Thứ năm, 23/01/2025, 12:31

Cần chủ động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp

Thứ tư - 07/09/2022 02:55 788 0
Sản xuất nông nghiệp thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bao gồm cả chủ quan và khách quan. Về bản chất, nông nghiệp là rủi ro, do thiên tai, dịch bệnh, thị trường khó định lượng, tuy nhiên vấn đề tổ chức trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn có nhiều hạn chế. Nhưng điệp khúc “được giá mất mùa”, "được mùa mất giá" và những cuộc "giải cứu", ùn ứ nông sản khi có những tác động bất lợi trong thực tế không xa lạ gì đối với mỗi chúng ta.
Cần chủ động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp
Với tình trạng nông dân còn sản xuất theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ manh mún, tư duy sản xuất theo khả năng hiện có của mình và đặc biệt thiếu sự liên kết trong từng khâu sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm là một trong những nguyên nhân khiến các loại nông sản rơi vào tình trạng bấp bênh trên.
Từ những thực trạng đó, ngay từ năm 2002 nhà nước ta đã rất quan tâm đến vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp, đã có những quyết định quan trọng như Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, Quyết định 62/2013/QĐ-TTg. Và đặc biệt ngày 05 tháng 7 năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây thực sự là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, trong đó vai trò của sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ là vô cùng quan trọng.  
Thực hiện chủ trương trên, ngày 12 tháng 12 năm 2018 Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển HTX, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đến nay đã có nhiều mô hình sản xuất ​mới đem lại giá trị cao không chỉ giúp nông dân thoát khỏi cảnh được mùa mất giá mà còn có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình, góp phần phát triển nông nghiệp tỉnh nhà.  Những mô hình đó đã chú trọng tổ chức sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bao gồm tổ chức liên kết ngang và liên kết dọc, tức là các hộ nông dân cùng nhau liên kết để tham gia hợp tác xã (HTX) và HTX liên kết với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị nông sản.
Trong thực tế có nhiều hình thức liên kết, nhưng liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp là mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi có hiệu quả cao nhất hiện nay. Việc liên kết trước hết là mang lợi ích cho người nông dân sản xuất, HTX cũng như các doanh nghiệp tham gia liên kết. Đối với người nông dân sản xuất thì để đảm bảo nông sản sản xuất ra tiêu thụ được và ổn định đòi hỏi mỗi loại nông sản đó phải có khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, giá thành sản xuất hợp lý và đặc biệt là phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của thị trường. Nhưng với từng hộ nông dân không thể làm được điều này, và quan trọng hơn nữa là việc bảo quản hay sơ chế nông sản hoàn toàn vượt ra khỏi khả năng của từng nông hộ.
Vì vậy, chỉ có khi liên kết giữa nông dân với nông dân theo hình thức liên kết ngang tạo thành tổ chức hợp tác, giữa tổ chức nông dân sản xuất với các đơn vị doanh nghiệp theo hình thức liên kết dọc để thực hiện c khâu từ mua nguyên vật liệu, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ, hoặc một số khâu trong chuỗi nông sản cũng sẽ giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế và đặc biệt là có đầu ra sản phẩm ổn định. Khi liên kết người nông dân nhận được các hỗ trợ về vốn, về khoa học kỹ thuật từ đó nâng cao trình độ sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị hơn và dần xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản do chính mình làm ra.
Đối với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản thì việc hình thành mối liên kết giữa nông dân với nông dân để tạo nên các tổ chức tổ hợp tác hay HTX có lợi rất nhiều đã hình thành vùng nguyên liệu ổn định về số lượng và đồng nhất về chất lượng, từ đó nâng cao được chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao khả lợi thế canh tranh của doanh nghiệp. Mặt khác doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí quản lý do chỉ cần ký hợp đồng với HTX thay vì phải ký hợp đồng nhiều hộ nông dân riêng lẻ.
Đối với HTX đóng vai trò trung gian, là đầu mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX đại diện hợp đồng cung cấp vật tư sẽ giảm được giá thành đầu vào, HTX hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và tập hợp sơ chế nông sản, quản lý bảo đảm chất lượng nông sản và đại diện hợp đồng với doanh nghiệp thu mua ổn định, hạn chế nhiều rủi ro.
Hiện có nhiều liên kết có sự tham gia của HTX với vai trò là trung gian trong chuỗi sản xuất tiêu thụ rau củ quả và một số nông sản  đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mang lại hiệu quả cao như:  HTX Rau củ quả an toàn Nam Anh – Nam Đàn với Công ty TNHH VITAMIN D2 OGANIC và một số hàng bán thực phẩm sạch, các trường học trên địa bàn Thành phố Vinh; HTX nông nghiệp Xanh Hồng - Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng – Quỳnh Lưu với Công ty CP Đầu tư SX TM & DV Cuộc sống xanh;  HTX nông nghiệp THQ Diễn Phong với Công ty TNHH SX và TM LIM …
Trong thực tế có nhiều HTX đóng vai trò luôn như doanh nghiệp, trực tiếp thu mua, quảng bá sản phẩm, bán hàng tới người tiêu dùng như HTX Sen quê Bác – Nam Đàn,  hỗ trợ nông dân trồng sen về giống, kỹ thuật …và thu mua các nguyên liệu sen từ các hộ, đầu tư trang thiết bị chế biến ra nhiều sản phẩm và thực hiện luôn công đoạn quảng bá và bán sản phẩm. Tương tự như vậy có HTX Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất và chế biến chanh Nam Kim – Nam Đàn, và hiện nay để tạo ra sản phẩm có giá trị cao, xây dựng thương hiệu chanh Thiên Nhẫn trong và ngoài nước, HTX liên kết với Công ty CP Đầu tư sao Thái Dương đã và đang xây dựng cơ sở chế biến sâu sản phẩm chanh Thiên Nhẫn.
Hiệu quả của việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là rất rõ, việc liên kết hoàn chỉnh theo chuỗi giá trị hay tùy từng điều kiện cụ thể có thể liên kết ở một vài các khâu trong chuỗi đều mang lại những kết quả có lợi cho các bên tham gia.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả, chưa pháp huy được tiềm năng lợi thế và những chính sách phát triển nông nghiệp của nhà nước. Có nhiều nguyên nhân, nhưng căn bản nhất trong mỗi liên kết là các điều khoản trong hợp đồng vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau, đặc biệt là hợp đồng bao tiêu nông sản chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua. Do đó trong thời gian qua còn xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng khi có sự biến động về giá, thị trường tiêu thụ gây thiệt hại lớn cho chính những bên tham gia, đặc biệt là người nông dân sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, các cấp các ngành, doanh nghiệp và người nông dân cần chủ động tổ chức mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách bài bản. Đặc biệt quan tâm một số nội dung sau:
           Một là: Tuyên tuyền, hỗ trợ hình thành các tổ chức liên kết các nông hộ theo mô hình quản lý cộng đồng, quan tâm hình thành các hợp tác xã/Tổ hợp tác. Các tổ chức này sẽ có vai trò cầu nối, đại diện các nông hộ đứng ra thỏa thuận với doanh nghiệp, kiểm soát hợp đồng bảo đảm bình đẳng giữa doanh nghiệp và nông hộ. Nếu có xảy ra tranh chấp, các tổ chức này sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải để cân bằng lợi ích giữa các bên. Việc thành lập và hoạt động của các tổ chức phải xuất phát từ nhu cầu của người dân và tham gia vào tổ chức đó phải mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho từng thành viên.
           Hai là:  Khi thành lập được các tổ chức, trước hết các thành viên trong tổ chức phải có ý thức, trách nhiệm tuân thủ các thỏa thuận trong hợp đồng liên kết. Khi hợp đồng được ký kết các hộ nông dân là thành viên của tổ chức cần thực hiện tốt định hướng và  giải pháp của tổ chức đề ra. Đoàn kết, hỗ trợ giúp nhau ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp và đặc biệt phải bảo vệ nhau khi giá nông sản xuống và thực hiện tốt hợp đồng khi giá nông sản lên.
Ba là:  Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn, các tổ chức từng địa phương cần nắm bắt thông tin chính xác và lựa chọn các doanh nghiệp/đơn vị có tiềm lực và có uy tín trong các quan hệ liên kết để giới thiệu cho nông dân, cho các tổ chức. Tạo môi trường thuận lợi, nhất là các thủ tục hành chính, các chính sách kinh tế thu hút cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp
Như vậy liên kết trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là liên kết theo chuỗi giá trị là yêu cầu tất yếu trong phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, liên kết để nâng cao giá trị các nông sản Việt trên thị trường quốc tế, hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại hơn trong thời kỳ mới./.
                                                              Lê Thị Luyến - nguồn TSKN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây