Trước tình hình bệnh khảm lá vi rút gây hại nặng trên cây sắn, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng cây sắn trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2023, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất, thâm canh giống sắn mới sạch bệnh, gắn với nhà máy tiêu thụ tại xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, với quy mô 25ha, giống sắn được sử dụng là giống STB1, giống được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận sản xuất thử theo Quyết định số 411/QĐ-BNN-TT ngày 16/12/2017 và công bố lưu hành năm 2021.
Ông: Trịnh Đức Toàn- Phó Viện trưởng- Viện KHKT Nông nghiệp BTB và Ông Tạ Quang Sáng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An chủ trì hội thảo
Từ mô hình cho thấy, Cây sắn rất thích hợp cho vùng Bắc Trung Bộ, sắn sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ mọc đạt trên 90%, độ thuần đồng ruộng tốt, hàm lượng tinh bột đạt trên 30%. So với giống đối chứng KM94 đang được bà con nông dân trong vùng trồng phổ biến thì giống STB1 có các chỉ tiêu bằng hoặc tốt hơn. Cây sắn ở Nghệ An hiện tại bị một số sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh khảm lá vi rút. Tuy nhiên, giống sắn STB1, tỷ lệ nhiễm bệnh nhẹ hơn các giống khác. Năng suất sắn trong mô hình đạt 37,5 tấn/ha cao hơn so với đối chứng KM94 6,2 tấn, tương đương 19,8%. Sau khi trừ chi phí đầu vào, lợi nhuận giống STB1 là 23,770.000 đồng, cao hơn so với giống đối chứng KM94 8.920.000 đồng/ha.
Tham quan mô hình sắn STB1 tại xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương
Kết quả xây dựng mô hình đã giúp người dân trên địa bàn xã Thanh Ngọc và các xã lân cận trong huyện Thanh Chương thấy được việc trồng giống sắn sạch bệnh và các kỹ thuật canh tác sắn bền vững; kinh nghiệm quản lý dịch hại khảm lá sắn và phòng trừ tổng hợp được phổ biến, áp dụng với điều kiện nông hộ có hiệu quả tốt hơn so với phương thức trồng cũ. Nhiều hộ nông dân đã kiến nghị Viện KHKT Bắc Trung Bộ mở rộng mô hình trồng giống sắn sạch bệnh ra các địa bàn khác của huyện Thanh chương.
Các đại biểu xem giống sắn STB1 trưng bày tại hội thảo
Sau hội thảo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ sẽ hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất thâm canh giống săn mới này và sẽ được chuyển giao cho Sở Ban ngành, Trung tâm khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện trong tỉnh để áp dụng và nhân rộng trên các vùng sinh thái của tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Hữu- Trung tâm Khuyến nông Nghệ An