Với địa hình ¾ diện tích là đồi núi, tỉnh cũng có gần 1 triệu ha rừng, trong đó gần 230 ngàn ha đất trồng rừng, địa hình dốc nên phù hợp với phát triển cây cao su. Từ năm 2014, tỉnh đã thông qua quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2020 có 23.500 ha và nay để phù hợp với điều kiện mới, tỉnh đã điểu chỉnh giảm nhưng với lợi thế lớn của mình, tỉnh vẫn đặt mục tiêu phấn đấu có 17.000 ha cao su.
Kỳ vọng lớn vào tiềm năng cây cao su
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, cây cao su có mặt tại Nghệ An đã gần 40 năm, mục đích ban đầu chỉ là trồng rừng, phủ xanh đất trồng đồi trọc theo dự án 327 trước đây. Đến những năm 2010-2012, thời điểm cao nhất, mủ cao su tươi có giá 25.000 đồng/kg nên được ví như “vàng trắng” khiến các Nông trường và địa phương phải thay đổi cách nhìn, chuyển sang chăm sóc để khai thác mủ và tăng diện tích trồng mới. Năm 2010-2011 tại Tân Phú, huyện Tân Kỳ, mỗi ha cao su cho thu nhập ròng vài triệu đồng/ngày, người có rừng cao su ban ngày đi làm, ban đêm tranh thủ đặt khay lấy mủ, mỗi tháng thu nhập lên tới 50-70 triệu đồng và là niềm mơ ước của nhiều nông dân miền núi.
Tiếng lành đồn xa, từ một số ít diện tích cao su trồng thử nghiệm ban đầu tại vùng đất thấp, đất đỏ bazan ở Thái Hòa - Nghĩa Đàn và Tân Kỳ; từ năm 2014, trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, Tập đoàn cao su Việt Nam đã tiếp quản diện tích các nông, lâm trường sau chuyển đổi để đầu tư mở rộng diện tích cao su ở Quế Phong, Thanh Chương, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu. Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: trên hiện trạng được gần 12.000 ha, năm 2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 193/QĐ-UBND ngày 17/1/2014, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cao su Nghệ An giai đoạn 2013-2020, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 trồng 23.500 ha, trong đó khối doanh nghiệp là 18.711 ha và người dân là 4.789 ha (thường gọi là cao su tiểu điền).
Cùng với tăng diện tích trồng mới, để đảm bảo đầu ra cho cao su, tỉnh cũng đặt mục tiêu quy hoạch, thu hút xây dựng cơ sở chế biến 24.000 tấn mủ khô/năm. Theo, cùng với nâng công suất các dây chuyền sơ chế, chế biến mủ cũ tại các Nông trường Sông Con, An Ngãi (Tân Kỳ) hay Công ty Cà phê cao su Nghệ An tại Nghĩa Đàn và Thái Hòa, một mặt phấn đấu năm 2020 chế biến đạt 15.500 tấn mủ khô/năm và đến năm 2030 sẽ đầu tư thêm từ 1-2 dây chuyền chế biến mới tại vùng Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu với công suất 7.000 tấn mủ khô/năm để đạt ngưỡng tối đa 23-24.000 tấn mủ khô/năm. Bên cạnh đó, ứng dụng, đổi mới công nghệ, không ngừng nâng cao chất lượng, chủng loại mủ chế biến phù hợp với thị trường tiêu thụ...
Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, do giá mủ cao su giảm mạnh, thậm chí có thời điểm xuống còn 11-12.000 đồng/kg mủ tươi (hiện nay là 14.000 đồng/kg mủ tươi) khiến các doanh nghiệp đang quá trình cổ phần hóa hoặc Tổng đội TNXP trong quá trình chuyển đổi, nguồn lực vốn đầu tư mới không có nên phát triển, mở rộng diện tích rất khó; đầu tư đổi mới công nghệ chế biến mủ lại càng khó hơn.
Trong khi các doanh nghiệp gặp khó thì người dân các vùng trồng cao su cũng chẳng khá hơn. Ông Nguyễn Bá Thức- Nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tân Kỳ thời kỳ này cho biết: khi mủ cao su được giá và tỉnh, doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ, diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn tăng nhanh. Có thời điểm chỉ trong 5 năm, Tân Kỳ đã tăng được cả ngàn ha. Tuy vậy, từ năm 2019 lại đây, giá cao su giảm và các chính sách hỗ trợ cho bà con trồng chưa đủ mạnh nên diện tích không mở rộng được, không những thế, do ảnh hưởng của mưa bão khiến cao su bị gãy hoặc úng rễ nên người dân còn phá bỏ cao su để trồng cây khác...
Trên thực tế, sau 2 năm thực hiện Quyết định số 193, nhận thấy giá mủ cao su giảm mạnh và khó mở rộng diện tích cao su nên ngày 26/12/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 6665/QĐ-UBND phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch phát triển cây cao su theo đó, từ 2020 đến 2030 giảm diện tích từ 23.500 ha xuống 17.000 ha và phấn đấu giữ vững ổn định diện tích đó. Thế nhưng, đến nay, sau 6 năm mục tiêu đạt 17.000 ha cao su cũng khó thành đến tháng 10/2022 toàn tỉnh chỉ có 9.700 ha cao su và theo như đại diện Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật thì tỉnh đang cố gắng để diện tích 10.000 ha và không để sụt giảm thêm.
Giải pháp để “vàng trắng” đứng vững trên vùng đất dốc.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số gần 9.700 ha cao su của tỉnh, hiện 2/3 diện tích đã trên 7 tuổi, nếu đầu tư chăm sóc tốt thì có thể bắt đầu khai thác. Tại Công ty CP đầu tư phát triển cao su Nghệ An, đơn vị trồng nhiều diện tích cao su nhất với 4.500 ha tại 3 huyện Anh Sơn, Quế Phong, Thanh Chương thì đã có 2.000 ha bước vào khai thác; Công ty Cà phê - cao su Nghệ An 2.000 ha tại Nghĩa Đàn, Thái Hòa đã và đang khai; Công ty TNHH Nông nghiệp Sông Con trên 720 ha, đang khai thác 500 ha, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp An Ngãi khai thác 500/500 ha tại Tân Kỳ; còn lại gần 1.000 ha của các đơn vị khác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Hồng Điểm- Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Sông Con cho biết: mặc dù mù cao su hiện khá thấp (14.000 đồng/kg mủ) không khuyến khích được người dân và Công ty cũng phải cân nhắc khi phát triển mới. Tuy nhiên, chỉ cần mủ cao su tươi ở mức 18- 20.000 đồng/kg là người trồng đã có lãi. Trồng cao su khác với cây ăn có múi khác, công chăm sóc ít, mỗi năm chỉ bón phân tổng hợp 1 lần là được. Cao su phù hợp với lao động nông thôn khi ban ngày có thể đi làm thợ, may mặc và buổi tối, gần sáng tranh thủ ra gom mủ là được. Trồng cao su chỉ gặp rủi ro là gặp gió bão lớn hoặc mưa lụt khiến cây bị gãy đổ hoặc úng rễ nên sản lượng khai thác mủ không đạt. Cách đây mấy năm, do bão số 10 đã khiến hàng chục ha cao su của Công ty bão quật đổ 30-40% cây nên phải chặt bỏ. mới đây do bão số 4, mưa to nên một số cây bị úng rễ.
Tương tự, theo ông Nguyễn Ngọc Hùng- Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp An Ngãi: trong bối cảnh giá mủ cao su xuống thấp, để trồng mới cao su thì phải tính toán, kết hợp chuyển đổi loại cây trồng khác. Để phát triển cao su bền vững, cùng với phát triển vùng nguyên liệu thì phải liên kết để đầu tư vào dây chuyền chế biến hiện đại. Hiện nay, dây chuyền sơ chế của Công ty cũng như các dây chuyền chế biến mủ khác tại Nghệ An đốt bằng dầu nên chi phí tốn kém, chất lượng mủ không cao.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong số các dây chuyền chế biến mủ cao su tại Nghệ An thì dây chuyền của Công ty TNHH Nông nghiệp sông Con được coi là khá nhất tỉnh nhưng cũng chỉ mới chế biến thành kiện mủ thô để bán cho 1 đơn vị ủy thác xuất khẩu. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Cà phê - cao su Nghệ An có lượng khai thác mủ hàng năm lớn nhất tỉnh với khoảng 2.000 tấn mủ/năm nhưng dây chuyền chế biến thuộc diện lạc hậu nhất. Ông Võ Quang Tuấn- Giám đốc Công ty thừa nhận: công nghệ kém và chưa có chế biến sâu là hạn chế lớn nhưng đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại là rất khó. Nếu dây chuyền mini cũng ngót nghét vài chục tỷ đồng và nếu dây chuyền hiện đại, công suất lớn thì sẽ hàng trăm tỷ đồng và phải mấy công ty liên kết đầu tư mới đảm bảo được nguyên liệu bền vững.
Hiện nay, với gần 10.000 ha cao su sản lượng mủ khô hàng năm tổng cộng cả cơ sở chỉ khoảng 6.000 tấn mủ khô/năm trong khi dây chuyền lớn, tối thiểu là 20.000 tấn mủ khô/năm. Hiện nay, mủ cao su tại các tỉnh miền Trung trở vào chủ yếu được nhà máy chế biến ở Quảng Trị công suất khoảng 25.000 tấn mủ khô/năm và một nhà máy ở Bình Dương công suất lớn hơn. Sau khi chế biến, phân loại, mủ cao su tại miền Nam thường xuất khẩu đi Châu Âu nên giá cao hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Công ty TNHH MTV nông nghiệp An Ngãi cho biết: mủ cao su ở các tỉnh miền Bắc, sau chế biến chủ yếu nhập cho thị trường Trung Quốc và các tỉnh từ miền Trung trở vào chủ yếu nhập cho Nhà máy tại Quảng Trị và Bình Dương. Nếu như mủ cao su tươi mua vào chỉ 14.000 đồng/kg nhưng qua chế biến có thể bán được 36.000 đồng/kg (hiện nay chỉ còn 29.000 đồng).
Hiện nay, do công nghiệp của nước ta chưa phát triển khiến công nghiệp hỗ trợ cũng chưa thực sự tạo được đột phá. Vì vậy, Việt Nam dù là nước xuất khẩu mủ cao su lớn ở khu vực Đông Nam Á nhưng rất ít nhà máy sản xuất lốp ô tô, xe tải hay đường ống dùng bằng nguyên liệu mủ cao su và sản phẩm như lốp ô tô hoặc đường ống có nguồn gốc cao su đều nhập từ nước khác về.
Ở một góc độ khác, đại diện Nông trường cao su Anh Sơn, Công ty CP đầu tư phát triển cao su Nghệ An cho biết: diện tích cao su của công ty trồng từ 2014, chủ yếu ở vùng đất dốc thuộc địa bàn các xã Phúc Sơn (Anh Sơn) hay Mương Nọc, Tiền Phong (Quế Phong)... So với các đơn vị khác trên địa bàn, Nông trường và Công ty chỉ lo trồng mới, chăm sóc và thu hoạch mủ, vốn đầu tư hay bao tiêu sản phẩm mủ đã Tổng Công ty cao su lo, nhập theo hệ thống riêng. Theo quy hoạch, Công ty sẽ phát triển vùng nguyên liệu tại Nghệ An 10.000 ha nhưng hiện đã trồng 4.500 ha, trong đó 2.000 ha bước vào khai thác. Năm ngoái, sau một thời gian giá mủ nhích lên khoảng 17- 18.000 đồng/kg, 3 tháng lại đây, giá mủ tươi lại quay trở về mức 14.000 đồng/kg mủ tươi nên chưa biết chủ trương của Tập đoàn ra sao. Hiện Công ty cũng đang tích cực chuẩn bị giống cho vụ mới.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh, trước băn khoăn về quy hoạch tỉnh nên mở rộng diện tích cao su trong bối cảnh mủ mất giá, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng chia sẻ: từ trước đến nay, mục đích chính của trồng cao su là lấy mủ. Thế nhưng từ góc độ lâm sinh, bảo vệ môi trường, cây cao su với chu kỳ sinh trưởng, khai thác lâu năm (từ 30-40 năm) nên mục tiêu phủ xanh đất và bảo vệ môi trường rất tốt. Hơn nữa, từ thực tế các tỉnh phía Nam, bên cạnh khai thác mủ, khi hết tuổi khác thác, cao su còn là cây lấy gỗ khá hiệu quả khi sản phẩm được chế biến thành gỗ dăm hoặc gỗ ván nguyên liệu xuất bán sang Malaixia, Singapo. Đây là các sản phẩm gỗ tự nhiên nên được thị trường rất ưa chuộng. Tại các tỉnh phía Nam đã có các dự án đầu tư theo kiêu tuần hoàn, khép kín từ trồng cho đến khai thác, chế biến mủ cao su và cuối cùng là lấy gỗ.
Ông Trần Văn Thìn- Chủ tịch UBND xã Tân An, Tân Kỳ: mặc dù hiện tại giá mủ khá thấp khiến bà con không trồng mới nhưng triển vọng của cây cao su ở các xã miền núi, có nền đất dốc là rất lớn. Đơn cử, xã có 500 ha cao su đang ở độ tuổi khai thác, chỉ cần thiết kế chăm sóc đúng và không bị bão hoặc mưa lụt thì sau 7 năm đã khai thác đến 40 năm. Với giá hiện nay, mỗi ha cao su cho 12-15 triệu đồng và nếu giá mủ trên 18.000 đồng/kg trở lên thì không cây trồng nào trên địa bàn bằng cao su. Vì thế, nếu chưa trồng được thêm thì cũng không nên tùy tiện phá bỏ và đợi hết chu kỳ khai thác. Ngay cả khi khác thác nhựa hết, giá gỗ cao su thanh lý cũng không hề rẻ, mỗi cây tùy theo kích thước mà có giá từ 100 đến 300 ngàn đồng, mỗi ha có từ 500- 550 cây cao su nên mức giá gỗ thanh lý từ 50 đến 150 triệu đồng đồng/ha.
Các chuyên gia nông nghiệp đến từ Bộ Nông nghiệp & PTNT khuyến cáo bà con nông dân và doanh nghiệp Nghệ An với lợi thế lớn về đất rừng trồng cần tính toán để trước mắt giữ vững diện tích và khai thác hiệu qủa cây cao su. Bên cạnh đó, để phát triển mở rộng vùng nguyên liệu cao su lên gần gấp đôi hiện nay, tỉnh cần ưu tiên thu hút dự án đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến mủ cao su theo hướng chuyên sâu, nâng cao chất lượng, sản phẩm mủ; cần ưu tiên xây dựng một nhà máy chung cho cả tỉnh, công suất từ 20-25.000 tấn mủ khô/năm thu mua chế biến mủ nguyên liệu cho cả tỉnh thay duy trì, đầu tư chuyền nhỏ lẻ như hiện nay./.
Kiểm tra mủ cao su khai thác tại vùng nguyên liệu Phúc Sơn
Nguyễn Hải
Thành phố Vinh - nguồn TSKN