Từ nguồn vốn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thông qua Hợp đồng số 88/HĐ-TTKN ngày 2/5/2019 với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh hóa, triển khai 01 mô hình nuôi thương phẩm cá chẽm trong ao gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 1 ha tại phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai gồm 05 hộ tham gia.
Nuôi cá chép giòn trên hồ nước lớn ở TX Thái Hòa. Ảnh tư liệu Minh Thái
Cùng với đó, Trung tâm cũng đã chỉ đạo thành công 05 dạng mô hình khuyến ngư từ nguồn ngân sách tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ mô hình là gần 600 triệu đồng với 11 hộ tham gia.
Cụ thể là mô hình Nuôi cá lóc chuyên canh mật độ cao gắn với bao tiêu sản phẩm, quy mô 0,2 ha tại huyện Quỳnh Lưu; mô hình nuôi cá trắm chép giòn lồng nhựa trong hồ đập, quy mô 03 lồng (30 m
3/lồng) tại TX Thái Hòa; mô hình nuôi cá trắm chép giòn trong lồng, quy mô 04 lồng (20m
3/lồng) tại huyện Con Cuông; mô hình Sản xuất tôm nõn Cửa Lò bằng công nghệ máy sấy và đóng gói hút chân không, quy mô 02 hộ, tại TX Cửa Lò; 1 mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong lồng nổi bằng công nghệ Biofloc vụ đông năm 2019.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm bằng công nghệ Biofloc tại xã An Hòa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Hồng Diện
Đến thời điểm này tất cả các mô hình đều đã được nghiệm thu và một số mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật nhất là mô hình Nuôi cá lóc chuyên canh mật độ cao gắn với bao tiêu sản phẩm, tại 02 hộ là ông Bùi Văn Thỏa ở xóm 11, quy mô 0,14 ha và ông Hồ Công Trung ở xóm 9, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, quy mô 0,06 ha. Sau gần 06 tháng nuôi, cỡ cá bình quân đạt 800 g/con, tỷ lệ sống 65%, với giá bán 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí mô hình cho thu lãi gần 300 triệu đồng.
Mô hình thứ hai phải kể đến là mô hình nuôi cá trắm chép giòn lồng nhựa trong hồ đập, quy mô 03 lồng (30m
3/lồng) tại xóm 16, xã Nghĩa Thuận, TX Thái Hòa thả giống tháng 4/2019, số lượng cá thả 360 con, cỡ cá thả 1,5 kg/con. Thu hoạch tháng 11/2019, cỡ cá trắm đạt 3,5 - 4.0kg/con, cá chép đạt 2,8 - 3,3 kg/con, tỷ lệ sống đạt 98%, với giá bán bình quân 150.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí mô hình cho thu lãi gần 40 triệu đồng và mô hình nuôi cá trắm chép giòn trong lồng, quy mô 04 lồng (20 m
3/lồng), tại bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông với 04 hộ tham gia, thả giống tháng 6/2019, số lượng giống thả 320 con. Với giá bán 130.000 đồng/kg mô hình cho thu lãi 47 triệu đồng.
Từ kết quả của 2 mô hình nuôi cá trắm, chép trong lồng nói trên cho thấy thời gian nuôi từ 5-7 tháng khi (nuôi ao) xuống 3-5 tháng, cả 04 hộ nuôi đều có lãi từ 40 - 47 triệu đồng. Đặc biệt là rất thuận tiện trong quá trình thu hoạch, có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ mà độ dai, giòn của thịt cá vẫn không thay đổi, một hiện tượng thường thấy khi nuôi trong ao. Thành công này đã mở ra một hướng mới trong nuôi cá trắm giòn chép giòn.
Mô hình nuôi cá lồng trắm, chép giòn tại TX.Thái Hòa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Thái
Tiếp đó là mô hình Sản xuất tôm nõn bằng công nghệ máy sấy và đóng gói hút chân không, quy mô 02 hộ, tại hộ bà Mai Thị Lý, phường Nghi Thủy và hộ bà Nguyễn Thị Hường, phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò. Hiệu quả kinh tế đạt 33 triệu đồng/mẻ sản xuất. Sản phẩm thể hiện nhiều ưu việt so với sản xuất truyền thống trước đây khi người dân sấy bằng than tổ ong và than hoa. Sản phẩm sấy theo phương pháp mới này đảm bảo vệ sinh ATTP, được đóng gói đảm bảo mỹ thuật và an toàn.
Ngoài ra, phải kể đến là thành công của mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong lồng nổi bằng công nghệ Biofloc vụ đông năm 2019. Sau 60 ngày thả nuôi tôm đạt kích cỡ bình quân 80 con/kg, tỷ lệ sống 85%, với giá bán 180.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí mô hình cho thu lãi trên 100 triệu đồng.
Từ thành công này có thể khẳng định là đối với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Nghệ An trong vụ đông nhiệt độ thấp thì nếu những vùng được quy hoạch cho phép nuôi như: Diễn Trung, Diễn Hải huyện Diễn Châu … Nếu người nuôi tôm có đầu tư cơ bản (xây dựng lồng, có mái che …) thì có thể đưa vào nuôi, mặt khác kết quả mô hình cũng cho thấy là nuôi vụ này giá tôm thương phẩm cao và ổn định hơn vụ 1 hàng năm.
Mô hình nuôi tôm trong bể tròn và nổi ở xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Trân Châu
Từ những thành công của các mô hình khuyến ngư trong năm 2019 có thể thấy: Các mô hình phải được xây dựng từ yêu cầu của thực tiễn sản xuất (mô hình gắn với tiêu thụ sản phẩm, mục tiêu nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu,…).
Trần Trung Thành - nguồn baonghean.vn ngày 06/01/2020 06:56