Thành công từ mô hình nuôi thương phẩm cá Hồng Mỹ trong ao/hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm
Thứ ba - 11/01/2022 20:031.2420
Với mục tiêu kiểm soát được tác động của môi trường đến nghề nuôi thủy sản mặn lợ, thời gian gần đây một số diện tích nuôi tôm, người nuôi đã chuyển đổi sang nuôi ốc hương, cá mú, cá vược… nhưng cũng chưa khẳng định được hiệu quả đem lại.
Bên cạnh đó trong những năm gần đây do ảnh hưởng của thời tiết, điều kiện biến đổi khí hậu đã gây không ít trở ngại cho người nuôi thủy sản đặc biệt là nuôi tôm, một số vùng nuôi tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh, hiệu quả kinh tế đem lại cho người nuôi không cao. Nguyên nhân chủ yếu là do ao nuôi lâu năm đã tiềm ẩn nhiều dịch bệnh cùng với sự thâm canh quá mức của người nuôi, do sử dụng nhiều kháng sinh hóa chất làm cho môi trường bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng, sự phát triển không đồng bộ, không tuân thủ quy hoạch dẫn đến dịch bệnh ngày càng nhiều. Để ứng phó với những diễn biến phức tạp về dịch bệnh, môi trường ao nuôi, đặc biệt là sử dụng và khai thác các diện tích ao nuôi tôm kém hiệu quả hoặc những ao nuôi tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh thì việc triển khai nuôi cá Hồng Mỹ đang bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Hồng Mỹ trong ao/hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại xã Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai, với quy mô 01 ha gồm 2 hộ dân tham gia mô hình. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% con giống, 50% thức ăn và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi trong suốt quá trình triển khai. Sau 8 tháng nuôi trọng lượng cá đạt 900g/con, tỷ lệ sống ước đạt 80%, năng suất đạt 10,8 tấn/ha, với giá bán tại thời điểm hiện tại là 80.000 đồng/kg. Tổng mô hình thu được 864 triệu đồng, Sau khi trừ chi phí thức ăn, con giống, thuốc, chế phẩm sinh học, công chăm sóc…, mô hình cho lợi nhuận trên 150 triệu đồng/1ha. Song song với việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi đến cho bà con nông dân Trung tâm Khuyến nông Nghệ An cũng đã tìm kiếm được các doanh nghiệp trên địa bàn ký cam kết thu mua sản phẩm cho các hộ nuôi. Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân hướng tới việc xây dựng các tổ hợp tác sản xuất, các vùng nuôi cá biển tập trung theo quy mô lớn trên địa bàn Tỉnh Nghệ An. Vì vậy, người dân có thể mở rộng diện tích nuôi cá Hồng mà không phải lo về thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Từ hiệu quả kinh tế khi triển khai mô hình cho thấy nuôi cá Hồng Mỹ trước hết tận dụng được các ao nuôi, nhất là các ao bỏ hoang do nuôi tôm kém hiệu quả hoặc những ao nuôi thường xuyên bị dịch bệnh chuyển sang nuôi cá Hồng Mỹ. Bởi vì Cá Hồng Mỹ là đối tượng dễ nuôi, có khả năng thích nghi tốt với các điều kiện môi trường và với các loại thức ăn đặc biệt là thức ăn công nghiệp dạng viên. Tuy nhiên, cá Hồng Mỹ là đối tượng nuôi cần nhiều ôxy nên phải lưu ý sử dụng một số thiết bị như quạt nước, chạy sục khí để luôn luôn đảm bảo hàm lượng ôxy cho cá trong quá trình nuôi nhất là khi cá lớn đạt trên 500 gram/con. Mặc khác, việc sử dụng thức ăn công nghiệp để thay thế thức ăn cá tạp trong nuôi thương phẩm cá Hồng Mỹ giúp người dân chủ động trong tìm kiếm thức ăn, giảm áp lực đối với việc khai thác nguồn cá nhỏ để làm thức ăn cho cá, giảm thiểu ô nhiễm đáy ao nuôi giữ được môi trường ao nuôi sạch, hướng tới mô hình nuôi bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Lãnh đạo Sở Nông Nghiệp và PTNT Nghệ An kiếm tra mô hình nuôi cá Hồng Mỹ tại hộ Ông Vũ Xuân Diễn, xã Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai Phạm Ngọc Hùng Trung tâm khuyến nông Nghệ An