giao Phan Xuân Diện làm chủ nhiệm Dự án.
Ai đã từng nghiên cứu về nông nghiệp sẽ hiểu rằng đưa một loài cây mới đến trồng tại vùng địa bàn mới mà chưa qua thử nghiệm tức là chấp nhận mạo hiểm với nhiều rủi ro. Phan Xuân Diện bắt tay vào thực hiện Dự án và đã mất trắng 4 ha cây Cà gai leo và Đinh lăng trồng thử nghiệm đợt đầu với số tiền xấp xỉ 500 triệu đồng, cay đắng sau cú vấp ngã nhưng anh đã rút ra những bài học kinh nghiệm với cái giá rất đắt.  Sẽ không có thành công nếu gục ngã trước thất bại. Lúc này anh thấy mình mang nợ với người sản xuất, với Nhà nước, với khoa học. Điều này thôi thúc anh không được tuyệt vọng mà phải cố gắng hơn để khắc phục hậu quả và tiếp tục công việc. Anh quyết tâm nhờ người thân, anh em, bạn bè giúp đỡ cho vay mượn vốn để làm lại. Kết quả Dự án đã ươm được 200.000 hom giống cây dược liệu các loại, xây dựng thành công mô hình trồng 10 ha cây Cà gai leo, Kim ngân, Dây thìa canh... đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, sản xuất sẽ không thể phát triển nếu sản phẩm không tiêu thụ được, sản phẩm bán ở dạng thô sẽ có giá trị thấp, hiệu quả sản xuất không cao, thiếu bền vững. Là người vừa làm công tác nghiên cứu khoa học vừa làm quản lý anh càng không thể an lòng. Không bó tay chờ đợi, Phan Xuân Diện gỡ nốt thắt này đến nốt thắt khác, mạnh dạn tìm mọi cách huy động vốn, thế chấp nhà cửa đất đai... để đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, nhà xưởng, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ tạo cây giống, trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Càng khó khăn càng tôi luyện ý chí quyết tâm, anh tiếp tục học hỏi, tiếp tục thử nghiệm với công nghệ mới và hết sức cẩn trọng trong từng chi tiết, luôn rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Năm 2017, trà túi lọc Dược liệu Pù Mát đã ra đời.
Bên cạnh niềm vui thành công sản phẩm mới là những khó khăn chồng chất khi Công ty đang thiếu thốn nhiều về nhiều mặt như nguồn vốn, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, sản xuất, thị trường, maketting, bán hàng... Nặng lòng trăn trở với khát vọng phát triển bền vững cây dược liệu Pù Mát, năm 2018 đương chức là Phó Trưởng phòng Nông nghiệp PTNT huyện, anh không thể cân đối đủ quỹ thời gian để thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ của Nhà nước và Doanh nghiệp, một quyết định khó khăn nhưng anh phải làm là xin nghỉ việc Nhà nước để tập trung dồn sức phát triển dược liệu. Công ty cổ phần dịch vụ Khoa học và công nghệ Nông nghiệp Thành An được đổi tên thành Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát (CPDLPM) trong năm 2018 do anh làm Giám đốc, nhiệm vụ chủ yếu là trồng, chế biến, tiêu thụ dược liệu. Nguyên liệu được trồng trên vùng núi có độ cao trên 500m so với mực nước biển đồng thời với quy trình sản xuất theo quy chuẩn GACP (Good Agricutural and Collection Product - thực hành tốt trồng trọt và thu hái ), thực hiện nghiêm túc trong từng khâu từ trồng, chăm sóc, thu hái, rửa, sấy khô, chế biến, đóng gói... đã tạo cho sản phẩm Dược liệu Pù Mát có dược lý cao hơn các sản phẩm cùng loại của các công ty khác (theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Dược liệu Viêt Nam). Mặc dầu sản phảm được sản xuất trên dây chuyền tiến tiến đồng bộ, có chất lượng tốt nhưng đây là mặt hàng của một công ty mới trên thị trường, có giá thành cao so với loại mà người dân quen tiêu dùng, vì vậy việc tiêu thụ trà Dược liệu Pù Mát gặp nhiều khó khăn. 
Cùng thời điểm này không chỉ ở một vài nơi mà hầu hết các địa phương trên cả nước đang bế tắc việc tiêu thụ sản phẩm nông, công nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (One commune one product, viết tắt là Chương trình OCOP) nhằm hỗ trợ các giải pháp phát triển cho các doanh nghiệp và người dân. Chương trình OCOP đặc biệt quan tâm xây dựng chiến lược thị trường cho sản phẩm, nhận diện thương hiệu, quản trị doanh nghiệp, tiếp cận khách hàng... Năm 2019 Công ty CPDLPM tham gia Chương trình OCOP và vinh dự có 3 sản phẩm được Hội đồng đánh giá OCOP tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn hạng 4 sao, đó là Trà túi lọc: Cà gai leo, Dây thìa canh và Giảo cổ lam. Dược liệu Pù Mát có chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao tự tin hơn để mở rộng thị trường tiêu thụ đến nhiều nơi như siêu thị, cửa hàng, nhà thuốc, bệnh viện... trong và ngoài tỉnh. Có thị trường tiêu thụ Công ty CPDLPM tiếp tục mở rộng qui mô sản xuất và phát triển các sản phẩm, tháng 12 năm 2021 có thêm 4 sản phẩm được Hội đồng đánh giá OCOP Nghệ An công nhận đạt hạng 4 sao là:  Cao Cà gai leo, cao Dây thìa canh, trà hoa tan Cà gai leo, trà hòa tan Dây thìa canh. Trong 3 năm gần đây Dược liệu Pù Mát vinh dự tự hào luôn trong nhóm sản phẩm của Nghệ An tham dự triển lãm Hội chợ, Hội thảo cấp Quốc gia. Hiện tại Dược liệu Pù Mát không chỉ được người tiêu dùng trong tỉnh biết đến mà đã có mặt tại thị trường thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa, Nha Trang, Trà Vinh, Đắc Lắc... Đến tháng 6 năm 2022 Công ty CPDLPM đã tạo việc làm ổn định cho 164 hộ, qui mô vùng nguyên liệu 23ha trên 6 xã thuộc huỵện Con cuông. Giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích cây dược liệu đạt 220 triệu đồng/ha/năm (cao gấp 3- 4 lần trồng mía). Sự nỗ lực cố gắng bằng tất cả trí lực, thậm chí có cả nước mắt của Phan Xuân Diện đã được người dân và lãnh đạo các cấp, các ngành ghi nhận. Từ năm 2020 đến nay Phan Xuân Diện nhận được nhiều Bằng khen của các cấp: UBND tỉnh Nghệ An, Bộ NN&PTNT, đặc biệt năm 2021 Công ty CPDLPM vô cùng vinh dự được Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính tặng Bằng khen có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016- 2021. Đây là nguồn động viên lớn lao giúp anh có động lực để tiếp tục cố gắng vượt qua mọi thử thách.
Thời gian xây dựng và phát triển chưa dài nhưng những thành công bước đầu cho thấy Dược liệu Pù Mát đang từng bước khẳng định giá trị, thương hiệu. Khát vọng mà Phan Xuân Diện ấp ủ theo đuổi là hữu ích cho cuộc sống và phù hợp thực tế nên đã được sự ủng hộ tích cực từ mọi phía song hành với ý chí quyết tâm, chấp nhận vượt qua mọi chông gai tạo nên thành công. Chứng kiến những thăng trầm vất vả mà anh vượt qua càng thấm thía câu nói mà anh thường tự nhắc nhở bản thân: “Không quan trọng cuộc đời đấm vào mặt bạn bao nhiều lần mà quan trọng là bạn chịu được bao nhiêu quả đấm mà vẫn có thể đứng dậy tiếp tục chiến đấu để rồi chiến thắng”.
 Tin rằng Phan Xuân Diện đang tiếp tục học hỏi, nghiên cứu, tìm kiếm các cơ hội, từng bước nâng cao uy tín chất lượng và sẽ có thêm nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng trong nước và quốc tế./.

 
Ảnh: Ông Hồ Phi Triều - Phó GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT thăm vườn cây Dược liệu của Công ty CPDL Pù Mát
Nguyễn Thị Hà - Nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a4.jpg a8-6.jpg a5-3.jpg a2-3.jpg a6-4.jpg a1-4.jpg a7-6.jpg a13-1.jpg a9-1.jpg a15-3.jpg a10-1.jpg a7-2.jpg a11-3.jpg a12-3.jpg a8-2.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây