Một số lưu ý khi nuôi thương phẩm cá chim trắng vây vàng
Chủ nhật - 05/01/2020 20:333.1530
Cá chim trắng vây vàng là loài cá biển có chất lượng thịt thơm ngon, giá trị kinh tế cao nên những năm gần đây cá chim trắng vây vàng được nhiều nông dân tỉnh Nghệ An lựa chọn đưa vào nuôi trên một số diện tích nuôi tôm kém hiệu quả như: Xã Nghi quang, Nghi hợp huyện nghi lộc, Hưng hòa Thành phố Vinh…
Tuy nhiên, cá chim trắng vây vàng là đối tượng nuôi mới, nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi khiến cho năng suất thấp, rủi ro trong quá trình nuôi cao. Do đó, việc tuân thủ một số lưu ý sau sẽ giúp nông dân nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với địa điểm nuôi cá chim trắng vây vàng bà con cần chọn nơi có địa hình thuận tiện, biên độ dao động của thuỷ triều từ 2 - 3 m. Chất đất: sét, sét pha cát (giữ được nước ao). Có nguồn nước đảm bảo chất và số lượng để có thể cung cấp cho hệ thống ao chủ động trong suốt quá trình nuôi. Yêu cầu chỉ số kỹ thuật một số yếu tố môi trường phù hợp nhất trong ao nuôi: Nhiệt độ 26-32 (oC), Độ mặn 10 - 20‰, Oxy hoà tan 5-7 mg/l, NH3 < 0,9 mg/l, pH nước 7,5 – 8,5. Nếu nuôi trong hệ thống ao nuôi tôm kém hiệu quả thì nên lựa chọn ao nuôi không trải bạt đáy Nên thiết kế ao nuôi có dạng hình chữ nhật, diện tích phù hợp 2.000 - 5.000 m2. Độ sâu của ao từ 1,2 - 1,5 m. Ao có hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt. Đáy ao bằng phẳng hơi nghiêng về phía cống thoát để tiện cho quá trình vận hành. Trước vụ nuôi tiến hành tháo cạn nước ao, nạo vét bớt lớp bùn đen ở đáy ao, phơi đáy ao từ 3-5 ngày (tùy vào điều kiện thời tiết), tu sửa lại bờ cống ao chống rò rỉ trong quá trình nuôi. Bón vôi bột với lượng 1.000 kg/ha riêng những ao chua phèn có thể bón với lượng 3.000kg/ha sau đó phơi đáy ao từ 1 - 2 tuần tùy vào hiện tượng của ao. Nếu theo dõi trong nhiều năm nuôi thấy góc ao xì phèn nhiều (có váng đỏ xuất hiện nhiều nơi góc ao) thì bà con không nên tháo cạn hết nước để phơi ao mà nên cải tạo ướt; để mức nước 5-10 cm sau đó tiến hành bón vôi và ngâm, tập trung lượng vôi bón nơi có xuất hiện nhiều váng đỏ). Cấp nước vào ao phải được lọc qua lưới lọc có cỡ mắt lưới 40 mắt/cm2 để ngăn sinh vật tạp vào ao. Kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi và đảm bảo các thông số cần thiết như pH đạt từ 7,5 - 8,5, độ mặn ổn định và dao động từ 20 - 28‰ trước lúc thả giống. Chọn cá giống có kích cỡ đồng đều 8 - 10 cm, khoẻ mạnh, không dị hình dị tật, không có dấu hiệu bệnh lý, bơi lội nhanh nhẹn, nên kiểm tra bệnh VNN (bệnh hoại tử thần kinh). Hiện nay nguồn cá giống được cung cấp chủ yếu từ Viện hải dương học Nha Trang và Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1. Đối với điều kiện của Nghệ An là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, chịu ảnh hưởng của mùa đông vì vậy cũng cần tranh tủ thả sớm, khoảng tháng 3 - 4 hàng năm là tốt nhất. Mật độ chỉ nên thả: 1 - 2 con/m2 và tắm cho cá bằng nước ngọt hoặc formaline với nồng độ 20 ppm từ 10 - 15 phút, trong quá trình tắm phải cung cấp sục khí cho cá để không bị thiếu Ôxy. Nên thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để tránh hiện tượng sốc nhiệt hoặc sự biến động lớn của các yếu tố môi trường giữa dụng cụ vận chuyển giống (bao đựng giống) và ao nuôi. Thức ăn cho cá chim trắng vây vàng chủ yếu được bà con sử dụng là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có hàm lượng đạm 45% và lipid 15%. Thức ăn được bảo quản nơi khô ráo và không bị ẩm mốc, đang còn hạn sử dụng. Tuỳ theo cỡ cá để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp cỡ cá 20-80 g, cỡ viên thức ăn 2 mm, lượng thức ăn 3-4 % trọng lượng thân; cỡ cá 90-250 g, cỡ viên thức ăn 3 mm, lượng thức ăn 2-3 % trọng lượng thân; cỡ cá trên 250 g, cỡ viên thức ăn 5 mm, lượng thức ăn 1,5-2 % trọng lượng thân. Tuy nhiên có một số hộ bổ sung thêm thức ăn là cá tạp để giảm chi phí, điều này là không nên bởi sẽ làm cho môi trường ao nuôi dễ bị ô nhiễm dẫn đến bệnh dịch mặt khác với việc khó kiểm soát hệ số chuyển đổi (FCR) dẫn đến chi phí cao, hiệu quả kinh tế thấp. Quá trình chăm sóc và quản lý cá chim trắng vây vàng giai đoạn mới thả cá cho thức ăn vào khung nhựa hoặc tre để giữ thức ăn cho cá. Cho ăn ngày 2 lần vào buổi sáng 7-8h và buổi chiều mát 17 - 18h. Những ngày trời lạnh (nhiệt độ nước dưới 17oC) hoặc trời nóng (nhiệt độ nước trên 36oC) không cho cá ăn, khi cho cá ăn cần quan sát kỹ khả năng bắt mồi để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Theo dõi chất lượng nước thuỷ triều và chất lượng nước trong ao để tiến hành thay nước. Hàng tháng thay 20 - 30 % lượng nước ao nuôi. (Lưu ý trong khi thay nước ao nuôi cần phải kiểm tra nguồn nước có đảm bảo được mức độ sạch và nồng độ muối tránh làm cho cá bị sốc, nồng độ muối dao động trong khoảng từ 20-28‰ là thích hợp nhất) Từ tháng thứ 2 cần cung cấp thêm quạt nước để tăng Oxy cho cá. Cá chim trắng vây vàng thường mắc bệnh trùng bánh xe và trùng quả dưa khi nhiệt độ nước từ 23 - 26oC. Ở Nghệ An thường từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau cá thường mắc bệnh. Khi cá bị bệnh thường bỏ ăn, bơi tách đàn không định hướng. Thân cá bị lở loét sau từ 2 - 3 ngày mắc bệnh. Phòng bệnh: luôn giữ nước ao sạch và áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp một cách triệt để như: Chọn giống khỏe mạnh, tăng cường đề kháng cho cá, quản lý tốt môi trường ao nuôi nhằm hạn chế mầm bệnh trong ao.
Thu hoạch cá chim vây vàng tại hộ anh Tuấn, xã Nghi Hợp huyện Nghi lộc Trần Trung Thành - nguồn Tập san KN