Phòng bệnh cho cá nuôi trong giai đoạn chuyển mùa

Thứ tư - 22/09/2021 23:09 1.601 0
                  
          Trong suốt quá trình nuôi cá người nuôi nên tuân thủ nguyên tắc phòng bệnh cho cá là tốt nhất. Vì khi cá bị bệnh việc điều trị rất khó khăn, tốn kém, hiệu quả không cao.
Phòng bệnh cho cá nuôi trong giai đoạn chuyển mùa
          Giai đoạn chuyển mùa thu - đông các đối tượng nuôi thủy sản thường hay mắc bệnh gây tổn thất cho người nuôi. Tuy nhiên nếu người nuôi tuân thủ tốt một số yêu cầu kỹ thuật sau đây sẽ góp phần hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra do các bệnh.
          1. Những nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh cá:
          - Chất lượng nước bị thay đổi: Nhiệt độ nước thay đổi đột ngột vào tháng 12 đến tháng 2 (có thể xuống thấp đến 18 - 220C) hoặc nhiệt độ tăng cao vào tháng 3 đến tháng 6 (lên đến 30 - 380C), nhiệt độ ban ngày và ban đêm có sự chênh lệch lớn từ 7 - 100C làm cho cá sốc bỏ ăn, suy yếu, tạo điều kiện cho sinh vật gây bệnh phát triển, làm cho cá dễ bị bệnh.
          - Nước ao kém chất lượng do quản lý không đúng kỹ thuật hoặc nguồn nước cấp bị ô nhiễm hóa chất độc, vi khuẩn, vi rút.
          - Sau mỗi đợt nắng nóng xen kẽ là các đợt mưa dẫn đến nhiệt độ nước giảm đột ngột, pH giảm, tảo chết phân hủy gây thiếu oxy tầng đáy, tạo khí độc H2S, NH3… làm cá nổi đầu, nếu không được xử lý kịp thời dẫn đến cá chết hàng loạt.
          - Chất lượng thức ăn kém: Chất lượng thức ăn kém, không đủ dinh dưỡng cho cá sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển và làm ô nhiễm nước ao.
          - Nguồn giống thả kém chất lượng: Cá có thể đã bị nhiễm bệnh từ nguồn giống thả nuôi chưa được kiểm tra chất lượng, mang sẵn mầm bệnh mà chưa được xử lý diệt trùng, khi thả cá xuống nuôi gặp thời tiết thay đổi sẽ dễ bị nhiễm bệnh.
          2. Biện pháp phòng bệnh chung:
          - Thường xuyên theo dõi ao cá. Khi cá nổi đầu, cần xác định ngay nguyên nhân. Nếu do thiếu oxy, cần tăng cường quạt nước, phun nước, giảm lượng thức ăn. Chú ý không nuôi thâm canh với mật độ dày, vượt khả năng của ao. Với ao cũ, mỗi lần thay nước cần tiến hành xử lý nước bằng vôi bột
          - Thường xuyên kiểm tra mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh. Bảo đảm môi trường ao nuôi cho cá trong sạch bằng các biện pháp hóa dược như sử dụng bột đá, vôi bột, vôi nước bón định kỳ cho ao nuôi, liều lượng tùy theo đối tượng nuôi.
Ví dụ: Nuôi cá rô phi định kỳ 7 – 10 ngày bón 1 lần vôi bột với hàm lượng 1 - 2 kg/100m3 nước. Sử dụng Zeolite bón vào 3 tháng cuối chu kỳ nuôi để chúng hấp thu các độc tố (NH3, H2S) và kim loại nặng.
          -  Tăng cường sức đề kháng cho cá:
          Bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn cho cá ăn hằng ngày. Liều lượng sử dụng tùy theo đối tượng nuôi, ví dụ như rô phi là 50 - 60 mg/kg cá/ngày. Hoặc sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ dường ruột; liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sử dụng dầu mực nhằm bao bọc thức ăn và thuốc, tránh tan rữa nhanh trong môi trường nước, tạo mùi hấp dẫn cho cá bắt mồi nhiều, liều dùng 10g/kg thức ăn.
          Để phòng trị các dạng bệnh ngoại ký sinh trùng trên cá, người nuôi có thể sử dụng muối (NaCl) và vôi (CaO). Cách sử dụng như sau:
* Vôi và muối cho vào túi vải treo ở 4 góc nơi cho cá ăn và nên bắt đầu treo khi cho cá ăn (mỗi loại một túi cho mỗi góc).
-  Nuôi lồng bè sử dụng hàm lượng như sau: vôi: 2 - 5 kg/túi, muối 10 - 20 kg/túi.
-  Nuôi ao sử dụng vôi: 1 - 2 kg/túi, muối 10 kg/túi.
* Liều lượng trên có thể thay đổi trong phạm vi cho phép tùy theo quy mô, diện tích nuôi và thể tích nước. Định kỳ 10 - 15 ngày thực hiện một lần. Nếu phát hiện đàn cá nuôi có biểu hiện giảm ăn, trên da và mang có nhiều nhớt, cá bệnh chết với số lượng ít và tăng không đáng kể thì thực hiện việc treo vôi và muối trong 3 ngày liên tục (trong mô hình nuôi ao thì mỗi ngày thay 10 - 15% lượng nước ao). Đồng thời đưa mẫu cá bệnh nhờ cán bộ thủy sản hỗ trợ trong việc chuẩn đoán bệnh cá.
Bên cạnh đó, có thể sử dụng thêm lá xoan, cỏ mực đập dập bọc lại bằng lưới cước treo ở đầu lồng bè hoặc ở chỗ cho ăn với liều lượng mỗi lần treo từ 5 - 10kg để nâng cao hiệu quả phòng ngừa các bệnh ngoại ký sinh trùng trong mùa mưa, lũ.
          3. Trị một số bệnh cho cá lúc giao mùa:
          Một số bệnh thường gặp là bệnh đốm đỏ, bệnh đường ruột, bệnh nấm thủy my, bệnh trùng mỏ neo…
          - Bệnh đốm đỏ: Xuất hiện quanh năm, thường tập trung vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè (tháng 3 - 5) mùa thu (tháng 8 - 10) khi nhiệt độ nước 25 - 300C. Biểu hiện cá kém ăn hoặc bỏ ăn, bơi lờ đờ trên tầng mặt, da cá tối màu, cá mất nhớt thô ráp, xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ thể, mắt lồi, hậu môn viêm xuất huyết, bụng có thể chướng to, các vây xơ rách, các vây tia cụt dần, thường gặp ở cá trắm cỏ. Tỷ lệ chết từ 30 - 70%.
+ Phòng bệnh: ngoài việc bổ sung Vitamin C cho vào thức ăn trước mùa bệnh: cá giống 4 gam/1kg cá/1 ngày, cá thịt 2 gam/1kg cá/1 ngày, cho ăn 3 ngày liên tục. Dùng thuốc Tiên Đắc trước một tháng để phòng bệnh trước khi thời tiết chuyển mùa, lượng 50 gam/250kg cá/1 ngày, cho ăn 3 ngày liên tục.
+ Trị bệnh: Dùng thuốc Tiên đắc 50 gam/50kg cá/1 ngày, cho ăn 5 - 7 ngày liên tục, thuốc được trộn vào thức ăn nấu chín để nguội hoặc trộn vào thức ăn tổng hợp trước khi cho ăn từ 30 - 60 phút.
          - Bệnh xuất huyết do vi rút: Xuất hiện quanh năm. Biểu hiện: đại bộ phận da cá xuất huyết, vẩy rụng, gốc vây bụng, ngực, vây lưng, các tia vây rách nát cụt dần, có lúc ruột xuất huyết, lỗ hậu môn bị xuất huyết. Bệnh nặng cá cắm đầu xuống dưới, đuôi lên trên thành vuông góc với mặt nước, cá nhanh chóng chết hàng loạt. Phòng bệnh như bệnh đốm đỏ.
          - Bệnh nấm Thủy my: Bệnh xuất hiện ở những ao tù đọng, có nhiều mùn bã hữu cơ, nuôi mật độ dày. Động vật thủy sản đánh bắt, vận chuyển bị xây sát. Bệnh phát mạnh vào mùa Xuân khi nhiệt độ từ 180C - 250C. Phòng bệnh như bệnh đốm đỏ, áp dụng biện pháp tổng hợp, thường xuyên quản lý ao hồ, thao tác đánh bắt nhẹ nhàng tránh xây sát, chọn giống cá có sức đề kháng tốt, chọn giống cá miễn dịch tự nhiên…
          - Bệnh trùng mỏ neo: xuất hiện quanh năm. Cá bơi lội không bình thường, khả năng bắt mồi giảm. Trùng hút dinh dưỡng nên cá gầy yếu. Phòng bệnh: Giữ nước ao sạch sẽ không dùng nguồn nước ở các ao bị bệnh đưa vào ao nuôi. Dùng lá xoan bón lót xuống ao trước khi thả cá với liều lượng 0,2 - 0,3 kg/m3nước để diệt trùng mỏ neo có trong ao./.
                                                            Lệ Hằng: Trung tâm KN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a4.jpg a8-6.jpg a5-3.jpg a2-3.jpg a6-4.jpg a1-4.jpg a7-6.jpg a13-1.jpg a9-1.jpg a15-3.jpg a10-1.jpg a7-2.jpg a11-3.jpg a12-3.jpg a8-2.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây