Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có khoảng hơn 2.785 ha diện tích lúa có đủ điều kiện để nuôi cá lúa vụ 3. Tại nhiều cánh đồng ở các địa phương như Hưng Nguyên, Thanh Chương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu… có độ thấp trũng và nguồn nước thuận lợi, sau khi vụ hè thu kết thúc, đủ điều kiện thả cá. Trong những năm qua, phong trào nuôi cá vụ 3 trên địa bàn tỉnh đang đưa lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Tổng diện tích cá lúa vụ 3 toàn tỉnh năm 2019 đưa vào nuôi khoảng 2.785 ha và ước tính sản lượng đạt khoảng 2.785 tấn. Năng suất trung bình toàn tỉnh đạt 10 tạ/ha, với giá trị khoảng 30 - 40 triệu đồng/ha.
Một trong những địa phương có diện tích nuôi cá lúa vụ 3 lớn trong tỉnh là huyện Hưng Nguyên. Năm 2018, diện tích của toàn huyện chỉ hơn 500ha, thì đến năm 2019, diện tích này đã tăng lên trên 600 ha. Diện tích tăng đồng nghĩa với việc người dân đã thấy rõ được hiệu quả kinh tế mà nuôi cá vụ 3 mang lại nên yên tâm sản xuất. Chị Nguyễn Thị Dung, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: Huyện Hưng Nguyên có phong trào nuôi cá vụ 3 từ lâu, nhưng trong những năm gần đây, phong trào này phát triển mạnh mẽ hơn. Bởi sau khi thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa, hệ thống bờ bao, kênh mương đã được cải tạo, nâng cấp tương đối hoàn chỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nuôi cá vụ 3. Ngoài vấn đề không thu thủy lợi phí đối với các hộ nuôi cá vụ 3 trên toàn huyện thì năm nay huyện còn có nguồn kinh phí phát triển nông thôn mới để hỗ trợ cho những hộ tham gia làm mô hình cá vụ 3 là 50% con giống cho một mô hình.
Ghi nhận gia đình anh Phan Văn Vinh, (xóm 5, xã Hưng Đạo) có gần 2 ha lúa ở vùng thấp trũng. Năm 2018, sau khi thu hoạch lúa hè thu xong, anh thả cá giống. Sau gần 3 tháng, anh thu hoạch được hơn 15 tạ cá, với giá bán bình quân 35.000 - 40.000đ/ kg cá, thu về gần 60 triệu đồng sau khi trừ chi phí anh lãi khoảng gần 30 triệu đồng . Gia đình anh nuôi cá vụ 3 cũng đã được hơn 10 năm nay và năm nào cũng cho thu hoạch khá cao. Những năm gần đây, do quy hoạch lại đồng ruộng, bờ, thửa hoàn chỉnh, anh mượn thêm ruộng của hộ liền kề mở rộng diện tích nuôi.
Anh Vinh cho biết: Năm nay gia đình anh đưa vào nuôi khoảng 4 ha ..Ngoài diện tích ruộng lúa của gia đình anh còn thuê thêm diện tích của các hộ xung quanh. Theo anh Nuôi cá vụ 3 được rất nhiều cái lợi. Thứ nhất, khi thu hoạch xong thì tận dụng được diện tích ruộng bỏ không, gia đình có công ăn việc làm, và làm tăng thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Thứ 2, khi dâng nước để nuôi cá cỏ, gốc rạ sẽ phân hủy, vừa làm thức ăn cho cá, vừa làm tăng chất mùn cho đất. Thứ 3, Nuôi cá vụ 3 tốn ít chi phí, nhờ tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Thấy rõ hiệu quả nên năm nay nhiều gia đình mạnh dạn liên kết với nhau cùng thuê ruộng để nuôi cá.
So với các huyện trên địa bàn Tỉnh thì Diễn Châu cũng là địa phương có diện tích nuôi cá vụ 3 nhiều đáng kể. Năm 2019 kế hoạch của huyện đưa vào nuôi cá vụ 3 là 386 ha, thì đến cuối tháng 10 đã đưa vào nuôi 370ha đạt 95,8%. Chị Phan Thị Thuận cán bộ phòng nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: Hiện nay các hộ nuôi cá vụ 3 đang trong quá trình căm sóc, cá phát triển tốt. Mặc dù trong những năm gần đây tỉnh cũng như huyện không có chính sách gì để khuyến khích bà con quá trình nuôi cá nhưng bà con vẫn duy trì đưa vào nuôi đối tượng này.
Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản: Cá giống nên thả cá kích cỡ lớn, đều, khỏe mạnh, để ít bị hao hụt và tăng trưởng nhanh trong quá trình nuôi. Khuyến khích ương nuôi cá giống trong ao để chủ động và đảm bảo kích cỡ cá giống thả nuôi cá lúa vụ 3. Các đối tượng nuôi là cá truyền thống mè, trôi, trắm, chép thì bà con nên mạnh dạn đưa một số loài thủy đặc sản nước ngọt vào nuôi như tôm càng xanh … để nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong quá trình nuôi bên cạnh nguồn thức ăn sẵn có bà con cần bổ sung thêm một lượng thức ăn là tinh bột như cám gạo, ngô, … thức ăn xanh: bèo, cỏ, lá khoai, lá sắn… Vào thời điểm giao mùa hay mùa mưa bão là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh phát triển, sức đề kháng của cá yếu dễ bị nhiễm bệnh. Vì vậy, trước và sau khi mưa cần bón vôi để hạn chế sự phát triển của mầm bệnh trên cây trồng và ổn định pH nước nuôi. Các hộ nuôi phối hợp với nhau để canh giữ tránh hiện tượng dùng kích điện đánh bắt cá trên ruộng làm ảnh hưởng đến phát triển nuôi.
Nuôi cá vụ 3 sau 2 vụ lúa là một tiềm năng cần được khai thác. Lợi ích về kinh tế, về môi trường đã được khẳng định, vì vậy việc phát triển nuôi cá vụ 3 cần được đầu tư quan tâm nhiều hơn nữa, chính quyền các cấp cần phải coi trọng việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo sản xuất cá vụ 3 như là một vụ chính và cần có những chính sách hỗ trợ nong dân, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến khoa học kỹ thuật để việc nuôi cá vụ 3 phát triển thành một nghề có thu hập cao và ổn định. Việc thiết lập các mối tiêu thụ sản phẩm, tạo thị trường ổn định cho người nuôi là một vấn đề cần được quan tâm. Hy vọng với tiền năng sẵn có trên Tỉnh nhà ngày một mở rộng và phát triển để bà con có thể xem dây là một nghề chính có thu nhập ổn định nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân./.
Lệ Hằng - Nguồn TSKN