Nuôi trồng thủy sản: Chuẩn bị tốt nhằm hướng tới vụ nuôi tôm thành công
Thứ năm - 03/03/2022 04:321.0990
Năm 2021, Nuôi trồng Thuỷ sản (NTTS) Nghệ an đứng trước những khó khăn Thời tiết, diễn biến phức tạp dẫn đến bệnh trên đối tượng nuôi vẫn thường xuyên xảy ra. Đặc biệt là ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID - 19, thị trường tiêu thụ khó khăn trong khi giá dịch vụ đầu vào cho NTTS tăng mạnh.
Khắc phục những khó khăn đó NTTS sản Nghệ an đã vượt khó để về đích, một số chỉ tiêu kế hoạch thực hiện năm 2021 đều đạt và vượt. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 23.046 ha bằng 107,19% kế hoạch, trong đó: Nuôi ngọt đạt: 20.396 ha. Nuôi mặn lợ đạt 2.650. Riêng diện tích nuôi tôm đạt 2.400 ha bằng 103,00%.Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 63.284 tấn bằng 109,41 % so năm 2020, trong đó: Sản lượng nuôi ngọt đạt: 49.800 tấn nuôi mặn, lợ đạt 13.484 tấn. Sản xuất, ương dưỡng tôm giống đạt 2.457 triệu con (tôm Sú 241 triệu con, tôm Thẻ chân trắng 2.216 triệu con), bằng 116,5% so năm 2020. Sản xuất cá giống các loại đạt 680 triệu con.Giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010 đạt: 2.100.039 triệu đồng, bằng 107,89% so năm 2020. Mục tiêu đối với NTTS Nghệ An năm 2022 Diện tích NTTS đạt 21.500 ha, trong đó nuôi ngọt 19.000 ha, nuôi mặn lợ 2.500 ha, sản lượng NTTS 63.000 tấn, sản xuất giống các loại 850 triệu con, tôm giống 2.400 triệu con. Để đạt được mục tiêu trên thì ngay từ đầu năm Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn đã có thông báo lịch khung lịch mùa vụ Nuôi trồng thủy sản năm 2022,theo đó đối với Sản xuất giống tôm sú Thời gian sản xuất giống từ 04/02 -30/7/2021. Sản xuất, ương dưỡng giống tôm thẻ chân trắng từ 04/02 - 30/11/2022. Sản xuất cua biển từ 04/2- 30/8/2022. Đối với sản xuất, ương nuôi cá giống nước ngọt các đối tượng Cá truyền thống vụ Xuân từ 22/12 - 30/6/2022, vụ Thu từ 10/7 -05/10/2022.Cá Rôphi Thời gian sản xuất giống vụ Xuân hè từ 20/3 - 20/6/2022, vụ Thu Đông từ 7/8-05/10/2022. Thời gian thả nuôi thương phẩm các đối tượng nuôi mặn, lợ. Tôm sú, chỉ thả nuôi 01 vụ trong năm, thả giống từ 05/4 -30/5/2022; mật độ 10-30 con/m2; kích cỡ tôm giống đạt tối thiểu P15. Nuôi Ngao bãi triều thả giống tập trung từ 05/3 - 20/5/2022, thả bổ sung từ 01/10 - 30/11/2022; mật độ 150 - 200 con/m2; kích cỡ 500 - 1000 con/kg. Riêng nôi tôm thẻ chấn trắng Nuôi tôm thẻ chân trắng vụ chính thả giống từ 05/4 -30/6/2022; mật độ 80-250 con/m2; kích cỡ tôm giống P12. (Đối với những cơ sở nuôi có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo cho ương gièo). Vụ Đông: Thả giống từ 01/9 - 30/10/2022; mật độ 80 - 150 con/m2; kích cỡ tôm giống P12. Chỉ áp dụng cho các vùng nuôi tôm độc lập, điều kiện cơ sở hạ tầng và môi trường nước đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Các đối tượng nuôi nước ngọt như cá Rô phi đơn tính thả giống từ 05/4 - 30/6/2022, mật độ 3-5 con/m2; kích cỡ 100 - 200 con/kg; phải trang bị hệ thống cung cấp ôxy cho ao nuôi. Cá hồ đập thả giống từ tháng 4 - tháng 5/2022 và tháng 10 - tháng 11/2022; mật độ 40 - 100 kg/ha; kích cỡ 10 - 25 con/kg. Nuôi cá lồng trên sông, hồ đập mặt nước lớn thả giống từ 5/4 - 30/5/2022; mật độ 20 - 30 con/m3; kích cỡ 20 - 25 con/kg. Nuôi Cá xen lúa: Thời vụ thả giống từ tháng 02/2021 (sau khi cấy lúa 15 - 20 ngày, lúa đã cứng cây thì có thể thả cá); mật độ 100 - 120 con/sào; kích cỡ 20 - 40 con/kg. Ruộng cấy 1 vụ lúa, nuôi 1 vụ cá (chủ yếu ở các vùng chiêm trũng): Thời vụ thả giống từ đầu tháng5/2022; mật độ 200 - 250 con/sào; kích cỡ 20 - 60 con/kg . Nuôi cá vụ 3 thả giống từ 01/9 - 30/10/2022; mật độ 40 - 60 con/sào; kích cỡ 3 - 5 con/kg. Nuôi cá trong ao, hồ nhỏ đối với hình thức nuôi chủ yếu là nuôi ghép các loài cá truyền thống; thả giống chính vụ từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5/2022 mật độ 1 - 3 con/m2; kích cỡ 30 - 80 con/kg. Về các yêu cầu kỹ thuật bà con cần phải chuẩn bị ao nuôi và ao chứa nước tiến hành theo ba bước: Bước 1: Tháo cạn nước ao nuôi và ao chứa. Loại bỏ các địch hại có trong ao (tôm, cua, ốc, côn trùng, cá tạp…). Vét bùn đáy ao, tu sửa bờ, các cống cấp nước, thoát nước. Bước 2: Đối với ao nền đất bón vôi bột nông nghiệp và phơi đáy ao từ 20 - 30 ngày. Số lượng vôi từ 3 - 3,5 tấn/ha. Bước 3: Đối với ao đất: Bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp còn sót lại, diệt khuẩn trong bùn, giải độc (kim loại nặng, H2S) và trung hòa pH. Riêng với ao lót bạt cần vệ sinh khử trùng, rửa sạch ao và rải vôi CaO hòa nước sệt tưới vào các kẽ bạt. Lưu ý: Tốt nhất bón 50% vôi bột CaCO3 và 50% dolomit CaMg(CO3). Đối với ao lót bạt chủ yếu bón dolomit [CaMg(CO3)] cho đến khi đo độ kiềm đạt theo tiêu chuẩn thả. Công tác lấy nước và xử lý nước thực hiện theo bốn bước:Bước 1: Lấy nước vào ao chứa qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp. Để ổn định 3 - 7 ngày. Bước 2: Chạy quạt nước liên tục trong 2 - 3 ngày để kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng, cá tạp nở thành ấu trùng. Bước 3: Sau chạy quạt nước liên tục 2 - 3 ngày (để trứng cá tôm nở hết) bắt đầu diệt tạp bằng Saponin 15 - 16g/m3 (nếu độ mặn nước ao thấp < 20‰ nên ngâm trước 1 đêm và thêm muối vào để đạt độ mặn 30‰ để tăng hiệu quả diệt tạp); Sử dụng Iodine, Over dine xử lý lúc 5 - 6h sáng tăng hiệu quả của Iodine do thời điểm đó oxy và pH thấp nhất. Ngày hôm sau kiểm tra độ kiềm đạt 100 -120mg/l, nếu thấp bón Dolomite (vôi đen) cho đến đạt tiêu chuẩn. Bước 4: Cấp nước từ ao chứa sang ao nuôi qua túi lọc, độ sâu nước từ 1,3-1,4m. Gây màu nước, tùy vào điều kiện của từng ao và kinh nghiệm nuôi của bà con, tuy nhiên có thể tham khảo cách cách sau: Cách 1 tiến hành theo công thức 2:1:2 (thành phần gồm 2 kg cám gạo (hoặc cám ngô) + 1 kg bột cá + 2 kg bột đậu nành). Trộn đều hỗn hợp trên sau đó nấu chín, ủ kín từ 2 - 3 ngày. Dùng cám ủ bón để gây màu, liều lượng 3 - 4 kg/1.000 m3 nước, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi đạt độ trong cần thiết (30 - 40 cm). 7 ngày sau bón bổ sung, liều lượng giảm 1/2 so với ban đầu (căn cứ màu nước để bổ sung). Cách 2 thực hiện theo công thức 3:1:3 (thành phần gồm 3 kg mật đường + 1 kg cám gạo (hoặc cám ngô) + 3 kg bột đậu nành). Công thức này không cần nấu chín, trộn đều sau đó ủ kín trong 12 giờ. Dùng cám ủ bón để gây màu, liều lượng 2 - 3 kg/1.000 m3 nước, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi đạt độ trong cần thiết (30 - 40 cm), 7 ngày sau bón bổ sung, liều lượng giảm 1/2 so với ban đầu (căn cứ màu nước để bổ sung). Cách 3: Dùng 5 - 6 lít mật + 15g men bánh mỳ + 1kg thức ăn số 0 + 2 lít nước ngọt sạch khuẩn ủ trong thời gian 24 giờ, dùng cho 1000 m3, gây màu nước liên tục trong 7 - 10 ngày đầu, thời điểm gây màu tốt nhất từ 7 - 8 giờ sáng. Cách 4: Sử dụng một số chế phẩm vi sinh chất lượng có trên thị trường để gây màu vd: Dùng 250g EZ Pon (Fementech) + 20 lít nước sạch + 2kg bột đậu nành ủ yếm khí 24 h té đều cho 2.000 m3 nước, cách 2 ngày/1 lần làm trong vòng 3 lần, sau 6 ngày kiểm tra chất lượng nước, pH, Kiềm, độ trong ... đảm bảo tiêu chuẩn thì tiến hành thả giống. Chọn tôm giống, cần chọn con giống đạt chuẩn Post 15 đối với tôm sú và Post 12 đối với tôm thẻ chân trắng, đồng thời thử chất lượng tôm giống bằng cảm quan với các tiêu chí như kích cỡ đồng đều, đường ruột to, tỉ lệ ruột/cơ đạt chuẩn 1/4, bơi lội linh hoạt. Kế tiếp tiến hành gây sốc bằng cách hạ đột ngột độ mặn chỉ còn 50% (ví dụ từ 20‰ xuống 10‰), hoặc sốc Formol với liều lượng 2 lít/10 lít nước trong 1 giờ, nếu tỉ lệ sống tôm trên 90% là đạt yêu cầu. Sau đó tiến hành kiểm dịch tôm giống bằng phương pháp PCR tại các cơ quan kiểm dịch giống thủy sản của các tỉnh/thành để chắc chắn tôm giống khỏe mạnh, không mang mầm bệnh; Đối với tôm thẻ chân trắng, tôm giống trong đàn có độ đồng đều cao, đồng thời áp dụng các phương pháp chọn tôm giống tương tự như đối với tôm sú. Về việc thả giống, bà con nên yêu cầu các trại giống thuần hóa độ mặn giữa trại ương tương ứng với độ mặn trong ao nuôi. Khi thả tôm giống cần chọn thời điểm trời mát (buổi sáng, chiều tối) và tiến hành ngâm bao tôm vào nước khoảng 30 phút để cân bằng nhiệt độ giữa nước tôm trong bọc và ao nuôi trước khi thả. Các khâu quản lý chăm sóc và phòng bệnh tuân thủ theo các bước quy trình kỹ thuật.
Ảnh: Công tác chuẩn bị vào vụ nuôi tôm năm 2022 tại hộ ông Nguyễn Cảnh Toán, P Quỳnh XuânTX Hoàng Mai Trần Trung Thành - Nguồn TSKN