Công tác xây dựng mô hình trình diễn trong 30 năm qua của Trung tâm Khuyến nông Nghệ An
Chủ nhật - 01/10/2023 23:017560
Nhìn lại chặng đường 30 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã đồng hành cùng với các ngành, các cấp và bà con nông dân trong phát triển nông nghiệp, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi chung của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Trong đó, công tác xây dựng mô hình trình diễn có vai trò quan trọng, xuyên suốt đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Mô hình thâm canh cam đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại xã Đồng Thành - huyện Yên Thành - Nghệ An
Giai đoạn từ năm 1991 – 2000,nông nghiệp cả nước nói chung và nông nghiệp của tỉnh nói riêng đã được Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 05/04/1988 của Bộ Chính Trị “cởi trói” cho nông dân, giải phóng sức sản xuất, làm cho nông nghiệp có chuyển biến rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản. Đời sống của bà con nông dân nói chung được nâng lên. Sản xuất nông nghiệp chuyển từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế thị trường, sản xuất hàng hoá. Trong bối cảnh đó, Ngày 11/9/1993, Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Khuyến nông Nghệ An được thành lập. Với chức năng nhiệm vụ của mình, đã tập trung tham mưu và tổ chức xây dựng các mô hình trình diễn về các giống cây trồng, vật nuôi mới, các tiến bộ kỹ thuật mới trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, chất lượng, sản lượng, như các giống lúa lai 1, lúa lai 5; giống mía ROC 1. ROC 10; giống vừng V6; lạc L14; giống đỗ tương AK 03, AK04; chè PH1, TRI 777; dê Bách Thảo, dê Ấn Độ; bò lai Sind; lợn lai F1; gà Tam Hoàng; vịt siêu trứng, siêu thịt… Đặc biệt với việc đưa các giống lúa lai vào sản xuất như giống lúa lai Khang Dân, Tạp Giao…; các giống ngô lai Bioseed 9670, Bioseed 9681, Pacific 11, DR 999, Pioneer 3012, LVN 10, LVN 20… đã góp phần tăng nhanh sản lượng lương thực (quy thóc) của toàn tỉnh từ 53 vạn tấn năm 1991 lên 83 vạn tấn năm 2000.
Giai đoạn từ năm 2001 – 2010, tổ chức Khuyến nông tỉnh có nhiều lần thay đổi, sát nhập, nhưng công tác Khuyến nông nói chung và công tác xây dựng mô hình trình diễn nói riêng vẫn tiếp tục được phát huy, thể hiện vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, mô hình quản lý mới đến với bà con nông dân và người sản xuất. Trên cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh là chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học để thâm canh, tăng năng suất và tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Ngoài việc tiếp tục xây dựng các mô hình về các giống cây trồng vật nuôi mới, đã triển khai nhiều mô hình trình diễn về các tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả như mô hình phủ ni lon cho lạc, mô hình trồng lạc vụ đông; mô hình chăn nuôi tập trung kết hợp trồng cỏ voi, cỏ VA06; mô hình trồng thâm canh ngô vụ đông trên đất hai lúa; mô hình thâm canh lúa thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình chuyển đổi mùa vụ đối với cây lúa, mô hình trồng lúa lai miền núi; mô hình phát triển cây keo, mía nguyên liệu…. Đặc biệt giai đoạn này, trung tâm Khuyến nông là đơn vị được Sở Nông nghiệp & PTNT giao chủ trì tham mưu, triển khai và theo dõi phong trào xây dựng mô hình cánh đồng 50 triệu, sau này tiếp tục đổi thành Mô hình cánh đồng thu nhập cao. Đến năm 2010 đã có trên 124 xã áp dụng với diện tích trên 10.233,4 ha, tổng thu nhập bình quân đạt trên 87,1 triệu đồng/ha, với nhiều công thức luân canh khác nhau, trong đó có những cánh đồng đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm với các công thức Lạc vụ xuân + Dưa hấu hè thu + Lạc (ngô hoặc rau màu vụ đông); chuyên màu; Lúa chất lượng cao vụ xuân + lúa chất lượng cao hè thu + Bí xanh vụ đông.... Một số huyện mở rộng nhiều như: Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc.... Cánh đồng thu nhập cao đã trở thành phong trào rộng khắp góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cải tạo cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật .... vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.
Bên cạnh đó, Mô hình trồng cỏ thâm canh nhằm tạo nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn gia súc đã được nhân rộng trên 20 huyện thành thị với tổng diện tích 2.148 ha. Có thời điểm diện tích trồng cỏ của cả tỉnh đạt trên 4.000 ha năm 2009. Giai đoạn từ năm 2010 – 2020, với nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp của tỉnh là tập trung xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, đẩy mạnh việc gắn kết chặt chẽ “4 nhà”; Quy hoạch và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng diện tích áp dụng công nghệ cao; Sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với liên kết chuỗi giá trị. Hệ thống Khuyến nông từ tỉnh đến xã đã tập trung tham mưu và tổ chức thực hiện các mô hình trình diễn hàng năm phù hợp với định hướng phát triển cây, con của địa phương, đồng thời tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, các công nghệ mới để chuyển giao cho bà con nông dân như: Mô hình trồng cam kết hợp tưới nhỏ giọt tại Thị xã Thái Hòa; Mô hình sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây cam thời kỳ kiến thiết cơ bản tại huyện Nghĩa Đàn; Mô hình trồng thâm canh quýt ngọt có sử dụng công nghệ tưới tại huyện Đô Lương; Mô hình trồng chanh không hạt sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và bao tiêu sản phẩm tại huyện Đô Lương; Xây dựng một số mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao trong nhà lưới, nhà màng tại các huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Đô Lương, Tân Kỳ...; Chuyển giao quy trình sản xuất trồng lạc đạt 5 tấn/ha; quy trình trồng ngô mật độ cao; quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, nuôi tôm công nghệ Biofloc, quy trình nuôi cá hồng mỹ, nuôi cá giá trị cao trong lồng HDPE trên hồ đập; quy trình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo tiêu chẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ...
Giai đoạn từ năm 2021 – 2023, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định quan điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh giai đoạn này tiếp tục xác định nông nghiệp là ngành sản xuất nền tảng, đóng góp lớn vào nền kinh tế, đóng vai trò bảo đảm cho sự phát triển và ổn định xã hội. Tiếp tục phấn đấu phát triển nông nghiệp với tốc độ cao, khoảng từ 4,5 - 5,0%. Về định hướng thì tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển ngành nông nghiệp đa chức năng, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, Hệ thống khuyến nông đã tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ gắn với Chương trình Khuyến nông giai đoạn, các chương trình đề án về phát triển cây con của tỉnh. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học nông nghiệp, sản xuất VietGAP, hữu cơ... theo chuỗi giá trị nhằm vừa nâng cao hiệu quả sản xuất vừa phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường. Nhất là tập trung xây dựng các mô hình trình diễn về hữu cơ, chuyển đổi số như: Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình quản lý tự động các yếu tố môi trường ao nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn”; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ số hoá theo tiêu chuẩn VietGAP; Mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn bằng hệ thống tuần hoàn nước khép kín; Mô hình ứng dụng công nghệ CPF (Composite-Polyurethane Foam) trong bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ; Dự án “ xây dựng mô hình mẫu sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại Nghệ An giai đoạn 2022 - 2024”; Ứng dụng công nghệ cao tưới tự động cho cây nho… Mô hình chuyển đổi thâm canh chè theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, thực hiện năm 2022
Trong 30 năm qua, sự đóng góp của công tác xây dựng mô hình trình diễn vào thành quả chung của hệ thống khuyến nông tỉnh Nghệ An nói riêng và sự phát triển nông nghiệp của tỉnh nói chung là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận còn nhiều tồn tại hạn chế, nhất là có nhiều mô hình đạt được kết quả cao nhưng không nhân rộng được hoặc chậm mở rộng, hay một số mô hình khi không có nguồn hỗ trợ của Nhà nước thì người dân không tiếp tục thực hiện nữa. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ảnh hưởng đến lực lượng lao động già hoá trong nông nghiệp; tình trạng bỏ ruộng gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai... là những thách thức rất lớn đối với nông nghiệp của tỉnh. Vấn đề này đặt ra cho cả hệ thống khuyến nông trong thời gian tới cần có những giải pháp căn cơ để khắc phục tồn tại và phát huy vai trò của mình.Nhiệm vụ của công tác khuyến nông phải được đổi mới toàn diện theo hướng đa dạng, chất lượng và hiệu quả hơn, nhất là chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông, để đủ năng lực đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về công tác khuyến nông phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nguyễn Hồng Giang - Trung tâm Khuyến nông Nghệ An
Nguồn: Bản tin Khuyến nông Nghệ An