Kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ chủ chốt thôn, xóm, bản năm 2023 của Trung tâm Khuyến nông Nghệ An.
Thứ tư - 25/10/2023 21:467340
Thực hiện chương trình công tác năm 2023 từ tháng 7 đến tháng 10, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành công 95 lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt thôn, xóm, bản tại 21 huyện, thành phố, thị xã với thời lượng 02 ngày/lớp, mỗi lớp 50 học viên. Đối tượng tham gia là những cán bộ chủ chốt thôn, bản gồm: bí thư, xóm trưởng, xóm phó, chi hội phụ nữ, Chi hội nông dân, Ban công tác mặt trận, Đoàn thanh niên,... Mục đích của lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho đội ngũ cán bộ chủ chốt thôn, xóm để hướng dẫn, tuyên truyền và chỉ đạo bà con nông dân trong sản xuất tại địa phương.
Ngay sau khi được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt, Ban lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông đã chỉ đạo quyết liệt với tinh thần cao nhất, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác đào tạo, tập huấn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện/thành/thị xã và UBND xã trong việc xác định nhu cầu, đăng ký học viên tham gia trước khi triển khai tập huấn luôn được quan tâm nên bố trí các nội dung tập huấn sát với tình hình sản xuất của địa phương. Vì vậy công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ chủ chốt năm 2023 đạt kết quả cao.
Các lớp tập huấn được bố trí nội dung theo nhu cầu đăng ký của địa phương, nội dung tập huấn của các địa phương đa dạng và phong phú phù hợp với định hướng phát triển của ngành và thực tiễn sản xuất của địa phương. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp với đầy đủ các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp như: kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất lúa chất lượng cao; Kỹ thuật trồng thâm canh một số cây ăn quả, cây lương thực; Kỹ thuật trồng một số cây dược liệu; Kỹ thuật trồng cây keo lấy gỗ; kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo VietGAHP; phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, … Bài giảng được trình bày những hình ảnh sinh động, sát với thực tế sản xuất của người dân nên thu hút học viên tham gia giúp học viên dễ nhớ, dễ hiểu. Bố trí giảng viên có trình độ từ đại hoc trở lên, chuyên môn phù hợp với nội dung, nhiều kinh nghiệm và nhiệt tình hướng dẫn cho học viên. Phương pháp tập huấn là sử dụng phương pháp trao đổi 2 chiều, lấy học viên làm trung tâm. Lớp tập huấn được xây dựng học lý thuyết kết hợp với thực hành trên đồng ruộng hoặc chuồng trại giúp học viên nắm vững và thành thạo các bước kỹ thuật như cách nhận biết các loại sâu bệnh hại và thiên địch trên cây trồng, hướng dẫn ủ chua thân cây ngô làm thức ăn cho gia súc, hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học vào thức ăn chăn nuôi,… Trong thời gian tập huấn, học viên được chia thành các nhóm để thảo luận và thực hành tại hiện trường. Đây cũng là dịp để các học viên được giao lưu, học hỏi, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất.
Lớp học lý thuyết tại xã Minh Hợp – huyện Quỳ Hợp
Mặc dù trong thời gian tổ chức gặp điều kiện thời tiết nắng nóng, có thời điểm gặp mưa lớn nhưng các địa phương đã tích cực đôn đốc học viên, tỷ lệ học viên tham gia đạt 95%. Các học viên tham gia đã nhiệt tình trao đổi, chia sẻ sôi nổi cùng giảng viên để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, từ đó giảng viên tổng hợp, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất cho học viên nên các lớp tập huấn đạt hiệu quả cao.
Lớp học thực hành tại xã Hưng Lộc – Thành phố Vinh
Sau khóa học, các học viên và lãnh đạo các địa phương đã đánh giá cao về nội dung tập huấn rất thiết thực, hài lòng về phương pháp và công tác tổ chức lớp tập huấn sát với tình hình thực tế của địa phương. Từ những kiến thức đã được học, các học viên có thể áp dụng vào sản xuất tại địa phương. Qua tập huấn giúp các học viên là những cán bộ thôn xóm có thêm những kiến thức để tuyên truyền vận động, hướng dẫn bà con nông dân vận dụng vào sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp an toàn hiệu quả và chất lượng góp phần phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp./.